Thông tin chung
Việt Nam là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước biến đổi khí hậu. Địa hình đa dạng của Việt Nam dẫn đến các hình thái tác động khác nhau trên khắp cả nước. Ví dụ, miền Bắc phải chịu nhiệt độ gia tăng và sự thay đổi thất thường của lượng mưa, các khu vực ven biển miền Trung ngày càng bị ảnh hưởng bởi bão và áp thấp nhiệt đới, còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam đặc biệt có nguy cơ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng cả về tần suất lẫn mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa và đô thị hóa đã làm gia tăng đáng kể lượng khí thải nhà kính và áp lực môi trường ở Việt Nam. Các mô hình dự báo cho thấy tổng thiệt hại kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu có thể lên tới 12–14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 (Ngân hàng Thế giới, 2022).
Tại Việt Nam, phụ nữ đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu hơn do sự khác biệt giới về cách sử dụng thời gian, khả năng di chuyển, tiếp cận các nguồn tài nguyên sản xuất, dịch vụ tài chính, công nghệ và thông tin, cũng như các khuôn mẫu giới hạn chế tiếng nói và quyền ra quyết định của phụ nữ. Phụ nữ nông thôn và dân tộc thiểu số đối mặt với những tổn thương kép do sự thiệt thòi hệ thống và sự phụ thuộc của họ vào các hệ sinh thái dễ bị tổn hại để mưu sinh. Tính dễ bị tổn thương của các cộng đồng nghèo trước biến đổi khí hậu có thể dẫn đến việc thêm một triệu người sống trong cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030 (Ngân hàng Thế giới, 2022).
CARE tập trung các hoạt động về công bằng khí hậu vào việc tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương và dễ gặp thiên tai, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi nâng cao năng lực thích ứng của họ cũng như giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự tổn thương, chẳng hạn như mối quan hệ quyền lực không bình đẳng và thiếu quyền ra quyết định. Chúng tôi đặt trọng tâm mạnh mẽ vào việc thích ứng do địa phương dẫn dắt và quản trị toàn diện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách trao quyền cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tham gia và thúc đẩy lợi ích của họ trong các quy trình ra quyết định và thảo luận chính sách.
Tại Việt Nam, CARE có hơn 30 năm kinh nghiệm trong các chương trình về khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Đội ngũ của chúng tôi bao gồm các chuyên gia kỹ thuật về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó nhân đạo, giới, và MEAL (Giám sát, Đánh giá, Trách nhiệm giải trình và Học tập), với kinh nghiệm sâu rộng trong các can thiệp dựa vào cộng đồng, xây dựng năng lực, xây dựng mạng lưới, dẫn dắt tư duy và vận động chính sách.
Ưu tiên chương trình
Dựa trên bối cảnh hiện tại, CARE cần tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Phù hợp với chiến lược toàn cầu nhằm nâng cao năng lực của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, CARE Việt Nam đã xây dựng một chiến lược tập trung vào thích ứng do địa phương dẫn dắt. Bốn ưu tiên chương trình đã được xác định dựa trên bối cảnh hiện tại và kinh nghiệm, năng lực cũng như quan hệ đối tác của CARE tại Việt Nam:
Nông nghiệp Thích ứng Khí hậu và Ngư nghiệp |
Các can thiệp nhân rộng nông nghiệp bền vững, năng suất, bình đẳng và chống chịu được các tác động của thiên tai, khí hậu. |
Giải pháp Tự nhiên |
Các can thiệp nhân rộng những giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái và quản lý tài nguyên thiên nhiên. |
Doanh nghiệp Xanh do Phụ nữ Làm chủ |
Các can thiệp nhân rộng các doanh nghiệp chuyển đổi xanh do phụ nữ lãnh đạo hoặc làm chủ. |
Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai |
Các can thiệp nhân rộng hệ thống cảnh báo và hành động sớm do địa phương dẫn dắt và có tính đáp ứng giới. |