Khi nhắc đến cà phê Việt Nam, hầu hết chúng ta đều nghĩ đến Tây Nguyên. Không phải ai cũng biết loại cây này đã có mặt ở miền núi phía Bắc hơn một trăm năm nay và đang góp mặt không nhỏ vào bức tranh cà phê đặc sản của cả nước.
Bắt đầu từ những hạt mầm
Robusta (cà phê vối) và Arabica (cà phê chè) là hai loại cây cà phê phổ biến nhất thế giới. Tại Việt Nam, cà phê Robusta được trồng phổ biến hơn do điều kiện sinh trưởng phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Trong khi đó, Arabica với đặc tính ưa mát, với nhiệt độ môi trường lý tưởng từ 15-25độ C và độ ẩm vừa phải, chỉ có thể trồng tại một vài khu vực nhất định, thường là vùng khí hậu ôn đới có độ cao trên 1000m.
Trên thị trường, giá Robusta thường thấp hơn nhiều so với Arabica. Robusta có vị đắng, lượng caffeine cao hơn, dễ trồng hơn và tốn ít chi phí đầu vào hơn. Trong khi nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam ưa chuộng Robusta thì trên thế giới, Arabica thường được ưa chuộng nhờ vị đắng dịu, hương thơm nhẹ nhàng và hàm lượng caffeine thấp.
Một vài điểm khác biệt cơ bản nữa giữa cà phê Robusta và Arabica: *
Cà phê Robusta | Cà phê Arabica | |
Hình dáng hạt | tròn hơn | bầu dục hơn |
Tỉ lệ caffeine trong hạt | ~ 2,7% | ~ 1,5% |
Hàm lượng đường và chất béo trong hạt | Đường: 3-7% Chất béo: 10-11,5% |
6-9% 15-17% |
Độ cao của cây | 4,5-6m | 2,5-4,5m |
Đất nước có sản lượng lớn nhất | Việt Nam | Brazil |
Từ thế kỷ 19, người Pháp đã đưa giống cà phê Arabica tới vùng Tây Bắc sau khi nghiên cứu và nhận thấy lợi thế địa hình cũng như khí hậu nơi đây. Nhiều thập kỷ trôi qua, Điện Biên và Sơn La đã trở thành hai trong năm khu vực trồng cà phê Arabica trọng điểm của Việt Nam bên cạnh Lâm Đồng, Quảng Trị và Nghệ An. Tính riêng miền Bắc, hai tỉnh gộp lại tạo nên vùng sản xuất lớn nhất.
Tuy nhiên, đa số người dân vẫn quen trồng và chăm bón cây mà không hề có bất kì hiểu biết cơ bản, chỉ để mọc tự nhiên và bón phân như các loại cây thông thường khác. Theo thời gian, phương thức canh tác truyền thống không còn phù hợp. Hệ quả là lượng thu mua giảm do chất lượng hạt cà phê ngày một đi xuống. Nhiều gia đình đã bỏ cây cà phê và bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác để cải thiện thu nhập. Arabica đã có lúc trở thành nỗi buồn ám ảnh nhiều người trồng cà phê ở Tây Bắc.
Thay đổi
“Mình quyết định đi ngược với dân làng để theo đuổi tìm kiếm vị cà phê đặc sản của quê hương.”
Chị Cầm Thị Mòn
Chị Mòn là một người con của mảnh đất Chiềng Chung, vùng lõi của khu vực trồng cà phê Arabica tại Sơn La. Ở bản làng của chị, bà con đã bắt đầu trồng cà phê từ cách đây hơn 20 năm. Sau khi học xong phổ thông, chị kết hôn với anh Bun, rồi hai vợ chồng ở lại bản chăm sóc 4 héc-ta đất trồng cà phê mà bố anh Bun giao phó. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất chuyên trồng cà phê, chị hiểu và quen thuộc với khí hậu nơi đây.
Mùa thu hoạch cà phê rơi vào khoảng thời gian mùa đông của miền Bắc. Mọi thứ rất khó khăn vì nhân công ít mà giá thuê lại cao. Nhiều lúc, đúng mùa thu hái mà mưa cả tuần, khiến hạt cà phê ngậm nước, nứt ra rồi rụng hết. Chưa kể những đợt sương muối hoành hành, bà con ở bản mất mùa, ai cũng nản chí. Dần dần, gần nửa bản chặt đi hết cây cà phê, thay bằng các loại cây ăn trái như cam, bưởi, xoài,…
Ở trên này, cà phê có đến 5 đợt chín kéo dài trong khoảng 5 tháng. Thế nên việc thu hoạch rải rác và mất nhiều công sức hơn. Không có kỹ thuật hay kinh nghiệm kinh doanh, cả bản chỉ biết trồng để lấy quả tươi bán cho thương lái và xưởng chế biến. Tính ra, chi phí phân bón và công chăm sóc đã chiếm đến 2/3 giá thành, mà bên thu mua lại trả giá dựa trên tiêu chí chất lượng hạt cà phê, nên không cẩn thận lỗ là chuyện rất bình thường.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi chị cùng nhiều người khác tham gia vào Nhóm Cổ phần tài chính tự quản (VSLA), thường được gọi là Nhóm tiết kiệm tự quản hoặc tiết kiệm thôn bản, thuộc Dự án Nâng quyền Kinh tế của Phụ nữ Dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản (TEAL) do CARE triển khai. Trong dự án này, các nhóm VSLA trở thành các tổ nhóm sản xuất. Các thành viên cùng nhau cải thiện chất lượng cà phê và thương thảo với bên mua với tư cách nhóm chứ không phải từng hộ đơn lẻ.
Nhờ việc tham gia các lớp hướng dẫn kĩ thuật cũng như sau chuyến thăm quan khu trồng cà phê Arabica tại Lâm Đồng, chị Mòn nhận ra rằng chỉ có thay đổi phương thức canh tác và chế biến mới giúp thay đổi tương lai của cà phê Arabica tại Sơn La.
Vậy là chị từ chối lời đề nghị tham gia vào hợp tác xã trồng cây ăn quả. Chị thuyết phục gia đình và đặc biệt là chồng mình tiếp tục duy trì trồng cây cà phê kết hợp áp dụng kỹ thuật mới trồng cà phê sạch và chất lượng. Hai vợ chồng chị hướng tới sản xuất cà phê đặc sản để nâng cao giá trị kinh tế.
Trỗi dậy
“Người Pháp đem cà phê tới Sơn La, thì người Sơn La sẽ đem cà phê ra ngoài thế giới.”
Anh Lèo Văn Bun
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho cà phê Arabical Sơn La. Đây là điều kiện thuận lợi cho thương hiệu cà phê Sơn La vươn ra thị trường nội địa và quốc tế. Cũng trong thời gian này, CARE thành công khi đề xuất dự án TEAL lên Chính phủ Australia, giành được khoản tài trợ khoảng 3 triệu AUD để hỗ trợ người dân trồng cà phê ở cả Sơn La lẫn Điện Biên.
Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, vào đầu năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Ara-Tay Coffee ra đời với sự tham gia của 14 hộ gia đình tiên phong tại 2 xã Chiềng Chung và Mường Chanh của tỉnh Sơn La. Gia đình chị Mòn – anh Bun là một trong số đó.
“Ara” là Arabica. “Tay” trong tiếng Thái có nghĩa là người Thái, cũng có hàm ý chỉ bàn tay nâng niu, tận tụy của người phụ nữ Thái dành cho cây cà phê.
Ara-Tay là kết tinh của trái tim và tri thức. Trái tim trân trọng từng hạt cà phê, mảnh đất, nguồn nước và con người nuôi dưỡng chúng. Tri thức của công nghệ, kỹ thuật canh tác bền vững và chế biến sạch, chất lượng và đảm bảo “tử tế đến từng hạt”.
Từ vị trí chỉ là những người đứng ngoài quan sát, năm nay, các thành viên HTX đã tự tin lần đầu tiên mang theo các sản phẩm mang thương hiệu Ara-Tay tới Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam tại Buôn Mê Thuột vào đầu tháng 3/2020. Và hơn cả mong đợi, cả hai sản phẩm dự thi đều đạt được Chứng nhận cà phê đặc sản, đạt 83/100 điểm từ Ban giám khảo.
Tính đến tháng 4/2020, HTX đang gấp rút chuẩn bị những khâu cuối cùng để mang sản phẩm của mình ra thị trường. Chị Mòn, anh Bun và những thành viên khác của HTX đang bận rộn để gieo trồng, chăm bón, thu hái rồi chế biến cà phê. Còn câu chuyện dang dở về một đặc sản cà phê Arabica Tây Bắc lại được viết tiếp./.
*Nguồn tham khảo: https://theroasterspack.com/blogs/news/15409365-10-differences-between-robusta-arabica-coffee
Dự án Nâng quyền kinh tế của Phụ nữ dân tộc thiểu số trong chuỗi cà phê Arabica (TEAL) do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Chương trình Hợp tác Tổ chức Phi Chính phủ Australia (ANCP). Dự án do CARE đồng triển khai với Trung tâm Phát triển Cộng đồng Điện Biên (CCD); Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La (DARD) và một số doanh nghiệp tư nhân. Trong quá trình triển khai, dự án cũng hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Phát triển Cộng đồng Đắk Lắk và các chuyên gia hàng đầu về cà phê của Việt Nam.