Hà Nội, 10-5-2018 – Trong bối cảnh bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc đang ngày càng được công chúng quan tâm, một Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc (gọi tắt là Công ước) là công cụ tốt, giúp các nước thành viên hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy việc phòng ngừa và xử lý bạo lực, quấy rối tại nơi làm việc. Đó là trọng tâm thảo luận tại Tọa đàm về dự thảo Công ước do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 10-5-2018 tại Hà Nội.
“Tọa đàm là cơ hội để các bên liên quan cập nhật bối cảnh và tiến độ xây dựng Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc, đồng thời đánh giá khả năng gia nhập Công ước của Việt Nam.” – ông Nguyễn Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐTBXH cho biết. Trong tháng 6-2018, đoàn đại biểu ba bên của Việt Nam (đại diện Chính phủ Việt Nam, người lao động và giới sử dụng lao động) sẽ tham dự Hội nghị hàng năm lần thứ 107 của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Geneva, Thụy Sỹ. Tại đây, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham gia thảo luận vòng 2 về dự thảo Công ước này.
“Việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn không chỉ góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh tế nói chung mà qua đó, an sinh của người lao động sẽ được gia tăng đáng kể và thúc đẩy việc đảm bảo quyền không bị bạo lực. Là một tổ chức đi tiên phong và có cam kết lâu dài về chấm dứt bạo lực và quấy rối , CARE hy vọng Việt Nam sẽ có đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Công ước cũng như tiếp tục hoàn thiện luật pháp trong nước để dần tiến tới loại bỏ bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc.” – bà Lê Kim Dung, Giám đốc Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam nói.
Cũng tại tọa đàm, các bên đã nhìn lại những tiến bộ và thách thức trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại trong phòng chống bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc; nhìn nhận vai trò của Công ước mới trong trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); tác động tiềm năng của Công ước mới tới Việt Nam. Tham gia tọa đàm có thành viên đoàn đại biểu ba bên của Việt Nam tham dự Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 107, đại diện Bộ ngành, các đơn vị liên quan thuộc Bộ, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam; về phía địa phương có đại diện các cơ quan ba bên đến từ Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế làm việc trong lĩnh vực lao động.
Ảnh hội thảo: https://www.flickr.com/photos/careinvietnam/albums/72157694912002621