Dự án Bứt Phá II tiếp tục nỗ lực tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ nông thôn thông qua việc thúc đẩy các nhóm tiết kiệm tín dụng tự quản (VSLA) như một nền tảng của các hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Bối cảnh
Tiếp cận tài chính
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới 2017 (Findex), chỉ 30% nam giới và 31% nữ giới trưởng thành ở Việt Nam được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức, một trong những tỷ lệ thấp ở Đông Á. Nhiều người dân, trong đó có phụ nữ dân tộc thiếu số ở khu vực nông thôn chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Dựa trên các phân tích về giới do CARE thực hiện, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận tài chính và chịu tác động tiêu cực từ bất bình đẳng giới, các chuẩn mực văn hóa truyền thống. Điều đó cũng làm ảnh hưởng lớn đến việc ra quyết định và tham gia của phụ nữ ở cấp độ cộng đồng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng với việc ra quyết định về tài chính và sản xuất nông nghiệp trong gia đình thì người chồng thường có tiếng nói quyết định về sinh kế và các khoản chi tiêu lớn.
Bứt Phá
Từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2019, CARE đã hợp tác với Procter & Gamble (P&G) để triển khai dự án Bứt phá: Thúc đẩy tài chính toàn diện vì Phụ nữ dân tộc thiểu số ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn). Thông qua hợp tác với P&G, CARE đã thành lập được 260 Mô hình Cổ phần Tài chính Tự quản (VSLA), trực tiếp giúp 5.196 phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn vay và giúp họ độc lập hơn về kinh tế. Nhiều thành viên của nhóm VSLA cho biết, họ có thể tiết kiệm tiền nhiều hơn và đầu tư tốt hơn vào giáo dục cho con cái, sinh kế hộ gia đình và các hoạt động tạo ra thu nhập.
Kết thúc giai đoạn I của dự án, mô hình VSLA được chứng minh rất thích hợp cho các tổ nhóm phụ nữ, giúp họ không chỉ tiếp cận với giáo dục tài chính, quản lý chi tiêu mà còn giúp họ tự tin cho người phụ nữ, khuyến khích đối thoại và chia sẻ trong việc đưa ra quyết định giữa nam và nữ khi đưa ra các quyết định trong gia đình. Mô hình đã được đón nhận tại tất cả các địa phương triển khai dự án.
Bứt Phá II
Dựa trên những kết quả đó, CARE hợp tác cùng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Công ty công nghệ tài chính Canal Circle nhằm nhân rộng mô hình VSLA trên toàn quốc thông qua các hoạt động chuyển giao kiến thức và áp dụng công nghệ trong giai đoạn II của dự án. Dự án Bứt phá Giai đoạn II do P&G và Quỹ Peierls tài trợ. Dưới sự hỗ trợ của Peierls, dự án còn có tên “Tiết kiệm vì sự Thay đổi”.
Mục tiêu dự án Bứt Phá II
Với Bứt Phá II, CARE tiếp tục nỗ lực tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ nông thôn. Dự án thúc đẩy các nhóm VSLA như một nền tảng của các hoạt động Hội LHPN Việt Nam.
- Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoàn toàn làm chủ mô hình VSLA.
- Các nhóm VSLA được nhân rộng nhờ HPN cấp tỉnh và huyện ở ít nhất 14 tỉnh thành.
- Câu chuyện thành công và kinh nghiệm được chia sẻ rộng rãi trong và ngoài Việt Nam.
Các hoạt động của dự án Bứt Phá II
- Nâng cao năng lực và chuyển giao kiến thức về thành lập và vận hành VSLA cho các hạt nhân nòng cốt về VSLA của Hội Phụ nữ.
- Sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động để quản lý hoạt động nhóm VSLA.
- Đa dạng hóa các kênh và hình thức đào tạo và chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về VSLA cho trưởng nhóm và hạt nhân nòng cốt thông qua Trung tâm hỗ trợ trực tuyến.
- Tìm kiếm cơ hội nhân rộng mô hình VSLA thông qua việc nghiên cứu và tài liệu hóa các câu chuyện thành công để chia sẻ với các bên liên quan.
Đối tượng tham gia dự án Bứt Phá II
7.500 phụ nữ khu vực nông thôn, trên 70% là người dân tộc thiểu số
Địa điểm
Yên Bái | Phú Thọ | Tuyên Quang | Thái Nguyên | Hà Giang | Cao Bằng | Lạng Sơn | Bắc Giang | Huế | Quảng Trị | Lâm Đồng | Gia Lai | Sóc Trăng | Trà Vinh
Thời gian
1/2020 – 12/2021
Nhà tài trợ