Ngày 15/5/2019 tại Hà Nội, CARE Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam đã đồng tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó tập trung vào vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và quy định về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động VN, đại biểu quốc hội, chuyên gia về lao động, chuyên gia về giới, đại diện một số nhóm người lao động (NLĐ) thuộc các ngành nghề khác nhau và các cơ quan báo chí. Giám đốc Quốc gia Tổ chức CARE Quốc tế, bà Lê Kim Dung, và Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng chủ tọa hội thảo.

Đa dạng mong muốn về mức tuổi nghỉ hưu

Ông Bùi Sỹ Lợi nói về ảnh hưởng tích cực với thị trường lao động và sự nghiệp của phụ nữ khi thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Ảnh: Giang Vũ/CARE

Trong phiên thứ nhất về thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, ông Lê Đình Quảng – Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Namn cho biết lý do dự thảo đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động nam lên 62 và nữ lên 60 từ nay đến năm 2030 theo lộ trình từ từ để tránh gây sốc cho lực lượng lao động và thị trường việc làm. Bà Phạm Hải Hà – Chủ tịch Công đoàn của Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI, bà Đinh Bích Hà – Phó Hiệu trưởng trường Việt Triều – Hữu Nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (48 tuổi) – Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) đều cho rằng bản thân mình và phần lớn đồng nghiệp đều muốn nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi do dự thảo đưa ra. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng nâng tuổi nghỉ hưu có khả năng gây ra một số tác động tiêu cực, ví dụ khi NLĐ không còn đảm bảo năng suất ở quãng độ tuổi tăng thêm. Nhưng ông cho rằng tác động tích cực rất lớn. Cể là góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong việc làm và từ đó khắc phục phần nào chênh lệch lương hưu. Đồng thời, khi có khoảng thời gian làm việc dài hơn, phụ nữ cũng sẽ tăng khả năng giữ các vị trí cao hơn.

Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ, bà Hà Thị Thanh Vân, cho rằng không nên quy định tuổi hưu theo giới tính mà phải theo lĩnh vực ngành nghề, ví dụ viên chức, công chức hành chính; người lao động trong lĩnh vực lao động nặng nhọc, độc hại;…. Bà Vân cũng nhấn mạnh cần chú ý việc xây dựng pháp luật phải đảm bảo sự phù hợp với điều kiện thực tế và công bằng giới. Dựa trên nguyên tắc đó, bà đề xuất dự thảo quy định độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu nhưng trao quyền lựa chọn cho NLĐ.

Doanh nghiệp thiếu khung pháp lý để xử lý QRTD

Trong phiên thứ hai, ông Nguyễn Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội –  nêu 5 hạn chế lớn của BLLĐ hiện nay: Thiếu định nghĩa pháp lý về QRTD, thiếu định nghĩa “nơi làm việc”, thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên liên quan, thiếu cơ chế thủ tục khiếu nại tố cáo về hành vi QRTD; và thiếu quy định về chế tài và biện pháp khắc phục hậu quả.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – chuyên gia về an sinh xã hội – cho rằng nơi xảy ra QRTD rất đa dạng và không chỉ là hành vi của nam đối với nữ mà có cả hành vi QRTD của nữ đối với nam. Bà đề xuất cần đưa định nghĩa “nơi làm việc” vào phần quy định chung trong dự thảo BLLĐ chứ không chỉ vào điều khoản về QRTD (khoản 10 điều 3). TS. Dương Thanh Mai, nguyên Viện trưởng viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, cho rằng cần có cơ chế để chuyển nghĩa vụ chứng minh của người khiếu nại sang thành nghĩa vụ chứng minh không có hành vi QRTD của người sử dụng LĐ.

Xuất phát từ kinh nghiệm tham gia tố tụng và tư vấn cho doanh nghiệp, TS. Đỗ Ngân Bình – Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật – Đại học Luật Hà Nội cho biết doanh nghiệp, đặc biệt các đơn vị xuất khẩu, rất quan tâm vấn đề QRTD nhưng họ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là họ không biết dựa vào văn bản nào để xử lý và không đủ căn cứ để chứng minh xảy ra QRTD. Bà đề xuất phạm vi QRTD hiện nay quá hẹp, nhưng cũng không thể đi quá cụ thể trong Bộ Luật Lao động mà cần đưa định nghĩa chi tiết hơn vào nghị định hướng dẫn. Về phạm vi “nơi làm việc”, bà đề xuất Ban soạn thảo tham khảo cách phạm vi ‘nơi làm việc’ trong dự thảo công ước mới của ILO về bạo lực và quấy rối ở nơi làm việc. Bà cũng đề xuất Bộ Luật Lao động (sửa đổi) trao quyền cho doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với NLĐ có hành vi QRTD.

Bên cạnh hội thảo này, với kinh phí từ sáng kiến Đầu tư vào Phụ nữ của Chính phủ Úc, CARE và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi làm việc để giúp một số đại biểu quốc hội lấy ý kiến công nhân, công đoàn,… ở một số nhà máy may trên cả ba miền.