Trong tháng 3 này, tổ chức CARE Quốc tế phát động chiến dịch #March4Women để cùng chung tay với các đối tác và tổ chức trên khắp thế giới nhằm tôn vinh và cổ động phụ nữ đấu tranh cho quyền của chính mình.

Tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức xung quanh vấn đề bạo lực giới với trọng tâm là vấn đề quấy rối tình dục (QTRD) nơi làm việc và ảnh hưởng của nó đối với lực lượng lao động nữ. Cụm từ “quấy rối tình dục” là chủ đề không dễ đi đến một định nghĩa hoàn chỉnh được tất cả các bên chấp nhận.

Tại Việt Nam, bối cảnh luật pháp về QTRD cũng như sự thiếu vắng một định nghĩa thống nhất về QRTD đang khiến vấn đề này không nhận được sự quan tâm đúng mức.

Quấy rối tình dục là gì?

Theo Bộ Quy tắc Ứng xử về QRTD tại nơi làm việc, QRTD được định nghĩa là bất cứ hành vi có tính chất tình dục nào gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.

Số liệu về quấy rối tình dục tại Việt Nam

Từ thời điểm QRTD được đưa vào khung luật pháp năm 2013, việc chưa có một trường hợp QRTD nào (tại nơi làm việc) được đưa ra tòa án tại Việt Nam thực sự là một con số gây sốc. Thậm chí, theo Tiếng Chuông (một trang web của Ủy ban Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm), chưa có trường hợp nào bị phạt vì các hành vi quấy rối này dù một số trường hợp xâm hại tình dục trẻ em đã được đưa ra xét xử. Mặt khác, số liệu cho thấy 78,2% nạn nhân của QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam là nữ giới. Phần đông chỉ tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc báo cáo sự việc họ gặp phải khi quấy rối leo thang trở thành tấn công tình dục.

Theo một khảo sát thực hiện năm 2014, 87% nữ giới được khảo sát tại Hà Nội và TPHCM xác nhận họ đã bị QTRD tại nơi công cộng; 67% người qua đường không có phản ứng gì để giúp đỡ. Tại trường học, 31% nữ sinh cho biết họ đã bị QRTD nơi công cộng và trên các phương tiện công cộng. Một báo cáo của Tổ chức Plan Quốc tế cho thấy 11% học sinh từ 30 trường trung học phổ thông tại Hà Nội xác nhận họ từng bị lạm dụng hoặc quấy rối tình dục.

Một nghiên cứu khác về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ LĐTBXH và Tổ chức Lao động Quốc tế thực hiện đã chỉ ra rằng các nạn nhân vì sợ bị trả thù nên càng không dám có khiếu nại chính thức.

Dù đã có một vài báo cáo nhưng chúng ta vẫn chưa nhận thức đầy đủ hết ý nghĩa của các số liệu hiện có và vẫn chưa có một nghiên cứu toàn diện nào về tác động hoặc phạm vi của QRTD tại Việt Nam. Với tính trạng này, QRTD vẫn tiếp tục không được báo cáo, ăn sâu trong tiềm thức và lan rộng.

Đổ lỗi cho nạn nhân

Báo cáo năm 2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy các nạn nhân của QRTD chủ yếu là phụ nữ ở các vị trí tương đối thấp, dưới quyền hoặc phụ thuộc vào người quấy rối họ. Do không có điều khoản cụ thể nào trong Bộ Luật Lao động hiện hành nhằm nghiêm cấm QTRD và bảo vệ nạn nhân, cộng với việc xấu hổ và lo sợ mất việc nên nạn nhân thường chọn cách giữ im lặng. Các chuẩn mực giới và thái độ bảo thủ truyền thống cũng là nhân tố khiến chủ đề QRTD bị lờ đi trong không gian công sở, nhà máy. Nạn nhân tự đổ lỗi cho bản thân và cảm thấy chính hành vi của họ mới là nguyên do khiến họ trở thành mục tiêu của QRTD. Nỗi lo sợ bị miệt thị còn là nhân tố ngăn chặn thảo luận rộng rãi và thẳng thắn về QRTD. Theo Bộ LĐTBXH, nạn nhân của QRTD tại nơi làm việc chịu các tác động tiêu cực cả trực tiếp và gián tiếp, bao gồm: suy giảm sức khỏe cơ thể, căng thẳng cảm xúc và trong một số trường hợp còn bị khủng hoảng tâm lý, giảm khả năng lao động vì năng suất kém và không còn mong muốn đến chỗ làm cũng như khó khăn trong tiến triển sự nghiệp.

Làm thế nào để Ngăn chặn Quấy rối tình dục?

Các chiến dịch nhận thức được thúc đẩy trên truyền thồng đại chúng gần đây như phong trào #metoo (khởi nguồn từ xì căng đan QRTD của đạo diễn Harvey Weinstein) chỉ là một trong số các ví dụ cho thấy số lượng nạn nhân khổng lồ và tác hại mà QTRD gây ra cho phụ nữ. Nhìn rộng hơn, chúng ta cần thay đổi tư duy để không còn coi chủ đề QRTD là vùng cấm và để cùng nâng cao nhận thức trong việc xác định ranh giới giữa các hành vi được và không được chấp nhận. Thảo luận về QRTD cần thoát ra khỏi việc đổ lỗi và miệt thị nạn nhân để chuyển sang thảo luận về việc xây dựng và thực thi các quy định, chính sách một cách hiệu quả sao cho có thể bảo vệ cá nhân bị quấy rối thay vì lờ đi hành vi của kẻ quấy rối.

Để cùng quấy rối tình dục không tiếp tục diễn ra đối với đồng nghiệp, bạn bè, người thân và chính bản thân bạn, hãy tham gia với CARE tại Việt Nam trong chiến dịch #STOPsexualharassment (#chấm_dứt_quấy_rối_tình_dục) và #March4Women.

Cách thức tham gia:

  1. Nhấn “Thích” và “Theo dõi” Trang Facebook của chúng tôi.
  2. Cùng chia sẻ mẩu truyện tranh #STOPsexualharassment với bạn bè trên Facebook.
  3. Tag bạn bè, cùng đọc và thảo luận.

 

Tác giả: Hannah Stephenson