Gánh nặng đối với các công việc chăm sóc không được trả công (CVCSKĐTC) là một yếu tố đóng góp vào tình trạng bất bình đẳng giới tại Việt Nam. Khảo sát của tổ chức ActionAid Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) cho thấy, phụ nữ tính trung bình phải dành 4,06 giờ/ngày cho các công việc chăm sóc không lương, trong khi con số tương ứng của nam giới là 2,36 giờ/ngày (AVV và MoLISA, 2017). Các bằng chứng về vấn đề giới trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) đã khẳng định có sự khác nhau giữa nam giới và nữ giới về mức độ tham gia, sử dụng, và hưởng lợi từ các công trình CSHT. Sự khác biệt này có liên quan đến bất bình đẳng giới trong phân công lao động trong gia đình, quyền ra quyết định, quyền sở hữu, cũng như các rào cản khác về văn hóa (ADB, 2019). Trong khi đó, các đánh giá về lồng ghép giới trong hai Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo bền vững (GNBV) và xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy đầu tư CSHT thường là “trung lập về giới” (xem thêm trong CVN, Oxfam và SNV, 2018; VWU và UNW, 2020).

Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam (CVN) đang thực hiện Dự án Nâng cao Quyền năng Kinh tế cho Phụ nữ tại Việt Nam (AWEEV) tại chín xã trên địa bàn hai tỉnh Hà Giang và Lai Châu. Trong khuôn khổ dự án AWEEV, CVN thực hiện nghiên cứu về chủ đề “Đánh giá mức độ đáp ứng giới của cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng của cơ sở hạ tầng đối với các CVCSKĐTC của phụ nữ” nhằm tìm hiểu rõ hơn về mức độ đáp ứng giới của các công trình CSHT được đầu tư xây dựng trong khuôn khổ các CTMTQG giai đoạn 2016-2020, cũng như ảnh hưởng của các công trình CSHT này đối với các CVCSKĐTC của phụ nữ. Đây là nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này tại Việt Nam.

 

AWEEV – Báo cáo tóm tắt và khuyến nghị chính sách: Mức độ đáp ứng giới của các công trình CSHT và mối quan hệ giữa CSHT với gánh nặng công việc CSKĐTC của phụ nữ: góc nhìn từ vùng Tây Bắc Việt Nam