Những khó khăn và nỗ lực của dự án InfoAct khi triển khai hoạt động xây dựng và truyền thông bản tin thời tiết tới cho bà con tại Lai Châu và Điện Biên
Chị Trần Thị Thanh Xuân, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên – là thành viên của Tổ công tác tỉnh Điện Biên đã gần 2 năm nay. Cứ vào chiều thứ 2 hàng tuần, chị Xuân cùng các cán bộ trong Tổ công tác tạm gác công việc bận rộn ở cơ quan để ngồi lại cùng nhau, xây dựng bản tin khuyến cáo sản xuất dựa vào dự báo thời tiết-khí tượng nông nghiệp. Cũng như rất nhiều đồng nghiệp khác, chị đang nỗ lực đem tới cho bà con những bản tin chính xác, kịp thời và dễ hiểu nhất có thể.
Với nguồn vốn từ Chính phủ CHLB Đức, dự án Tăng cường khả năng thích ứng thông qua tiếp cận thông tin khí hậu (InfoAct) được Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam triển khai tại Điện Biên và Lai Châu từ năm 2018. Ở mỗi tỉnh, dự án thành lập một Tổ công tác gồm các bên: Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Phòng nông nghiệp, Đài khí tượng thủy văn, Trạm bảo vệ thực vật. Nhiệm vụ của tổ công tác là phối hợp phân tích dữ liệu từ đài khí tượng thủy văn để xây dựng kịch bản về nhiệt độ, thời tiết, lượng mưa, từ đó đưa ra các khuyến cáo cho cây trồng, vật nuôi.
“Trước đây cũng có những khuyến cáo cho bà con nhưng khá rời rạc, ví dụ như khuyến cáo về sâu bệnh riêng, lịch mùa vụ riêng. Điều mà dự án InfoAct muốn làm và đã làm được đó là những đơn vị này kết hợp với nhau để đưa ra một khuyến cáo chung thôi, và đặc biệt là khuyến cáo này phải bám sát theo thông tin về thời tiết, phải được đưa tới bà con kịp thời và dễ hiểu nhất.” – anh Trần Mạnh Hùng, quản lý dự án InfoAct, chia sẻ.
Nỗ lực xây dựng các bản tin thời tiết
Việc huy động sự tham gia và duy trì hoạt động hiệu quả của Tổ công tác là thách thức không nhỏ. Chị Tống Thị Hưởng – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Điện Biên (CCD) – đối tác triển khai dự án – chia sẻ: “Giai đoạn đầu rất khó khăn vì mỗi bên đều bận rộn với công việc chuyên môn riêng, tổ công tác phải cố gắng thu xếp, chủ động tìm cách kết nối qua Zalo, Facebook để trao đổi kịp thời. Bên cạnh đó, việc sản xuất các bản tin với tần suất thường xuyên, trong một thời gian ngắn càng làm cho công việc của các cán bộ trong Tổ công tác bận rộn và áp lực hơn.”
Nỗ lực truyền tải thông tin tới người dân
Anh Tòng Văn Phóng – cán bộ khuyến nông xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) – cho biết ngôn ngữ là một yếu tố trở ngại: phần đông bà con nơi đây là người dân tộc thiểu số và không phải ai cũng đọc nói thông thạo tiếng Kinh. Khi tới các bản dân tộc Thái, anh Phóng chủ động chia sẻ bằng tiếng Thái, giúp bà con dễ hiểu và tham gia thảo luận sôi nổi hơn. Ngoài cách gặp mặt trực tiếp, dự án cũng truyền đạt thông tin qua những kênh khác như Zalo, tin nhắn điện thoại, loa bản nhằm đưa thông tin theo cách thuận tiện nhất với bà con.
Nỗ lực thúc đẩy người dân áp dụng
Việc thúc đẩy người dân áp dụng khuyến cáo để thay đổi thói quen canh tác cũng là một thách thức lớn. Do bà con đã quen làm theo kinh nghiệm từ nhiều đời trong khi dự án chỉ mới triển khai được gần 2 năm. Nhưng thực tế đã ghi nhận: khi có một hộ trong xã áp dụng thành công, nhìn thấy rõ hiệu quả thì những người khác sẽ nhanh chóng học hỏi và áp dụng theo.
Chị Giàng Thị Mang – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu – chia sẻ: “Năm 2019, có hộ anh Giàng A Tỉnh đi mua thuốc về phun cho cây lúa bị vàng lá, mua đúng như trong khuyến cáo của dự án. Khi lúa nhà anh Tỉnh hết bệnh, bà con thấy thế kéo nhau đi mua. Cho tới nay, có rất nhiều bà con trong xã đã làm theo mục phun thuốc trị các loại bệnh trong bản tin khuyến cáo.”
Những kết quả bước đầu
Sau hơn nửa chặng đường dự án được triển khai, tuy gặp nhiều trở ngại khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các bên, dự án đã đạt được kết quả bước đầu rất khả quan: Cứ 10 người tiếp cận bản tin của dự án thì có 9 người áp dụng thông tin vào canh tác. Gần 33% nông dân trồng lúa ở Điện Biên và Lai Châu được hỏi cho biết họ giảm được thiệt hại do thiên tai. Con số này đối với người dân trồng cà phê ở Điện Biên là 40% và người trồng chè ở Lai Châu là gần 27%.
Những kết quả trên là động lực để các bên tham gia vào dự án quên đi những khó khăn trước mắt và thêm nỗ lực trên hành trình mang thông tin khí tượng nông nghiệp đến với bà con dân tộc thiểu số vùng cao, giúp bà con thêm vững vàng trước những tác động của biến đổi khí hậu.
CARE triển khai dự án Tăng cường khả năng thích ứng thông qua tiếp cận thông tin khí hậu (InfoAct) do Chính phủ Đức tài trợ ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Ở Điện Biên, đối tác đồng triển khai là Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CCD). Ở Lai Châu, CARE phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Dự án đặt mục tiêu tăng cường sinh kế và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu của người dân tộc thiểu số nghèo.