Tác giả: Hà Thị Quỳnh Nga, Quản lý Quan hệ đối tác chiến lược, CARE Quốc tế tại Việt Nam

Sau hơn 2 tiếng xuất phát từ thành phố Điện Biên, qua những lúc lên dốc, xuống dốc cùng vô số các khúc cua tay áo, cuối cùng chúng tôi đã tới trung tâm xã Tỏa Tình. Tỏa Tình là một xã vùng cao của huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Xã nằm cạnh quốc lộ 6 cũ trên đỉnh của con đèo Pha Đin huyền thoại – một trong những con đèo dài và khó đi nhất vùng Tây Bắc. Cái nôn nao sau một hành trình gập ghềnh nhanh chóng biến mất khi tôi bước ra khỏi xe. Tôi hít đầy lồng ngực hơi sương lạnh của núi. Lúc này, tôi đang ở độ cao 1.600m so với mực nước biển.

Sự ra đời của nhóm Sơn Tra

Hầu hết đường vào các bản ở đây là đường đất. Mùa mưa rất khó đi lại. Ảnh: Hà Thị Quỳnh Nga/CARE

Gần một nửa dân xã Toả Tình thuộc nhóm nghèo. Nếu tính cả những hộ cận nghèo thì con số lên quá bán. Đại đa số người dân ở đây là dân tộc H’Mông. Họ sống chủ yếu bằng nông nghiệp nên đời sống kinh tế rất khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người của xã là 8 triệu/người/năm. Hiện mới chỉ có 3 trong số 7 bản có điện lưới quốc gia. Phần lớn đường vào các bản còn là đường đất, đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa

Nơi chúng tôi đến thăm là Bản Hua Sa A, khá gần với trung tâm xã. Bản cũng có nhiều điểm tương đồng với tình hình toàn xã: Trong số 108 hộ, 44 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo. Phụ nữ tại đây đã từng tham gia các lớp học xòa mù chữ nhưng đa phần đã tái mù. Người dân bản kiếm sống chủ yếu từ trồng trọt và chăn nuôi nhỏ.

Thông qua dự án Bứt phá (Reach to Excel) do tập đoàn P&G tài trợ, CARE thành lập nhóm tiết kiệm và cho vay tự quản (VSLA) tại bản Hua Sua A từ tháng 9/2018 nhờ có sự phối hợp từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên, Trung tâm Phát triển Cộng đồng tỉnh Điên Biên, Hội phụ nữ huyện Tuần Giáo và xã Tỏa Tình. Nhóm được đặt tên là Sơn Tra (táo mèo) – một loại cây gắn với núi rừng Tây Bắc. Nhóm Sơn Tra gồm 19 phụ nữ thành viên, trình độ từ mù chữ đến trung cấp, cao đẳng. Các thành viên họp 2 lần/tháng để cùng nhau tiết kiệm, cho vay và sinh hoạt theo các chủ đề.

Những người phụ nữ vốn rụt rè ở những những nơi công cộng và rất ít có cơ hội gặp gỡ nhau. Tôi cũng phần nào cảm thấy sự e dè đó vào những phút đầu tiên gặp mặt. Nhưng chỉ sau một lát, các chị em đã trở nên tự nhiên và thoải mái hơn. Hôm nay vì có khách tới thăm nên các chị em ai cũng xúng xính những bộ quần áo đẹp nhất.

Vì có khách tới thăm nên các chị em ai cũng xúng xính những bộ quần áo đẹp nhất. Ảnh: Hà Thị Quỳnh Nga/CARE

Chi tiêu thông minh hơn để tự chủ hơn trong cuộc sống

Chúng tôi có cơ hội quan sát một cuộc họp định kỳ hàng tháng của nhóm. Dù không hiểu tiếng H’Mông nhưng tôi cảm nhận rõ sự tự tin của các chị khi góp tiền tiết kiệm, đóng quỹ tương trợ cũng như dùng tiền tiết kiệm để cho các thành viên trong nhóm vay. 19 thành viên của nhóm tham gia sinh hoạt rất đều đặn. Sau hơn một năm, nhóm đã tiết kiệm được trên 45.000.000đ. Nhiều thành viên đã được cho vay để phát triển kinh tế gia đình, cho con đi học và mua sắm đồ dùng trong gia đình.

Các thành viên lần lượt đóng góp vào quỹ tiết kiệm và quỹ dự phòng cũng như cho nhau vay. Ảnh: Lê Xuân Hiếu/CARE

“Đầu năm học mới, tôi vay 2 triệu để mua quần áo mới, sách vở và đồ dùng học tập cho con đi học”. “Tôi đã vay 10 triệu từ nhóm để đi mua vải và đầu tư vào tiệm may quần áo”- đó là những chia sẻ khi chúng tôi hỏi các chị về mục đích của các khoản vay. Các chị cũng nói rằng luôn cố gắng tiết kiệm để tham gia vào nhóm VSLA (mỗi tháng có thể tiết kiệm được từ 40.000-200.000đ).

Thách thức quan niệm cổ hủ về vai trò của phụ nữ

CARE đã và đang hỗ trợ thành lập rất nhiều nhóm VSLA ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, Sơn Tra là một trong rất ít VSLA chỉ gồm toàn phụ nữ H’Mông. Người H’Mông vẫn còn quan niệm: “Chín con gái không xứng đáng bằng một con trai”. Các cô gái trẻ ở với bố mẹ được coi chỉ là tạm thời, vì họ được mặc định rồi sẽ kết hôn và rời khỏi gia đình. Việc đi lại của phụ nữ Mông cũng hạn chế hơn nhiều so với phụ nữ dân tộc khác do họ không nói được tiếng Kinh hoặc không tự đi được xe máy. Những việc quan trọng trong gia đình phần lớn vẫn do người đàn ông quyết định.

Sau phần họp định kỳ, chúng tôi quan sát các chị em chơi trò chơi “Hãy chọn giá đúng”. Kết quả là các chị em đoán rất chính xác giá của những mặt hàng thông dụng hàng ngày nhưng không không nắm rõ giá của những vật dụng có giá trị lớn hơn như TV, xe máy, vv… Khi được hỏi về việc ai là người đưa ra quyết định cuối cùng khi mua những tài sản lớn, nhiều chị em nói rằng đó là chồng. Nhưng cũng có một số người nghĩ khác. Và vì thế dấy lên tranh luận giữa hai luồng ý kiến. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi và kết thúc bằng sự khích lệ của trưởng nhóm về việc phụ nữ cần tự tin hơn, chủ động đưa ra ý kiến và thảo luận các vấn đề trong cuộc sống với chồng. Có như vậy mới xây dựng được một gia đình hòa hợp, hạnh phúc và làm gương cho con cháu.

“Từ khi tham gia vào nhóm này, tôi đã biết chia sẻ và bàn bạc với chồng nhiều hơn. Chồng cũng lắng nghe. Bây giờ làm gì tôi không phải xin phép chồng nữa.

Chị Hạng Thị Manh, thành viên nhóm Sơn Tra

Buổi gặp gỡ kết thúc trong tiếng cười và niềm vui hân hoan của các chị em khi nhận được quà từ tập đoàn P&G. Tôi cảm thấy tràn đầy hy vọng về sự thay đổi trong vai trò và tiếng nói của phụ nữ H’Mông, tại gia đình và cộng đồng của chính họ.

Bứt phá là dự án nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số do CARE và các đối tác thực hiện tại bốn tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và Bắc Kạn. Dự án được triển khai từ tháng 1/2018-12/2019 với sự tài trợ của tập đoàn P&G. Hiện có trên 5.000 phụ nữ dân tộc thiểu số (trực tiếp) và trên 20.000 thành viên khác trong cộng đồng (gián tiếp) đang hưởng lợi từ dự án thông qua các hoạt động chính như: thành lập nhóm tiết kiệm và cho vay tự quản (VSLA), hỗ trợ vận hành nhóm, đối thoại giới và giáo dục tài chính.