Một buổi chiều tháng 10 năm 2022,

Gần 30 công nhân nữ đang làm việc tại công ty may Nobland gặp nhau tại một quán cà phê ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh cho một cuộc họp do tổ chức CARE mời đến. Một số chị đã từng tham gia dự án “Tôi Mạnh Mẽ” của CARE trước đây, một số khác đã từng được nhận hỗ trợ tài chính để kinh doanh từ CARE sau đại dịch. Nhưng cũng có những gương mặt mới, tham gia theo lời rủ rê của những chị em làm chung chuyền may. 

Với chị Nguyễn Thị Mỹ Quyên (40 tuổi), đây là lần đầu tiên chị tham gia một cuộc họp như thế này. Cơ duyên đến từ vài tuần trước, lúc đó chị là khách mời của chương trình “Tôi tự tin, tôi toả sáng”. Lúc đó thấy chương trình hay hay, bản thân mình muốn học hỏi thêm nên chị Quyên đi theo mấy chị đồng nghiệp nhờ giới thiệu mình vào sinh hoạt. Chị Lê Thị Hồng Thắm (38 tuổi) đến với cuộc họp này theo một cơ duyên khác. Chị chỉ mới quay lại làm việc tại công ty được 3 tháng từ sau dịch, nhận được thông báo về chương trình này trong nhóm chat của công ty, chị đăng kí tham gia. 

chuyện ngoài chuyền: hành trình kết nối niềm tin

Khi mình mới bắt đầu quay lại Nobland lần thứ hai sau đợt dịch, mình đã ước gì công ty mình có một chương trình nào đó, dự án nào đó cho mình học để phát triển bản thân. Mình là người thích học hỏi lắm mà công nhân như mình làm gì có điều kiện để đi học bên ngoài”

– chị Thắm chia sẻ.

chuyện ngoài chuyền: hành trình kết nối niềm tin
Cuộc họp hôm ấy là buổi khởi động dự án mới cùng với tổ chức CARE Quốc tế tại Việt NamTrung tâm Nâng cao Năng lực Cộng đồng (CECEM). Dự án vốn đã làm việc với các chị từ một vài năm qua, lần này dự án hướng đến việc xây dựng và thúc đẩy một không gian nơi công nhân được chia sẻ và lắng nghe các vấn đề hằng ngày của mình từ việc nuôi con, chăm sóc gia đình cho tới ‎‎ý kiến cá nhân để cải thiện môi trường làm việc. Hơn nữa, CARE mong muốn không gian này còn là nơi các chị có thể học để từ đó phát triển kĩ năng của bản thân và đưa họ tham gia vào quá trình đưa quyết định đến những vấn đề quan trọng trong công việc và cuộc sống.

Buổi học đầu tiên mình học, mình gợi ý đặt tên nhóm là nhóm Kết nối Niềm tin, cả nhóm ai ai cũng đồng ý. Tất cả mọi người cùng đứng thành hình con tàu, mình có vai trò là cánh buồm và tất cả mọi người cùng nhau khởi xướng vang lên con tàu Kết nối Niềm tin.”

– chị Thắm nhớ lại.

Và từ ấy, không gian này được gọi là nhóm Kết nối Niềm tin.

Nhóm Kết nối Niềm tin sinh hoạt mỗi tháng một lần vào một dịp cuối tuần, có khi là tối thứ 7 và cả ngày chủ nhật. Vốn có kinh nghiệm tham gia các dự án trước đó của CARE, chị Lang Thị Thảo (27 tuổi) cùng một số chị khác được mọi người tin tưởng bầu làm nhóm trưởng của một trong các nhóm sáng kiến.

Nhóm trưởng thì có vẻ oai thật nhưng cũng áp lực phần nào vì chúng tôi hiểu các chị em sẽ xem mình là người giải đáp cho mọi người hiểu về CARE, về dự án cũng như các hoạt động. Chưa kể làm nhóm trưởng là phải kêu gọi mọi người tham gia nhóm nữa. Thời gian đầu khi nhóm mới thành lập, lúc đi kêu gọi chị em trong nhà máy nhiều người còn e dè và nghĩ chúng tôi là bán hàng đa cấp nữa đấy.”

– chị Thảo nhớ lại.

chuyện ngoài chuyền: hành trình kết nối niềm tin

Không chỉ là bán hàng đa cấp, đa số các thành viên mới tham gia dự án lần đầu tiên cũng gặp nhiều trở ngại những ngày đầu tiên của nhóm. Người thì liên tục bị gia đình chất vấn “đi hoài hay làm mấy chuyện này có được gì không?” hay “sao ngày chủ nhật không ở nhà nghỉ ngơi”, người thì phải nhờ các chị đến gặp chồng mình để thuyết phục cho tham gia hoạt động của nhóm, thậm chí có người phải vuợt qua…lời doạ dẫm “ế chồng” của đồng nghiệp nam trong công ty.

chuyện ngoài chuyền: hành trình kết nối niềm tin

Anh ấy nói mình mà tham gia thì trước sau cũng không lấy chồng. Ảnh nghĩ vào nhóm thì mọi người trước sau cũng nói ra nói vào, nói xấu chồng thế này thế kia rồi mình sẽ sợ không dám lấy chồng”

chị Kim Phương (32 tuổi) kể lại. Nhưng may mắn thay, sự tích cực của đồng nghiệp đã thuyết phục chị Phương tiếp tục tham gia với nhóm.

Một buổi sinh hoạt nhóm thường bắt đầu bằng việc suy ngẫm những điều mình đã học được, hành trình mình đã đi qua. Các hoạt động sau đó thì đa dạng tuỳ vào nội dung và nhu cầu của các chị. Khi thì là một câu chuyện đọc để mọi người cùng suy nghĩ về bài học, lúc thì vài trò chơi tập thể để giải toả sau thảo luận nhóm. Thường xuyên nhất là những cuộc thảo luận, chia sẻ ý kiến về những vấn đề đang cần giải quyết trong công ty khi mà các chị được chia nhóm và trình bày giải pháp của mình, thậm chí còn đóng kịch để hiện thực hoá tình huống. Nhiều chị trước đây chỉ biết đi làm rồi về nay lần đầu tiên được khuyến khích nói lên quan điểm của mình. 

Chị Mỹ Quyên nhớ lại: 

Hồi xưa tôi sợ lắm, run lắm, không có trả lời phỏng vấn được với ai hết. Mình mà ở trong nhóm từ 5 người trở lên là không dám nói gì luôn, chỉ ngồi nghe và cười thôi, ai làm gì thì làm. Mấy chị cứ kêu tôi phát biểu ý kiến đi, cái nào hay thì sẽ được ghi nhận, còn không thì cứ tự do chia sẻ.”

chuyện ngoài chuyền: hành trình kết nối niềm tin

Nhóm Kết nối niềm tin đã mở ra một không gian nơi các chị có quyền và được ủng hộ để tự do chia sẻ, tự do lên tiếng, được lắng nghe và được là chính mình. Sự tự tin và nội lực được xây dựng thông qua những buổi sinh hoạt nhóm ấy đã tiếp thêm sức mạnh để nhóm Kết nối Niềm tin bước ra khỏi không gian an toàn của mình.

***

 

Vào tháng 3/2023, nhóm Kết nối niềm tin tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với ban giám đốc nhà máy. Với nhiều chị em, cuộc đối thoại này là “lần đầu tiên” đáng nhớ nhất. Chính trong chương trình này, nhiều chị đã có lần đầu tiên trong đời đứng lên nêu quan điểm không chỉ của cá nhân mình mà còn cho nhiều chị em khác. Chị Kim Phương bồi hồi nhớ lại:

chuyện ngoài chuyền: hành trình kết nối niềm tin

Mọi người giao cho mình đứng lên thuyết trình về sáng kiến của nhóm. Lúc đó mình run lắm nhưng lúc đứng lên trên, lâu lâu nhìn xung quanh thấy mọi người xung quanh đang lắng nghe mình. Hồi đó mình cũng có nói mà cảm giác ít ai lắng nghe lắm. Sau đợt đó, mình bảo các chị rằng sau chương trình này, mình muốn làm MC!”
 

Chia sẻ chung một cảm giác với chị Kim Phương, chị Mỹ Quyên cũng nhớ về lần đầu tiên của mình:

Lúc ấy tôi cũng mới tham gia nhóm từ tháng 11 năm ngoái, mỗi tháng chỉ họp nhóm một lần, tính ra có 4-5 tháng. Mình cũng chưa biết sáng kiến như thế nào, không biết có hợp lý với công ty hay không nên chỉ ngồi nghe thôi cũng không dám đứng lên phát biểu. Mấy chị trong nhóm thì cứ động viên ‘Em cứ đứng lên phát biểu đi, em suy nghĩ được cái gì thì em cứ nói theo cái đó, mấy chị sẽ ủng hộ em trên mặt tinh thần’. Thế rồi mình cũng đứng lên. Nhiều lúc cũng run lắm, từ đó đến giờ mới dám đứng lên lần đầu tiên để nói chuyện với ban giám đốc, trước giờ cũng không dám nói theo ý nghĩ của mình.”
Cảm giác bình đẳng với công ty là cảm giác mà rất nhiều chị em của Kết nối Niềm tin lần đầu tiên tiếp nhận sau chương trình đối thoại đấy. Với họ, định kiến về thứ bậc giữa người lao động và người sử dụng lao động, giữa công nhân và nhà máy đã từ lâu in sâu vào suy nghĩ, khi ban giám đốc được đặt ở trên cao và việc kiến nghị hay đối thoại với họ là việc không thể xảy ra. Sau đối thoại, họ nhận ra, hoá ra người ta cũng cởi mở và sẵn sàng tiếp thu ý kiến của mình.

Kể lại về chương trình đối thoại, chị Nguyễn Liên (35 tuổi) không giấu nổi vẻ tự tin xen lẫn tự hào. Có kinh nghiệm tham gia các dự án trước và được làm nhóm trưởng khi ở trong Kết nối Niềm tin, chị Liên đúc kết bài học lớn nhất với chị:

Mình học được từ nhóm rằng không được nghĩ mình thấp hơn công ty hay ban giám đốc. Mình là người lao động, phải đặt mình ở vị trí ngang bằng khi đối thoại chứ không phải là xin xỏ gì cả. Không phải là xin mà là đề nghị vì quyền lợi của mình, mình ngồi chung bàn với họ mà.”

chuyện ngoài chuyền: hành trình kết nối niềm tin

Trong buổi đối thoại ấy, nhóm Kết nối niềm tin trình bày 3 nội dung, một trong số đó là về vấn đề môi trường. Có thời điểm khu vực quanh công ty không sạch sẽ, rác thải ngập úng nhiều và nước thải đọng lại trên mặt đường. Công nhân khi đó đi làm không có chỗ ngồi ăn sáng cũng chỉ ngồi ở bồn cây và trên sàn nhà làm cảnh quan trước công ty không đẹp và mất vệ sinh. Quan sát được tình trạng như thế, nhóm lại tiến hành thu thập lấy ý kiến người dân và công nhân xung quanh. Trong quá trình phỏng vấn, nhiều chị lần đầu tiên học cách ghi âm, quay phim, chụp hình điện thoại thông minh. Sau ca làm, họ lại lân la quanh khu vực gần nhà máy, vừa quay vừa chụp và hễ gặp ai thì xin ý kiến của họ. Những ý kiến thu thập được là tiền để để cả nhóm đã đưa ra sáng kiến làm sạch môi trường xung quanh công ty gồm dọn dẹp vệ sinh, mua thêm ghế và thùng rác.

Chị Mai Thu (42 tuổi) nhớ lại:

Hồi đó tôi chẳng mở miệng nói ở chỗ đông người bao giờ. Lúc đó đi gặp mấy cô lớn tuổi ai nhìn mình cũng nghĩ là mình…đi lừa đảo nên họ còn đề phòng khiến mình cũng rụt rè theo. Xong từ từ mình bình tĩnh lại cùng chị em nói chuyện thì các cô mở lòng hơn. Đợt đấy đi phỏng vấn về nghĩ lại thì vẫn là một lần đầu tiên đáng nhớ…

chuyện ngoài chuyền: hành trình kết nối niềm tin

Việc thực hiện thu thập thông tin, tổ chức đối thoại và đề xuất sáng kiến không chỉ giúp công nhân nhận ra khả năng lên tiếng vì quyền lợi chính đáng của mình ở quy mô tập thể mà còn thực sự mang lại thay đổi tích cực cho cộng đồng xung quanh họ và chính trong môi trường làm việc hàng ngày. Được tạo điều kiện để học tập và trau dồi khả năng của bản thân trong môi trường phù hợp, những người công nhân nữ ngày nào còn tự ti về chỗ đứng của mình trong mối quan hệ với người sử dụng lao động nay có thể tự cùng nhau bàn bạc trao đổi để đề xuất giải pháp cải thiện điều kiện cho cộng đồng của mình lên chính công ty của họ, với một vị thế mới bình đẳng hơn. Đây chính là “động lực để mình đi tiếp” như lời chị Mỹ Quyên chia sẻ.

***

Sau buổi đối thoại, các chị lại bắt tay chuẩn bị cho một sự kiện lớn khác – Ngày hội Gia đình. Hoạt động này cũng là một trong các sáng kiến được đề xuất ở buổi đối thoại. Ý tưởng tổ chức Ngày hội Gia đình dành cho con em công nhân công ty may Nobland được các chị khởi xướng để gia đình công nhân và con em có thể vui chơi, giao lưu với nhau, tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình đồng thời các chị có thể giới thiệu cho gia đình mình biết và hiểu rõ về nơi làm việc của mình.

Thời điểm ấy, dù phải đi làm cả ngày nhưng các chị đã tranh thủ một tiếng nghỉ trưa và ở lại sau giờ làm để thảo luận và chuẩn bị cho chương trình. Nhóm thì phụ trách trang trí, cứ xong việc thì ngồi lại cắt vẽ rồi dán để hoàn thành sân khấu. Nhóm thì phụ trách đóng kịch, các chị cùng nhau nghĩ kịch bản rồi phân nhau đóng kịch, có chị còn dám đóng cả vai nam như ông bố hay người anh trai. Nhóm thì chuẩn bị trò chơi, lên ý tưởng rồi sau đó mua sắm dụng cụ. Có người thì xung phong làm MC, quyết tâm làm MC cho bằng được sau lần phát biểu không trôi chảy ở chương trình đối thoại, tập nói đi nói lại nhiều lần. Những ngày gần diễn ra chương trình, các chị ở lại công ty thậm chí đến 10-11 giờ đêm.

Ngày hội Gia đình thế rồi diễn ra thành công. Từ 200 người tham gia dự kiến ban đầu, số người đến với ngày hội thực tế lên tới hơn 400 người!

Và một điều đặc biệt hơn nữa, chính ban lãnh đạo của nhà máy đã tham dự và công nhận thành quả của các chị.

Sự kiện Ngày hội Gia đình vừa là trải nghiệm cho công nhân xong cũng chính là kinh nghiệm quý giá cho cán bộ nhà máy. Từ trước đến nay, Nobland chưa có hoạt động nào hoành tráng và thú vị như vậy mà lại do công nhân tổ chức. Khi không có hoạt động thì chỉ thấy mọi người vô làm rồi đi về. Nhưng giờ mà so sánh thành viên nhóm Kết nối Niềm tin với các công nhân khác trong nhà máy thì đã thấy sự vượt trội hơn hẳn. Mọi người thực sự lột xác và thể hiện được hết khả năng của mình. Sau này có chương trình gì cũng sẽ đưa nhóm Kết nối Niềm tin vào tham gia tổ chức.”

– anh Lê Phương Nam – Quản lý bộ phận CSR của công ty đã chia sẻ như thế.

Có thể nói Ngày hội Gia đình là một cột mốc thật sự đặc biệt với nhóm Kết nối Niềm tin. Các chị đã cho thấy mình có thể làm được rất nhiều điều, đóng được rất nhiều vai trò hơn là những người công nhân đi làm bình thường.

***

Sau những sáng kiến, chương trình đối thoại và ngày hội, các chị quay trở về với cuộc sống hàng ngày của mình sau ca làm. Thay vì những trận cãi vã hay những lời trách mắng con cái như ngày trước, các thành viên của nhóm Kết nối Niềm tin sau khi được học và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau giờ đây đã biết lắng nghe, biết đối thoại và cải thiện cuộc sống trong chính ngôi nhà của mình. Không gian bình đẳng trong nhóm, trong nhà máy giờ đây được xây dựng trong từng gia đình nơi các thành viên được lắng nghe, được chia sẻ để cùng nhau quyết định, hơn cả là sự ủng hộ và đồng hành của người thân.

Thấy hoạt động của nhóm hay nên các chị thường đưa con đi sinh hoạt theo. Thế là các buổi tối thứ 7 ngoài các nhóm người lớn lại có một nhóm của các bé. Các em cũng được thảo luận và mời lên trình bày ý kiến của mình, không thua gì người lớn. Rồi đến Ngày hội Gia đình, các em cũng tham gia phụ giúp mẹ mình điều phối các gian hàng. Từ những hoạt động như thế này và từ những chia sẻ trong nhóm mà các chị dần thay đổi suy nghĩ trong cách nuôi dạy con mình. Từ chỗ thụ động, cho là mình làm gì con cũng phải làm theo, không cho con có quyền quyết định, các chị dần học cách lắng nghe và hiểu con mình theo hướng khác, để cho các bé tự do ra quyết định cho bản thân thay vì áp đặt chúng. Với các chị, giờ đây hành trình trong nhóm Kết nối Niềm tin cũng là quá trình mà các chị học cùng con cái của mình.

Còn chị Kim Phương thì không sợ ế chồng như người đồng nghiệp doạ nữa. Thay vì nói xấu chồng, các chị chia sẻ khó khăn và nhận lại lời khuyên từ các chị khác. Nhiều chị nhờ những chia sẻ trong nhóm mà đã cải thiện mối quan hệ với chồng và gia đình mình bằng cách thay đổi cách giao tiếp sao cho mềm mại mà thuyết phục, khuyến khích chồng mình cùng nhau tập suy nghĩ và đưa ra quyết định cùng nhau. Và sau khi chứng kiến những gì các chị làm được ở Ngày hội Gia đình, các anh dần thay đổi. Giờ đây thay vì nghi ngờ, cãi vã mà các anh dần trở thành nguồn động viên khuyến khích các chị tham gia nhóm nhiều hơn.

Giờ thì ba, mẹ, con cái phải học chung với nhau thôi.”

– chị Minh Thuần (45 tuổi) khẳng định.

chuyện ngoài chuyền: hành trình kết nối niềm tin

***

Dần dần, những sáng kiến, những chương trình mà nhóm thực hiện thành công thu hút được chị em tham gia. Người ta tham gia vì thấy được giá trị mà nhóm Kết nối Niềm tin mang lại. Những tháng ngày sinh hoạt trong nhóm đã nuôi dưỡng niềm tin của chị em công nhân vào chính bản thân mình. Chị em dần tin rằng mình có thể cất tiếng và tạo ra thay đổi.

Dù hành trình phía trước của nhóm Kết nối Niềm tin có lẽ sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay nhưng họ đang ở đây trong một bản thể mới, một bản thể với tinh thần đầy quyết tâm và tấm lòng kiên định cùng sự kết nối chặt chẽ với nhau với một niềm tin mãnh liệt được nuôi dưỡng cùng nhau. Nhóm Kết nối Niềm tin đã tạo nên một sự gắn kết để chị em công nhân khác nhìn vào học tập để tham gia vào những chương trình khác và tạo nên nhiều nhóm Kết nối Niềm tin hơn nữa trong tương lai. Hành trình của những người công nhân nữ sẽ còn được tiếp diễn.

Nhờ nhóm Kết nối Niềm tin mà mình nhận ra trong cuộc sống có nhiều cái mình có thể không nghĩ sẽ xảy ra, thế mà đã xảy ra rồi đấy.” 

– chị Minh Thuần.