Trong 10 năm qua, các nhà hoạch định chính sách kinh tế đã quan tâm nhiều hơn đáng kể đến công việc chăm sóc và việc nhà không được trả công (CVCSKĐTC). CVCSKĐTC có thể được định nghĩa là những dịch vụ trong gia đình do các thành viên trong hộ thực hiện để phục vụ trực tiếp các thành viên khác trong hộ mà vì lý do kỹ thuật vẫn chưa được tính toán đầy đủ trong thống kê việc làm và GDP. Các dịch vụ này bao gồm các công việc nhà thường nhật như nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ và vệ sinh hộ gia đình, các hoạt động chăm sóc trẻ em và người già, chăm lo sức khỏe cho thành viên hộ, các hoạt động giáo dục, đào tạo kỹ năng trong phạm vi gia đình. CVCSKĐTC ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các nhà hoạch định chính sách kinh tế vì tác động ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo nghiên cứu tổng quan tài liệu, ở Việt Nam, gánh nặng CVCSKĐTC nặng nề và bất bình đẳng đối với phụ nữ đã cản trở nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động có được việc làm có trả lương và việc làm bền vững. Khi dân số Việt Nam già hóa¹, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi không được trả công tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ. Trong khi đó, tình trạng già hóa dân số đòi hỏi phải tăng cường sự tham gia thị trường lao động của lao động nữ, gồm cả tăng số giờ làm việc và năng suất, để Việt Nam có thể tăng đáng kể GDP bình quân đầu người và đạt được tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 và thu nhập cao vào năm 2045.

Tổng quan tài liệu cũng cho thấy các nghiên cứu trước đây chưa có đầy đủ dữ liệu có tính đại diện toàn quốc nói chung cũng như nhóm đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng. Trong khi đó, khi cân nhắc giữa công việc có trả lương và công việc chăm sóc không được trả công, phụ nữ ở khu vực nơi có các dịch vụ chăm sóc phát triển hơn, đặc biệt là các khu đô thị lớn, gặp ít rào cản hơn so với phụ nữ ở các vùng DTTS. Bất bình đẳng theo giới và đối với DTTS vì thế đan xen, càng làm nới rộng khoảng cách lẫn nhau. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra tập trung về vấn đề CVCSKĐTC đối với DTTS.

 

Giảm bất bình đẳng giới trong phân bổ công việc chăm sóc không được trả công của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam