Sáng 2/7/2019 tại Hà Nội, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên Môi trường) tổ chức tổ chức hội thảo lấy ý kiến một số ban, ngành, địa phương, tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học về dự thảo NAP. Với hỗ trợ tài chính từ CARE (thông qua Nhóm làm việc về BĐKH – CCWG) và một số tổ chức khác, hội thảo đã tập hợp được nhiều bình luận, đóng góp thiết thực cho nội dung của dự thảo. Dự kiến, sau khi lấy ý kiến, dự thảo sẽ được trình chính phủ xem xét và thông qua vào cuối năm nay.

Tại hội thảo, đại diện Cục Biến đổi Khí hậu đã trình bày dự thảo Khung kế hoạch NAP, từ bối cảnh xây dựng, các nguyên tắc, tầm nhìn, quan điểm của kế hoạch và các nội dung dự kiến. Trong đó, phần trọng tâm về nhiệm vụ và giải pháp được phân loại theo 7 lĩnh vực

  • Nông nghiệp-phát triển nông thôn
  • Tài nguyên môi trường
  • Sức khoẻ cộng đồng
  • Xây dựng-đô thị-nhà ở
  • Giao thông vận tải
  • Du lịch-nghỉ dưỡng
  • Công nghiệp

Trong phần sau, các đại biểu tham dự và ban chủ toạ hội thảo (ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Viện phó Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và BĐKH) đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề lớn trong dự thảo hiện nay. Các ý kiến tập trung vào hai hướng chính: cách xây dựng NAP và nội dung cụ thể của NAP.

“Quá trình xây dựng Kế hoạch Thích ứng Quốc gia (National Adaptation Plan) được đưa ra trong Khung Thích ứng Cancun (CAF). Nó giúp các bên hình thành và triển khai các kế hoạch thích ứng quốc gia với việc xác định các nhu cầu thích ứng trung và dài hạn, và xây dựng-triển khai các chiến lược và chương trình để đáp ứng những nhu cầu ấy. Đây là một quá trình mang tính liên tục với cách tiếp cận do mỗi quốc gia chủ động dẫn dắt, nhạy cảm giới, có sự tham gia của các bên liên quan và hoàn toàn minh bạch.” – theo UNFCCC.

Tại Việt Nam, việc xây dựng và triển khai NAP chính là để thực hiện phần lớn mảng thích ứng trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, nếu Chiến lược quốc gia về BĐKH đưa ra định hướng chung thì NAP cụ thể hoá chiến lược ấy với các biện pháp cụ thể hơn cho từng lĩnh vực và từng bộ, ngành liên quan.

 

Một số vấn đề về cách xây dựng NAP

Nhiều đại biểu nêu cần làm rõ và nhất quán hai mục tiêu lớn nhất của NAP là giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH thông qua nâng cao năng lực thích ứng và khả năng phục hồi; và lồng ghép BĐKH vào các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch một cách chặt chẽ.

Một số đại biểu nhấn mạnh việc cần sắp xếp lại thứ tự các vấn đề/lĩnh vực một cách hợp lý hơn; xem xét thêm cả cơ hội từ BĐKH bên cạnh các thách thức; rà soát lại tiến trình xây dựng NAP để tạo cơ hội cho các ngành và địa phương đưa thêm các nhiệm vụ ưu tiên còn sót trong dự thảo hiện nay; thể hiện rõ hơn các nguyên tắc về bình đẳng giới, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau xuyên suốt văn bản dự thảo.

Bà Nguyễn Thị Yến, Cố vấn BĐKH và Giảm Rủi ro Thiên tai của CARE tại Việt Nam. Ảnh: CCWG

Chẳng hạn, có đại biểu đề cập việc xây dựng thị trường bảo hiểm như một cơ hội cho Việt Nam trong việc tăng cường khả năng phục hồi và huy động nguồn vốn tư nhân trong nước và quốc tế. Bà Nguyễn Thị Yến (Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam) cho biết Nhóm kỹ thuật về giới, trong đó có CARE (thay mặt CCWG), UNWomenUNDP đang tham gia khuyến nghị về lồng ghép giới trong việc xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và sẵn sàng hợp tác với Cục BĐKH trong quá trình lồng ghép bình đẳng giới vào việc xây dựng và triển khai NAP.

Đồng thời, cũng cần cân nhắc bổ sung thêm cách tiếp cận về phát huy nội lực và tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng thay vì chỉ chú trọng vai trò của các bộ, ban ngành.

Một số đại biểu băn khoăn về việc xây dựng NAP làm sao để không rơi vào tình trạng việc phân bổ về bộ/ngành nào thì bộ/ngành đó lo mà thiếu đi sự điều phối, liên kết. Ông Vũ Công Lân từ Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) cho rằng cần bổ sung vai trò của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vì một vấn đề lớn mà Việt Nam sẽ cần giải quyết là di dân, đòi hỏi phải có tiếng nói và vai trò của Bộ trên. Về điểm này, ban chủ toạ cho biết dự thảo sẽ có riêng một phần về tổ chức thực hiện, trong đó nêu rõ đâu là đầu mối chủ trì từng nhiệm vụ cụ thể và phân bổ ngân sách ra sao. Đồng thời, vai trò của các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân cũng sẽ được đề cập trong phần này.

Về cách phân chia nhiệm vụ-giải pháp theo lĩnh vực, các đại biểu có ý kiến không đồng nhất. Một số đồng tình với cách phân chia như vậy, cho rằng cách chia này bao hàm được đặc thù vùng miền và không bị trùng lặp. Ví dụ, đại biểu từ Bộ Y tế cho biết Kế hoạch thích ứng BĐKH của Bộ có tính đến vùng miền. Nhưng nhìn chung, nhiều đại biểu cho rằng nên bổ sung thêm đặc thù các vùng miền và chiến lược thích ứng chính của các vùng miền, làm cơ sở khung cho các địa phương.

Một số góp ý về ưu tiên, nhiệm vụ và giải pháp

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý cho phần nội dung cụ thể của dự thảo NAP. Nhiều người đề nghị bổ sung một số vấn đề then chốt còn thiếu như thuỷ lợi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ-cây trồng; vấn đề quản lý đất đai cần đưa thêm cả thách thức đối với miền núi và tây nguyên chứ không chỉ vùng ven biển; …

TS. Nguyễn Văn Khang, Nguyên Chủ tịch UNBD tỉnh Tiền Giang – hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tiền Giang cho biết: “Tài nguyên nước quan trọng nhưng tài nguyên đất cũng bị ảnh hưởng từ BĐKH… nhất thiết phải có thêm lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, không thể bỏ qua thuỷ lợi. Đây là vấn đề quan trọng với cả nước và sống còn với Đồng bằng sông Cửu Long…. Chúng ta đã nói đến kịch bản nước biển dâng nửa mét vào 2050 thì ĐBSCL mất phần lớn đất sản xuất, nên đê biển rất quan trọng. Về vấn đề này, nếu chỉ địa phương thì không thể giải quyết được nên NAP cần đưa vào.”

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, ngoài những nội dung dự thảo đã có, cần bổ sung và làm sâu hơn 2 giải pháp: công tác truyền thông và sự tham gia của tất cả mọi bên.

Ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang. Ảnh: CCWG

“Công tác truyền thông của chúng ta thì mới thực hiện được vào một số thời điểm, không thường xuyên. Trong quá trình tiếp xúc làm việc, tôi thấy nhiều người dân, thậm chí cơ quan nhà nước và các đoàn thể còn rất thiếu hiểu biết về biến đổi khí hậu.

Chúng ta cần sự tham gia của tất cả mọi người chứ không chỉ hệ thống chính trị vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Ông Phạm Văn Trọng

Ông Nguyễn Ngọc Huy (Oxfam) lưu ý NAP cần đưa ra tầm nhìn để các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị cho vấn đề di dân ở ĐBSCL khi đất sản xuất và sinh hoạt ở khu vực này bị co hẹp trong bối cảnh quỹ đất ở các vùng khác cũng không còn nhiều dư địa. Ông cũng cho rằng NAP cần cân nhắc làm sâu hơn phần giải pháp khi tình hình cực đoan khí hậu đang là một hiện thực. “Hạn hán ở bắc trung bộ chỉ cần kéo dài thêm một tuần nữa là thành thảm hoạ.” – ông lấy ví dụ.