Nguyễn Ngọc Thảo Ly, Recordie Team, Light Up Team, và 7Plus team là những cái tên được xướng lên nhiều lần tại lễ trao giải cuộc thi phim ngắn 8 Tiếng Trọn Vẹn diễn ra tối 24/4/2019 tại rạp BHD (Vincom Center Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội). Cuộc thi do CARE tổ chức trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do sáng kiến Investing in Women của Chính phủ Australia tài trợ.
Theo thứ tự lần lượt, các tác giả trên đạt giải Phim Tài liệu ngắn xuất sắc nhất cho phim Sáng-Chiều-Cuối tháng; Phim truyện ngắn xuất sắc nhất cho phim Tập sự; Thông điệp xuất sắc nhất cho phim Lý; và được bình chọn nhiều nhất qua mạng internet cho phim Nghe, Anh.
“Điều gì tạo nên nụ cười của một người phụ nữ? Điều gì tạo nên nụ cười của một người phụ nữ khi đã phải chịu ngần ấy bất công trong sự nghiệp, và rồi đến lúc về nhà lại tiếp tục phải quán xuyến công việc gia đình thay chồng thay con? Bộ phim là một câu chuyện bình dị, kể về hành trình tìm kiếm niềm vui của một nữ công nhân ngành may.” – Nguyễn Ngọc Thảo Ly, tác giả của tác phẩm đạt giải Phim Tài liệu xuất sắc nhất đã kể như thế về bộ phim của mình.
Với mục tiêu cùng nhau nhận diện và lên tiếng về những định kiến đang ngăn cản sự tham gia bình đẳng của người lao động, bất kể giới tính, ở nơi làm việc, để làm sao bất cứ ai cũng có được “8 tiếng trọn vẹn”, an toàn, văn minh và được ghi nhận xứng đáng, cuộc thi đã nhận được 24 tác phẩm sau hai tháng phát động, thuộc nhiều đề tài, thể loại, từ các tác giả là học sinh THPT, sinh viên, các nhóm làm phim chuyên nghiệp.
Các bài dự thi gửi về đã phần nào cho thấy định kiến giới tác động đến đông đảo người lao động, dù đó là 1 người công nhân may, nhân viên văn phòng, nhân viên quán bar, hay người lao động tự do. Chúng ta cũng thấy những câu chuyện đầy định kiến về vai trò, khả năng làm việc và đóng góp của phụ nữ – mà những định kiến ấy không nhất thiết ở mức bi kịch và dễ nhận diện, mà thường đan xen, nhiều tầng lớp, phức tạp, âm thầm tác động lên người lao động. Chúng ta cũng thấy việc đối phó với những vấn đề này cũng âm thầm và dường như trở thàn một lẽ thường với những người lao động yếu thế, đặc biệt là phụ nữ.
Cuộc thi nói chung và các tác phẩm nói riêng đóng góp tiếng nói quan trọng vào việc lan tỏa hiểu biết về các vấn đề bình đẳng giới ở nơi làm việc, về những định kiến mà chúng ta do vô tình hay cố ý đang lặp lại hàng ngày.
”Chúng tôi coi cuộc thi chỉ là chất xúc tác, và hy vọng các tác giả sẽ tiếp tục nuôi dưỡng mối quan tâm đến chủ đề này cả trong công việc và cuộc sống cá nhân của mình.” – bà Lê Kim Dung, Giám đốc quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, phát biểu. Nhân dịp này, bà Dung cũng gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Australia cùng Sáng kiến Đầu tư cho phụ nữ (Investing in Women) đã tài trợ cho Cuộc thi, và Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD và Tuva Communication đã đồng hành cùng cuộc thi.
Mời các bạn xem lại một số hình ảnh tại lễ trao giải do Lê Minh Đức (Tuva Communication) ghi lại: