Sau 2 năm triển khai, 65 nhóm cổ phần tín dụng tự quản (VSLA) với khoảng 1.300 thành viên được thành lập và đi vào hoạt động ổn định. Các thành viên dần có thêm hiểu biết giúp thay đổi một số định kiến giới đang tạo ra rào cản cho phụ nữ, đồng thời cải thiện kỹ thuật canh tác cà phê Arabica.

Đây là một số kết quả sơ bộ vừa được cập nhật tại hội thảo ngày 18 và 19/7/2019 tại Hà Nội nhằm tổng kết và lập kế hoạch hàng năm của dự án Nâng quyền Kinh tế của Phụ nữ Dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản (TEAL) do Chính phủ Úc tài trợ.

Thành tựu và thách thức

Vùng Tây Bắc, trong đó chủ yếu là Điện Biên và Sơn La, là trung tâm trồng cà phê Arabica lớn nhất của Việt Nam. Cây cà phê Arabica là nguồn thu nhập chính của nhiều bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Sau nhiều năm canh tác, bà con vẫn chỉ dừng lại ở trồng và bán quả tươi. Vì vậy họ rất cần được hỗ trợ tham gia sâu hơn vào trong chuỗi cà phê Arabica thông qua cải tiến chất lượng trồng, áp dụng công nghệ sau thu hoạch để đưa ra các dòng sản phẩm cà phê có chất lượng cao với cả cách sơ chế khô và bán ướt và giảm thiểu tác hại môi trường, để gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập. Khi tham gia dự án TEAL, bà con và chính quyền địa phương cũng được nâng cao hiểu biết về giới, từ đó thay đổi sự nhìn nhận của mình về vai trò và đóng góp của phụ nữ – lực lượng lao động chủ yếu trong khâu trồng và thu hoạch cà phê Arabica ở Tây Bắc.

Thảo luận nhóm về cách thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của người khuyết tật vào chuỗi cà phê Arabica. Ảnh: @2019 Giang Vũ/CARE

Bên cạnh việc nhìn lại chặng đường vừa qua, đại diện các thành viên tham gia dự án TEAL cũng nêu ra nhiều thách thức và gợi ý cho giai đoạn tới. Ví dụ: làm thế nào để đẩy mạnh hình ảnh của cà phê Tây Bắc đến với công chúng, đặc biệt là khách hàng tiềm năng trong nước? làm sao để các nhóm hộ phụ nữ sản xuất cà phê có thể tiếp cận trực tiếp bán sản phẩm cho các nhà rang xay cà phê. Tương tự, nhóm thực hiện dự án cũng đặt ra các trăn trở làm sao để đơn giản hóa quá trình giám sát đánh giá đơn giản hơn? Làm thế nào để duy trì và lan tỏa các thay đổi tích cực về bình đẳng giới trong cộng đồng từ tác động của dự án? Làm thế nào để huy động thêm sự tham gia của nam giới trong cộng đồng? Làm thế nào để người khuyết tật có thể tham gia và hưởng lợi từ dự án?

Dự kiến, trong thời gian tới, dự án sẽ đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao chất lượng trong tất cả các khâu từ sản xuất, sơ chế, tiếp cận thị trường, và hướng tới thí điểm rang xay cho 3 nhóm sản xuất đã thành lập ở Sơn La và 1 nhóm ở Điện Biên.

Thông tin thêm về hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của gần 40 thành viên, gồm đại diện bà con từ huyện Mường Ảng (Điện Biên) và Mai Sơn (Sơn La) cùng các bên triển khai dự án gồm CARE, Trung tâm Phát triển Cộng đồng Điện Biên (CCD), Trung tâm Phát triển Cộng đồng Đắk Lắk (CDC), Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La), Trung tâm hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) – một tổ chức hỗ trợ người khuyết tật.

Ngoài ra, đại diện Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh tại Sơn La và Doanh nghiệp chế biến cà phê Mạnh Hùng tại Điện Biên cũng có mặt trong hai ngày hội thảo. Hai công ty này tham gia dự án với vai trò chuyển giao kỹ thuật canh tác, chế biến cà phê và kết nối thị trường cho các tổ sản xuất được thành lập trong dự án.