Năm 2020 là mốc cực kỳ quan trọng với Chính phủ và Quốc hội Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đặc biệt là nhiệm vụ thiết kế và phê duyệt các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển tổng thể kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Vừa qua, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức hội thảo kỹ thuật lấy ý kiến chuyên gia và các bộ ngành liên quan về khung chính sách hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận và góp ý vào phạm vi, đối tượng, nội dung của tiểu dự án 1 liên quan đến phát triển kinh tế nông, lâm gắn với bảo vệ rừng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, hội thảo cũng thảo luận về các giải pháp và cơ chế trong tổ chức thực hiện các tiểu dự án liên quan đến đầu tư phát triển sản xuất nói chung vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Những cải cách cần thiết trong chính sách mới

Phải đổi mới gì về cả nội dung, cách tiếp cận và cơ chế thực hiện so với những chương trình chính sách đã thực hiện thời gian qua là các câu hỏi được nhiều đại biểu cho ý kiến. Chẳng hạn, chỉ riêng cách tiếp cận về phát triển chuỗi, xây dựng hệ thống thị trường cho sản phẩm nông lâm nghiệp đã có nhiều ý kiến được nêu:

  • Giai đoạn tới nếu đầu tư phát triển sản xuất gắn với chuỗi thì phải tạo liên kết, song trước đó phải có tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ nhóm nông dân vì thế chương trình không nên hỗ trợ, đầu tư riêng lẻ cho từng hộ, nhóm hộ đơn lẻ mà phải là tổ hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại, v.v…
  • Cần có cơ chế rõ ràng trong thu hút doanh nghiệp, các tác nhân cung cấp dịch vụ công hoặc ngoài khu vực công vào các hoạt động cung cấp đầu vào, tư vấn kỹ thuật.
  • Cần phải tách riêng nội dung quản lý dự án, nghiên cứu, đánh giá về thị trường tiềm năng cho từng chuỗi.
  • Dự án, chương trình nên được triển khai một cách có hệ thống, bao gồm (i) hoạt động nâng cao năng lực cho các bên tham gia thị trường, trong đó có cả các cơ quan cung cấp dịch vụ công của nhà nước, (ii) nâng cao năng lực sản xuất và tổ chức sản xuất cho người dân và tổ nhóm của họ, (iii) huy động sự tham gia và làm chủ của phụ nữ.

Về sự kiện

Sự kiện là một phần trong chuỗi hoạt động mà CARE hỗ trợ thông qua Dự án GREAT do Chính phủ Australia tài trợ.

Thông qua hội thảo, CARE hi vọng cung cấp được các đóng góp đầu vào đa chiều và ý nghĩa giúp có được khung chính sách thích hợp, phản ánh được nhu cầu giảm nghèo và phát triển một cách hiệu quả vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam.