Tác giả:  TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN NÔNG LÂM NGHIỆP MIỀN NÚI (ADC)

Chỉ trong 3 năm, hơn 1000 hộ dân tộc Tày, Dao và Hmong ở hai xã miền núi tỉnh Bắc Kạn, đã có được quyền hợp pháp trên chính diện tích đất rừng của mình. Chưa dừng ở đó, nhiều hộ gia đình tiếp tục thoát nghèo và xây dựng kinh tế gia đình nhờ vào trồng chuối.

Hiếm có nơi nào lại nhiều người nghèo như ở hai xã Thanh Vận và Mai Lạp (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) cách đây 7 năm. Cứ 10 hộ thì có trên dưới một nửa là hộ nghèo. Hai xã có trên 5000 nhân khẩu với trên 90% dân số là người Tày, Dao và Hmong. Diện tích đất tự nhiên của 2 xã là 7289 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm trên 80%. Nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên như khai thác lâm sản và canh tác nông lâm nghiệp trên nương rẫy, nhưng khi đó năng suất canh tác lại thấp vì nhiều lý do. Khi đất rừng bị suy thoái, người dân khai thác mà không chăm lo tái tạo, phục hồi chất lượng đất; người dân còn chưa có quyền sử dụng đất rừng hợp pháp; tình trạng tranh chấp, chồng lấn diễn ra khắp các thôn bản nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư phát triển lâm nghiệp. Chưa kể nhiều người dân còn chưa thấy rõ vai trò của rừng trong phát triển kinh tế nên vẫn khai thác theo thói quen mà không có kế hoạch. Ở quy mô xã, người dân cũng chưa tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Canh tác chuối trên đất dốc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Người dân và chính quyền cùng tiến
Từ khi có quyền hợp pháp với đất lâm nghiệp, các hộ dân yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, tuy nhiên họ gặp rất nhiều khó khăn do chưa có năng lực, kiến thức khoa học kỹ thuật. Mặt khác năng lực chuyên môn của cán bộ chính quyền cấp xã, cũng hạn chế nên cản trở quá trình hỗ trợ người dân. Từ thực tế đó trung tâm ADC và đối tác CARE quốc tế tại Việt Nam cũng như cơ quan chính quyền địa phương cấp huyện, tỉnh lại cùng nhau bàn bạc, xây dựng kế hoạch không chỉ nâng cao năng lực cho người dân mà cần nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở (cấp xã) vì họ là người gần dân nhất, có nhiều thời gian, điều kiện hỗ trợ và giám sát các hoạt động tại cộng đồng.
Do đó, trong giai đoạn 2012-2015, trung tâm ADC phối hợp với các đối tác triển khai các chương trình tập huấn nâng cao năng lực quản lý đất rừng cho chính quyền sở tại, người dân. Bên cạnh đó ADC và các đối tác hỗ trợ họ xây dựng các mô hình sinh kế dựa vào rừng, đất rừng để đa dạng hóa sinh kế tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Một số mô hình điển hình như mô hình xây dựng vườn ươm thôn bản và trồng rừng; mô hình nuôi ong lấy mật dựa vào rừng; mô hình chuối xen cây dược liệu trên đất nương rẫy; mô hình trồng đậu xanh thích ứng hạn. Tất cả các mô hình đó được ưu tiên, khuyến khích sử dụng những kinh nghiệm truyền thống, kiến thức bản địa như cây con bản địa (giống chuối bản địa, đậu xanh mốc bản địa, cây dược liệu, ong giống bản địa, cây xoan bản địa…) và kỹ thuật bản địa (kỹ thuật làm đất tối thiểu, trồng xen canh, thời vụ) kết hợp với kiến thức khoa học kỹ thuật mới để tăng cường tính bền vững, hiệu quả của mô hình.
Trong quá trình hợp tác, ADC không chỉ khuyến khích sự tham gia của người dân mà các đối tác luôn cam kết, minh bạch, tôn trọng nhau và luôn có sự trao đổi thường xuyên tạo sự đồng thuận để đưa ra những phương án giải quyết tốt nhất đặc biệt trong giải quyết tranh chấp, chồng lấn đất lâm nghiệp. Đặc biệt, ADC và các đối tác luôn chú trọng sự tham gia của người dân, nhất là phụ nữ trong tất cả các quá trình: từ lập kế hoạch, triển khai đến giám sát, đánh giá.
Giờ đây, người dân 2 xã Thanh Vận, Mai Lạp đã hiểu biết và áp dụng tốt hơn kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch chuối cũng như các nông sản khác, đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm của gia đình cũng như bán trong các chợ tại địa phương xã, huyện. Nhờ đó, các hộ từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó: để các hộ có thể thực sự sống nhờ rừng, sản phẩm do họ sản xuất ra phải trở thành hàng hóa đặc trưng, có nguồn tiêu thụ ổn định.

 

Các bên họp bàn phát triển chuối tây Bắc Kạn thành sản phẩm hàng hóa

Hợp tác bốn bên: Hướng đi mới bền vững cho cộng đồng
Chính vì vậy năm 2016, ADC lại tiếp tục bàn bạc với các đối tác và người dân để lựa chọn một mặt hàng nông sản đặc trưng dựa vào rừng là chuối tây để tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp.
Ý tưởng ban đầu là phải củng cố, kết nối các mắt xích trong chuỗi chuối tây để người dân phát triển sinh kế ổn định, bền vững trên đất rừng. Sau gần 2 năm, trải qua không biết bao nhiêu cuộc tiếp xúc, ADC và các đối tác đã xác định được đối tác phù hợp là doanh nghiệp chế biến nông sản Minh Dương. ADC và tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi tiếp xúc, đối thoại, đàm phán giữa người dân, chính quyền, và doanh nghiệp; đưa doanh nghiệp lên thăm vùng nguyên liệu; đưa đại diện các tổ nhóm trồng chuối; đưa chính quyền đến thăm quy trình chế biến của doanh nghiệp. Đại diện người dân – đặc biệt là các chị trong ban điều phối nhóm hộ trồng chuối – được ADC và tổ chức CARE xây dựng năng lực đàm phán với doanh nghiệp.
Nhận thấy cơ hội kinh doanh, doanh nghiệp đã tham gia các hoạt động tìm hiểu, thương lượng không kém phần tích cực. Kết quả là văn bản thảo thuận hợp tác đã ra đời, nêu rõ vai trò, trách nhiệm của 4 bên (ADC và tổ chức CARE, chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp Minh Dương) trong hợp tác sản xuất, thu mua,chế biến nông sản (trong đó có chuối tây) được xây dựng và thống nhất. Người dân chịu trách nhiệm sản xuất, cung ứng sản phẩm theo tiêu chuẩn và sản lượng của doanh nghiệp; ADC và tổ chức CARE hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và giám sát, điều phối quá trình thu mua đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng; doanh nghiệp thu mua theo các đơn hàng và giá cả như đã kỹ kết; Chính quyền giám sát quá trình thực hiện của các bên. Hiện nay các bên đang thực hiện cam kết, doanh nghiệp đang thu mua ổn định với sản lượng 10-13 tấn/tháng.
Mô hình hợp tác bền vững giữa ADC và nhiều đối tác trong gần 10 năm qua tại 2 xã Thanh Vận và Mai Lạp đã mang lại nhiều kết quả tích cực: chỉ còn ¼ hộ còn nghèo (theo tiêu chí mới); số hộ có kinh tế khá, giàu cũng tăng đáng kể từ nguồn thu nhập từ cây lâm nghiệp, chuối và các sinh kế khác dựa vào rừng. Nhiều hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, có nhà xây kiên cố, vật dụng gia đình và phương tiện xe máy hiện đại. Đặc biệt phụ nữ Tày, Dao tự tin trong giao tiếp, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, đàm phán và tham gia đóng góp ý kiến rất tích cực trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm tại địa phương.
Mối quan hệ hợp tác, gắn kết, tin tưởng giữa ADC và các đối tác – tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, chính quyền địa phương, doanh nghiệp là bài học thành công trong hỗ trợ phát triển bền vững và mối quan hệ đối tác đó sẽ ngày càng sâu sắc. Trong thời gian tới, các bên sẽ cùng nỗ lực để nâng cao năng lực, tiếp tục hỗ trợ cộng đồng dân tộc Tày, Dao nơi đây phát triển bền vững và nhân rộng sang các vùng khác.

Giới thiệu về CARE tại Việt Nam

Chúng tôi đảm bảo thay đổi lâu dài và tích cực cho các nhóm yếu thế, đặc biệt là phụ nữ.

Cứu trợ khẩn cấp

Chúng tôi làm việc với các cộng đồng bị thiên tai ảnh hưởng tại Việt Nam để giảm thiểu rủi ro với thiên tai trong dài.

Ấn phẩm

CARE Quốc tế tại Việt Nam có các ấn phẩm giới thiệu về các hoạt động và kết quả nghiên cứu của chúng tôi tại Việt Nam.

Cơ hội làm việc

Hãy tìm hiểu các cơ hội công việc để tham gia vào đội ngũ của CARE tại Việt Nam hoặc hợp tác với chúng tôi.