Đọc chia sẻ của Bùi Bích Hà, cán bộ Giám sát và Đánh giá của CARE về một người tham gia dự án cà phê.

Vì lý do gia đình, chị Cầm Thị Phương đã không thể hoàn thành việc học của mình ở một trường đại học nông lâm. Khát khao nâng cao kiến thức không bao giờ tắt trong người phụ nữ trẻ này. Chị không bỏ qua những cơ hội học tập khác, trong đó có việc tham gia dự án của CARE, để ngày một tự tin và hiểu biết hơn.

Năm nay 26 tuổi, Phương hiện sống cùng chồng và con gái ở bản Noong Háng, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Gia đình Phương từ nhiều đời nay vẫn gắn với cây lúa, cà phê và chăn nuôi.

Ngày một tự tin hơn

Cách đây gần hai năm, thôn bản của Phương được giới thiệu về dự án Nâng quyền Kinh tế của Phụ nữ Dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản (TEAL). Phương chủ động xin tham gia ngay tại buổi giới thiệu dự án. Hiện cô là trưởng nhóm tiết kiệm tự quản (VSLA) có tên là Hoa Hồng do CARE và Trung tâm phát triển cộng đồng Điện Biên hỗ trợ.

Ban ngày làm việc nhà và đồng áng, buổi tối Phương đi giúp các thành viên biết thêm về cách quản lý chi tiêu của gia đình.

Em cảm thấy thoải mái, tự tin và vui vẻ hơn từ sau khi tham gia vào hoạt động của dự án CARE.”

Cầm Thị Phương

Với Phương, nhóm VSLA đã mang lại cho chị em thành viên niềm vui trong cuộc sống. Các thành viên được vay tiền từ nhóm để làm ăn hoặc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết như mua thức ăn cho gia đình, đóng học phí cho con. Mỗi tháng họp một lần, đây là lúc chị em có thể thoải mái cho nhau lời khuyên về cuộc sống và sản xuất – những điều họ hiếm khi làm được bởi cuộc sống thường ngày bận rộn.

Mong phụ nữ có thêm máy móc canh tác

Ở bản của Phương, phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi vì phải gánh vác việc nhà mà lại không có nhiều tiếng nói trong các quyết định quan trọng. Trong quá trình tham gia dự án TEAL, cô dần hiểu ra rằng, cô và những người phụ nữ xung quanh hoàn toàn có quyền trao đổi với chồng để cùng ra quyết định. Các quyết định như mua máy móc sản xuất, kế hoạch hóa gia đình,… đều ảnh hưởng đến cả vợ và chồng, và bởi thế, cả hai đều có tiếng nói ngang nhau. Việc tham gia dự án cũng giúp cô nắm rõ hơn cách thu hái, chăm sóc, tạo hình cho cây cà phê sao cho đúng kỹ thuật.

“Em đi tập huấn và truyền tải cho dân nên họ biết cách làm hơn. Mọi người hỏi, em trả lời. Hoặc nếu em cảm thấy không đúng thì em bảo mọi người. Lúc đầu mọi người chưa chấp nhận mấy, sau thì mọi người cũng nghe.”

Cẩm Thị Phương

Cũng như nhiều hộ gia đình khác trong xã, cuộc sống của gia đình cô đã khá hơn so với trước sau nhiều năm làm lụng, tiết kiệm. Cô suy nghĩ nhiều về sự ổn định trong công việc của mình và chồng bởi làm nông nghiệp tại địa phương chỉ đủ ăn. Bên cạnh đó, công việc làm thuê cũng không ổn định.

Phương cũng băn khoăn vì ở bản của cô, cây cà phê chưa đem lại hiệu quả kinh tế đủ để giúp các hộ gia đình có cuộc sống ổn định và phát triển. Người dân còn thiếu những kỹ năng cơ bản trong trồng và sản xuất cà phê, thiếu tiền để mua phân bón, mua công cụ sản xuất. Họ cũng thiếu thông tin về giá cả, thị trường, đơn vị thu mua.

Hơn nữa, cô nhận thấy trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, người dân rất cần được cung cấp thông tin thời tiết theo các cách thức mới như nhận tin nhắn qua điện thoại. Phương còn cho biết nội dung bản tin cần chi tiết và phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên của địa phương.

Cô mong muốn được tham gia nhiều hoạt động tập huấn của dự án để có thêm kiến thức và thông tin liên quan đến phát triển cây cà phê. Cô cũng mong phụ nữ có thể được tiếp cận những máy móc mới như máy làm cỏ để bớt đi gánh nặng công việc cho họ, để họ có thời gian nghỉ ngơi và thêm niềm vui trong cuộc sống.

CARE triển khai dự án Nâng quyền Kinh tế của Phụ nữ Dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản (TEAL) do Chính phủ Australia tài trợ ở hai tỉnh Điện Biên và Sơn La. Ở Điện Biên, đối tác đồng triển khai là Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CCD). Ở Sơn La, CARE phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ngoài ra, CARE hợp tác với Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) ở Đắc Lắk, các chuyên gia cà phê hàng đầu Việt Nam và nhiều công ty tư nhân để giúp nông dân trồng cà phê Arabica vào được các thị trường khó tính hơn.