Tại Việt Nam khoảng cách giới trong thị trường lao động nói chung đã được thu hẹp đáng kể trong giai đoạn 2010-2020 nhưng khoảng cách giới trong tiếp cận việc làm có chất lượng và phát triển nghề nghiệp thì vẫn còn rất lớn: phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn hơn nam giới trong khu vực lao động phi chính thức hay trong cùng một lĩnh vực nghề nghiệp phụ nữ được trả công thấp hơn nam giới. Vậy nguyên nhân có phải do phụ nữ có trình độ thấp hơn; do mức độ tham gia vào thị trường lao động thấp hơn hay do phụ nữ làm việc ít giờ hơn? Câu trả lời nằm một phần ở vấn đề gánh nặng của việc chăm sóc không lương mà phụ nữ đang phải đảm trách. Dựa trên kết quả Điều tra lao động việc làm (ĐTLĐVL) năm 2020, Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO Vietnam) đã thẳng thắn đưa ra nhận định rằng: “Sẽ là phi thực tế nếu phụ nữ có thể liên tục theo đuổi các cơ hội nghề nghiệp hoặc nâng cao năng lực như nam giới nếu như họ vẫn phải gánh trách nhiệm gia đình và các công việc chăm sóc không lương vốn đã luôn nặng nề hơn nam giới.” (ILO, 2020).

Theo kết quả ĐTLĐVL 2020, trung bình phụ nữ dành khoảng 20,1 giờ mỗi tuần cho công việc chăm sóc không được trả công (CVCSKĐTC), gần gấp đôi thời gian của nam giới dành cho công việc này (10,7 giờ mỗi tuần). Trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), khoảng cách này còn lớn hơn và trở thành một trong những trở ngại để phụ nữ DTTS có thể tham gia bình đẳng vào thị trường lao động. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khi phân tích các động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội giữa các nhóm DTTS có điều kiện kinh tế xã hội phát triển cao nhất và nhóm có điều kiện kinh tế xã hội phát triển thấp nhất cho thấy CVCSKĐTC là một trở ngại quan trọng đối với cơ hội phát triển kinh tế của phụ nữ DTTS. “Định kiến xã hội – đặc biệt liên quan đến vai trò nội trợ truyền thống của phụ nữ – tác động đến sự tham gia của họ vào các hoạt động kinh tế khu vực phi nông nghiệp” (Ngân hàng Thế giới, 2019). Như vậy, rõ ràng gánh nặng CVCSKĐTC là một trong những yếu tố làm tăng khoảng cách giới trong sinh kế và thu nhập ở vùng DTTS.

 

AWEEV – Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam: Hiện trạng và khuyến nghị chính sách