Những ngày này, các thành viên Ban Thông tin truyền thông (TTTT) xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đang hết sức bận rộn.

Để tăng cường phòng chống dịch Covid-19, Ban TTTT của xã đã đẩy mạnh truyền thông đến tất cả người dân về bệnh dịch Covid-19 qua các hình thức: sử dụng hệ thống đài truyền thanh của xã, viết bài cho bảng tin, làm tờ rơi gửi đến các hộ dân, v.v… Các bản tin không chỉ bằng tiếng Kinh mà còn cả tiếng Dao và Tày vì trong xã có nhiều người dân tộc Dao và Tày.

Đây vốn là công việc bình thường của Ban từ hai năm nay. Kể từ khi chính quyền địa phương tiếp nhận dự án Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số (I2I), do Liên minh châu Âu tài trợ, Ban được nhanh chóng thành lập để mang thông tin thiết thực, kịp thời đến cho bà con. Các thành viên được tập huấn để hiểu các nguyên tắc khi cung cấp thông tin, cách xây dựng các bản tin in ấn, phát thanh, cách truyền thông trực tiếp với người dân,… Nhờ vậy, hàng chục bản tin in ấn, phát thanh,… đã ra đời. Nội dung có thể là về hoạt động của Ủy ban nhân dân xã, các quy định và chính sách mới, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, hay đơn giản là cập nhật về các hoạt động cộng đồng.

Đa dạng hình thức truyền tin chống dịch

Bởi đã quen với tần suất hoạt động cao và có kỹ năng sản xuất các bản tin đa dạng nên hoạt động truyền thông về dịch của Ban TTTT đều rất thuận lợi. Điểm khác biệt là tin về dịch được cập nhật hàng ngày chứ không chỉ theo tuần hay quý.

Ban thu thập thông tin qua trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, thông báo của Thủ tướng chính phủ/tỉnh/huyện, báo chí,… Để đưa những thông tin này đến từng hộ, Ban còn tăng cường hình thức lưu động. Các thành viên đi xe máy chở loa di động phát tin để đi đến từng ngõ, từng nhà của bà con.

Chị Đồng Thị Nhi, thành viên Ban TTTT xã Mai Lạp, cho biết Ban bổ sung hình thức này là bởi hệ thống loa truyền thanh chưa vươn đến được hết các khu dân cư. Nhờ việc thu bài và phát theo hình thức trực quan lưu động, thông tin sẽ đến được từng khu dân cư, từng nhà để hoạt động truyền thông của Ban có hiệu quả hơn.

“Việc truyền thông về dịch Covid-19 là hết sức quan trọng. Hoạt động của Ban TTTT góp phần nâng cao hiệu quả thông tin dịch: 100% bà con xã nhà biết đến bệnh dịch, biết tầm nguy hiểm của bệnh dịch và biết cách phòng, chống bệnh dịch.”

Đồng Thị Nhi

Dự án Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số (I2I) do Liên minh Châu Âu tài trợ kéo dài từ 2017 đến 2020. Dự án do CARE phối hợp với ADC triển khai tại Bắc Kạn, với DECEN ở Cao Bằng, và CCD ở Điện Biên. Các Ban TTTT ra đời với sự hỗ trợ từ dự án đã xuất bản hàng trăm bản tin dưới nhiều hình thức đa dạng để mang những thông tin thiết thực đến đời sống của bà con dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ, ở những nơi này. Nhiều xã ngoài dự án cũng đã được chia sẻ kinh nghiệm và chủ động triển khai các cách làm hay để tăng cường tiếp cận thông tin ở địa phương mình. Bên cạnh đó, dự án I2I cũng tham gia những nỗ lực chung để thúc đẩy hiệu quả triển khai Luật Tiếp cận Thông tin trên toàn quốc.