Nhìn lại chặng đầu của Luật Tiếp cận Thông tin

Ngày 27/3/2019, các tổ chức CARE tại Việt Nam, Oxfam tại Việt Nam, Liên minh Nước sạch, Liên minh Khoáng sản và Liên minh đất rừng phối hợp tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Luật Tiếp cận thông tin”.

Đại diện từ các cơ quan chính phủ cấp Trung ương, địa phương và các tổ chức xã hội đã chia sẻ và thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, thách thức ban đầu trong việc thực thi Luật Tiếp cận Thông tin (TCTT) tại Việt Nam, từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc thực thi Luật này một cách sát với thực tiễn và có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Vụ Pháp Luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp – cơ quan đầu mối về xây dựng và phổ biến Luật – cho biết sau 2 năm chuẩn bị và 8 tháng đi vào thực hiện, đến nay Bộ đã đôn đốc các Bộ ngành và địa phương triển khai Luật đúng tiến độ, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Bộ cũng đã ban hành quy chế cung cấp thông tin để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương tham khảo áp dụng. Bà Liên cho biết đa số các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin đã xây dựng và ban hành quy chế tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, Bộ đã tiến hành tuyên truyền về Luật một cách bài bản, rộng khắp; thậm chí còn tổ chức tập huấn sâu cho các cơ quan nhà nước tham gia việc thực thi Luật này. Dự kiến, các cơ quan nhà nước sẽ đánh giá đầy đủ quá trình thực thi Luật này sau ba năm Luật có hiệu lực, tức là vào năm 2021.

–      Một số điều khoản của Luật TCTT chưa tương thích với các điều khoản đến tự do thông tin trong công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

–      Nhiều cơ quan đang cung cấp thông tin theo các luật chuyên ngành đã có trước đây mà chưa theo tinh thần Luật TCTT.

(Theo kết quả đánh giá ban đầu của Nhóm nghiên cứu từ tổ chức Oxfam và một số đối tác trong nước tại 3 tỉnh Hà Giang, Quảng Bình và Đà Nẵng)

Bằng chứng từ thực tiễn

Ông Phạm Đình Quế – Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên cho biết, trong thời gian qua với sự hỗ trợ của CARE, Sở Tư pháp Điện Biên đã tham gia góp ý cho Nghị định 13 hướng dẫn thi hành Luật TCTT, tổ chức các hội thảo phổ biến các quy định của Luật. Liên quan đến các khó khăn, thách thức, ông cho biết vẫn còn tình trạng e ngại của các cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp thông tin. Phần lớn chưa hiểu có thể cung cấp thông tin đến mức nào, đồng thời cũng thiếu năng lực để đảm nhận vai trò đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin từ công dân, đặc biệt là ở cấp xã. Về phía người dân, không phải ai cũng nhận thức và quan tâm đến quyền tiếp cận thông tin cũng như chưa hiểu về Luật. Ông cũng cho rằng cần đổi mới phương thức tuyên truyền về Luật để cải thiện hiệu quả. “Nhiều buổi tuyên truyền mời người ta đến nghe, rồi người trình bày đọc văn bản, đọc xong thì cũng hết giờ hoặc họ về mất hai phần ba.” – ông Quế cho hay.

Từ thực tiễn xã của mình, ông Hà Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), cũng cho biết với hỗ trợ của tổ chức CARE, xã đã thành lập câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật gắn với thi đấu thể thao gồm các thành viên tự nguyện tham gia. Câu lạc bộ này sinh hoạt chiều thứ 5 hàng tuần ngoài giờ làm việc để phù hợp với người nông dân, qua đó vừa cung cấp thông tin, vừa rèn luyện thể thao. “Như vậy vừa góp phần cải cách hành chính vì người dân vừa tăng cường tiếp cận thông tin cho bà con. Người dân không nhất thiết phải đến tận trụ sở ủy ban, mà có thể qua tin nhắn, gọi điện cho cán bộ Ủy ban xã”. Ông Hưởng cho rằng các Bộ, ngành và các cơ quan địa phương rất cần bồi dưỡng năng lực cho cán bộ cấp cơ sở, nâng cao cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cấp cơ sở tổ chức hội thảo chia sẻ đối thoại với người dân.

Đến từ Trung tâm Phát triển Cộng đồng Cao Bằng (DECEN), bà Ngọc Anh cho biết Trung tâm cũng đã thành lập ra các ban thông tin để cung cấp thông tin cho bà con. Đồng thời cũng nêu số điện thoại của cán bộ xã trực điện thoại, đặt thêm hòm thư tại nhà văn hóa xã, nhưng sau sáu tháng cũng chưa nhận được phản hồi hay yêu cầu cung cấp thông tin nào từ phía người dân. Do đó, Trung tâm đã áp dụng thêm phương pháp thẻ ghi điểm cộng đồng, qua đó thu thập được nhiều thắc mắc, phản hồi của người dân, bao gồm cả nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vốn còn nhút nhát. Ví dụ, có người nêu băn khoăn về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng của gia đình mình từng bị thu đi và sau nhiều năm chưa nhận lại. Ban Thông tin đã tìm hiểu vấn đề nhưng không tìm được văn bản nào liên quan đến vấn đề này, do đó đã tư vấn người dân làm công văn gửi thắc mắc lên phòng tài nguyên của huyện.

Bà Lê Thị Hồng Hiệp, giám đốc trung tâm SUDECOM (Yên Bái), cho biết tỷ lệ tái mù chữ trong cộng đồng người Mông rất cao, nhất là phụ nữ, nên việc tiếp cận thông tin càng gặp nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Thế Anh từ Tổ chức Hướng tới Minh bạch, một trong các tổ chức có đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng  Luật Tiếp cận Thông tin và Nghị định 13, cho rằng cần lưu ý đến lý do tại sao chưa phát sinh nhu cầu cung cấp thông tin tại các địa phương mà Nhóm Nghiên cứu đã khảo sát.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến để góp phần hoàn thiện báo cáo của Nhóm Nghiên cứu, đồng thời nêu thực tiễn tiếp cận thông tin trong cộng đồng người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Các chuyên gia cũng đã chia sẻ kết quả từ quá trình thu thập thông tin liên quan đến triển khai thực thi Luật TCTT trong các lĩnh vực cụ thể như quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản, kiểm soát ô nhiễm nước và quản lý, bảo vệ rừng.

Hội thảo là một trong các hoạt động trong khuôn khổ dự án Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số (I2I) do Liên minh Châu Âu tài trợ mà CARE đang cùng các đối tác trong mạng lưới NorthNet triển khai ở Cao Bằng, Điện Biên và Bắc Kạn. Dự án nhằm  hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận nhiều hơn đến thông tin về các chính sách và chương trình có liên quan đến người dân tộc thiểu số. Một mục tiêu khác là các nhà lập pháp và chính quyền đẩy mạnh hỗ trợ quyền tiếp cận thông tin đối với người dân tộc thiểu số.