Từ chỗ còn e ngại về các hoạt động tiết kiệm, chị Hà Thị Năm đã cùng chị em trong thôn chung tay để xây dựng nhóm tiết kiệm thôn Pá Lải vững mạnh với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa.

Trở về nhà sau trận đấu bóng chuyền hơi của chị em trong thôn, chị Hà Thị Năm trông tràn đầy năng lượng và hào hứng.

Từ thể thao đến tiết kiệm – tất cả trong một nhóm

Môn thể thao này đã trở nên phổ biến ở phụ nữ ở xã Thanh Vân trong những năm qua kể từ ngày Dự án Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp (WEAVE) bắt đầu. Thôn nào cũng có đội bóng của chị em mà các thành viên Nhóm Cổ phần Tài chính tự quản, hay được gọi tắt theo tên tiếng Anh VSLA, là nòng cốt. Nhiều anh chồng cũng bắt tay vào làm việc nhà để vợ có thể tham gia chơi bóng. Ở vùng miền núi như xã Thanh Vận hay Mai Lạp, đội bóng chuyền hơi được thành lập ở từng thôn cùng các hoạt động khác của dự án đã làm sôi động hẳn bản làng, trở thành niềm vui tinh thần cũng như thể chất rất hữu ích và gắn bó của chị em.

Hà Thị Nam dẫn dắt nhóm tiết kiệm thôn mình và nhanh chóng biến nó thành một nhóm vững mạnh. Ảnh: Đỗ Trường Sơn/CARE

Khi CARE và Trung tâm ADC đến thôn Pá Lải năm 2016 để giới thiệu ý tưởng thành lập nhóm VSLA, chị Năm cũng như nhiều chị em trong thôn còn rất e ngại. Sau đó, dự án đưa chị em đi thăm mô hình VSLA ở huyện Na Rì. Chuyến đi thay đổi hoàn toàn cảm nhận của họ và VSLA Pá Lải ra đời năm đó với 20 thành viên ban đầu. Sau một năm, nhóm tăng lên 26 thành viên, trong đó có 3 là nam giới. Nhóm nhất trí mệnh giá mỗi cổ phần là 50.000 đồng. Mỗi tháng họp một lần, các chị em trong nhóm tiết kiệm được nhiều nhất là 4-5 triệu đồng/năm.

“Vào nhóm chị em được dự các cuộc tập huấn về hoạch toán kinh tế gia đình, bình đẳng giới, được chia sẻ kinh nghiệm với nhau.”

Hà Thị Năm

Theo chị Năm, trước đây mọi người có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Nay chị em đã biết cách quản lý chi tiêu, ghi bảng tính chi tiêu mỗi tháng, biết tiết kiệm mỗi ngày dù chỉ là 5 – 10 nghìn đồng phòng khi con ốm hay có việc đột xuất.

Và hơn cả tiết kiệm

Thôn Pá Lải nằm cạnh đường liên xã, khiến việc buôn bán có phần dễ hơn đôi chút so với các làng khác cùng xã. Tuy vậy, dân làng vẫn không kiếm được nhiều. Quỹ chung của VLSA đã giúp nhiều phụ nữ trong thôn có các khoản vay nhỏ. Chỉ rất ít thành viên chưa vay lần nào. Bản thân chị Năm đã vay vài lần khi cần mua hạt giống và phân bón để trồng keo khi chồng chưa kịp gửi tiền về.

VSLA Pá Lải không chỉ mạnh về hoạt động tiết kiệm mà còn rất thu hút trong các hoạt động tập huấn. Ảnh: Đỗ Trường Sơn/CARE

Nhóm VSLA của Pá Lải không chỉ tiết kiệm tốt mà còn thu hút được các thành viên tham gia tích cực vào nhiều hoạt động tập huấn. Theo lời Năm, nhờ vậy mà các chị em có cơ hội được khẳng định mình, diễn đạt tốt hơn và không sợ đứng trước đông người nữa.

Dự án đặc biệt còn thu hút đàn ông trong thôn tham gia vào các hoạt động với vợ của họ. “Nhóm em hầu như các đôi đi hết.” – chị Năm kể.

“Trước không tập huấn, các anh không biết vợ thích gì. Đi rồi các anh hiểu vợ hơn, có anh thấy mình khắt khe với vợ quá. Các anh rất thích đi dự, về giúp ích gia đình nhiều hơn. Buổi tập huấn vẽ Con đường mơ ước, đầu tiên các anh còn ngại vì mình không phải họa sĩ, nhưng sau đó đều vui vẻ tham gia”.

Hà Thị Năm

Là trưởng nhóm VSLA Pá Lải, chị Năm thấy rất hào hứng khi được bí thư, trưởng thôn ủng hộ tích cực các hoạt động của nhóm. Nhờ đó, chị dễ thuyết phục mọi người tham gia hoạt động dự án hơn khi chị đang ấp ủ nhiều dự định cho nhóm mình.

“Chị em trong nhóm đang mong ước được cùng nhau đi du lịch, tăng mệnh giá cổ phần, tăng số cuộc họp lên 2 lần mỗi tháng để tiết kiệm được nhiều hơn, quay vòng vốn nhanh hơn.”

Hà Thị Năm
Hà Thị Năm tại một buổi họp VSLA. Treo trên tường, bên phải, là áp phích về quyền tiếp cận thông tin. Thôn Pá Lải tiếp nhận 2 dự án do CARE và ADC cùng triển khai. Trong khi dự án WEAVE (Chính phủ Australia tài trợ) nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ nơi đây thì một dự án khác do Liên minh Châu Âu tài trợ lại giúp người dân nơi đây tiếp cận tốt hơn những thông tin thiết thực cho đời sống của mình. Ảnh: Đỗ Trường Sơn/CARE.