Hà Nội, 28-12-2018 – Cộng đồng các dân tộc thiểu số đã dần cải thiện được thu nhập vốn phụ thuộc hoàn toàn vào đất nông nghiệp và đất rừng, đồng thời nâng cao tiếng nói và đóng góp của mình vào quá trình bảo vệ và quản lý đất rừng cộng đồng. Đây là một trong những kết quả quan trọng được chia sẻ tại hội thảo tổng kết dự án Nâng cao năng lực Tiếp cận và Quản lý đất sản xuất và đất rừng cho Cộng đồng các Dân tộc Thiểu số diễn ra vào ngày 28-12-2018 tại Hà Nội.
Sau ba năm triển khai với nguồn vốn do Liên minh Châu Âu tài trợ, dự án triển khai nhiều cuộc đối thoại chính sách, từ cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và cấp cộng đồng đã mang lại những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy để các quyền của cộng đồng trong sở hữu và quản lý đất rừng được đưa vào Luật Lâm nghiệp 2017. Ở tỉnh Kon Tum, dự án đã hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện việc giao hơn 500 héc-ta đất rừng cho cộng đồng dân tộc Xê Đăng quản lý và bảo vệ lâu dài; đồng thời hỗ trợ các cộng đồng tộc thiểu số (Vân Kiều, Thái, Xê Đăng, Rơ Ngao, Dao Đỏ) ở 5 tỉnh Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum cải thiện thu nhập thông qua việc phát triển các mô hình sinh kế gắn với phát triển rừng theo hướng bền vững góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Trong quá trình này, dự án chú trọng phát huy tiếng nói và đóng góp của người phụ nữ dân tộc thiểu số, từ đó gia tăng sự tự tin và vai trò của họ trong gia đình và cộng đồng.
“Phần lớn các cộng đồng dân tộc thiểu số sống dựa hoàn toàn vào rừng. Vì thế chỉ khi có thể tự quản lý, bảo vệ và khai thác rừng bền vững thì bà con mới có thể cải thiện cuộc sống của mình,” bà Trần Thị Hòa, giám đốc Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) cho biết.
Trong khi đó, theo bà Lê Kim Dung, giám đốc quốc gia Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, “nghèo đói trong cộng đồng dân tộc thiểu số còn dai dẳng và trầm trọng hơn rất nhiều so với cộng đồng người Kinh. Không những thế, người phụ nữ dân tộc thiểu số càng gặp nhiều rào cản hơn trong việc cải thiện vị thế và tiếng nói của mình.” Theo bà Dung, đây cũng là lý do CARE luôn chú trọng đến việc cải thiện bình đẳng giới ở bất cứ nơi nào triển khai các dự án.
“Nhờ sự hỗ trợ của dự án, xã của tôi đã được giao giấy chứng nhận sở hữu hơn 500 héc-ta đất rừng cộng đồng. Bà con cũng được tham gia nhiều hội thảo, gặp các cán bộ trung ương, đại biểu Quốc hội nhiều lần để nói đến vấn đề đất rừng của cộng đồng.” – Ông Phạm Xuân Quang, đại diện xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum – một trong những địa phương tham gia dự án) chia sẻ suy nghĩ.
Trong quá trình triển khai, dự án cũng đồng thời cải thiện nâng cao năng lực chính quyền cơ sở, và đại diện các tổ chức, mạng lưới cộng đồng (LandNet) và Liên minh chủ quyền sinh kế (LISO) – với triết lý và sứ mệnh bảo vệ quyền sinh kế gắn với tri thức bản địa và bảo vệ, phát triển tài nguyên thiên nhiên, văn hoá, xã hội bền vững; hợp tác với Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam (VUSTA); đồng hành cùng Liên minh đất rừng (FORLAND) trong quá trình vận động và tham vấn luật; và trao đổi thông tin với các thành viên nhóm công tác về dân tộc thiểu số (EMWG) của các tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Dự án Nâng cao năng lực Tiếp cận và Quản lý đất sản xuất và đất rừng cho Cộng đồng các Dân tộc Thiểu số do Trung tâm CIRUM và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam triển khai từ năm 2016 đến 2018 với vốn tài trợ hơn 650.000 Euro từ Liên minh Châu Âu. Dự án đã hoàn thành mục tiêu tổng thể đặt ra từ đầu là góp phần bảo vệ và tăng cường tiếp cận và quản lý rừng, đất rừng cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Để biết thêm về kết quả của dự án, vui lòng liên hệ:
Vũ Thị Hương Giang, Cán bộ truyền thông Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam 0902141200; vuthihuong.giang@care.org.vn |
Bùi Tiến Dũng, Quản lý chương trình Trung tâm CIRUM 0913402583; btdung@cirum.org |
Về CARE Quốc tế tại Việt Nam
CARE Quốc tế chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989. Trong giai đoạn hiện nay (2015-2020), CARE cam kết tập trung nguồn lực nhằm đạt được những thay đổi tích cực và lâu dài cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương tại Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, thông qua giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo và bất công xã hội. Bên cạnh đó, CARE vẫn tiếp tục các hoạt động cứu trợ khẩn cấp như thiên tai và dịch bệnh. Mục tiêu chương trình của CARE là sao cho phụ nữ dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa và những nhóm dân số dễ bị tổn thương về mặt xã hội ở khu vực đô thị:
- Được lắng nghe và được đại diện đầy đủ trong xã hội
- Được hưởng lợi công bằng từ tiến trình phát triển chung
- Tăng cường khả năng ứng phó với hoàn cảnh biến động (thiên tai, dịch bệnh).
Trong giai đoạn trước đây từ 1989 đến 2015, CARE triển khai nhiều dự án trong các lĩnh vực như nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển cộng đồng; chăm sóc sức khỏe; phòng, chống HIV/AIDS; phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; nước sạch và vệ sinh môi trường; bình đẳng giới. Tính đến nay, CARE đã có hơn 300 dự án phát triển và cứu trợ thiên tai ở hơn 40 tỉnh thành trên cả nước.
Website: www.care.org.vn
Facebook: www.facebook.com/CAREinVietnam/
Flickr: https://www.flickr.com/photos/careinvietnam
Twitter: https://twitter.com/CareVietnam
Về Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hoá Cộng đồng Đông Nam Á (viết tắt bằng tiếng Anh: CIRUM)
Sứ mệnh của CIRUM là hỗ trợ, tư vấn và thúc đẩy các giải pháp phù hợp về quyền quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển các hệ giá trị văn hoá dân tộc, và phát triển các mô hình sinh kế tạo thu nhập ổn định dựa vào tài nguyên đất, rừng của các cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam.
Đối tượng hưởng lợi của Trung tâm CIRUM là cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam sống phụ thuộc vào tài nguyên đất, rừng, nơi mà cuộc sống của họ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, điều kiện sinh tồn và phát triển con người còn nhiều hạn chế, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị suy thoái.
Phương pháp tiếp cận của CIRUM là tôn trọng sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, lấy người dân làm gốc và phát triển các nhu cầu chính đáng của cộng đồng, tuân thủ các qui định pháp luật Việt Nam.
Các chiến lược của CIRUM tập trung vào (1) tăng cường quyền sử dụng và quản lý lâu dài của các cộng đồng dân tộc đối với tài nguyên đất, rừng, đặc biệt là các rừng truyền thống gắn liền với nền tảng văn hoá bản địa và sinh kế truyền thống dựa vào đất rừng; (2) Nâng cao năng lực và tính tự tin quản trị tài nguyên đất, rừng và phát triển nguồn nhân lực địa phương, đặc biệt là tôn trọng thế mạnh của phụ nữ, góp phần ổn định cuộc sống và phát triển; (3) Thúc đẩy các mô hình sinh kế tạo thu nhập bền vững dựa vào tài nguyên đất, rừng góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế – xã hội địa phương dựa trên hệ giá trị văn hoá, xây dựng một cộng đồng thân thiện với môi trường và đoàn kết.
Website: http://cirum.org/vn/
Facebook: www.facebook.com/cirumvietnam/