Rời thủ đô náo nhiệt để về kinh doanh ở mảnh đất Thanh Hóa, Trần Thị Hồng không thể ngờ rằng cô sẽ gặp nhiều khó khăn trên con đường khởi nghiệp đến vậy. Nhưng với sự tháo vát và tinh thần ham học hỏi, Hồng đang từng bước vượt qua những trở ngại và định hình lối đi riêng cho doanh nghiệp nhỏ của mình để nghiên cứu và phát triển những sản phẩm thuần tự nhiên về hoa và thảo mộc bản địa.
Gần hai năm doanh nghiệp của Hồng hình thành và phát triển cũng là quãng thời gian COVID-19 lan rộng. Khi đại dịch diễn biến phức tạp tại Việt Nam gần đây, công việc kinh doanh của cô bị ảnh hưởng nặng nề, lượng sản phẩm bán ra chậm kéo theo doanh thu giảm đến gần một phần ba so cùng kỳ năm trước. Nhưng đó không phải là khó khăn duy nhất mà nữ doanh nhân trẻ gặp phải bởi đối với cô, áp lực còn đến từ những vấn đề sức khỏe sau sinh, môi trường sống mới.
“Sinh hai con khá gần nhau nên sức khỏe thể chất và tinh thần của tôi suy giảm đáng kể. Đến khi bắt tay vào kinh doanh, tôi còn cảm thấy căng thẳng hơn nhiều. Chuyển về Thanh Hóa, tôi gặp khó khăn vì phải thích nghi với lối sống, văn hóa và thậm chí cả ngôn ngữ của người dân nơi đây. Nhiều lúc tôi cảm thấy không được ủng hộ và cô đơn vì không có bạn bè hay người thân ở gần. Nhưng bù lại, tôi rất may mắn vì luôn được chồng hỗ trợ hết mình trong cả việc kinh doanh lẫn chăm sóc gia đình.”
Dù sở hữu lợi thế đã từng học về công nghệ sinh học và có thời gian làm việc tại phòng thí nghiệm, Hồng tự nhận đó cũng là điểm yếu của cô.
“Tôi có nhiều ý tưởng nhưng trước đây tôi không có kiến thức về kinh doanh nên chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, là dân kỹ thuật, tôi thấy mình khá khô khan nên khi cần quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội thì tôi không biết làm thế nào cho hấp dẫn.”
Với các khóa nâng cao năng lực của Sáng kiến Thắp lửa và các đối tác, Hồng đã thu được nhiều kiến thức mới để từ đó đi đến quyết định xây dựng doanh nghiệp của riêng mình.
“Tôi được học về lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, cân bằng cảm xúc… Những kiến thức ấy không chỉ giúp tôi trở nên quan tâm hơn và dấn thân vào việc kinh doanh mà còn giúp tôi bớt căng thẳng để có thể bình tĩnh định hình hướng đi của mình”, Hồng chia sẻ.
“Khóa học cũng giúp tôi kết nối và thấy được chia sẻ hơn. Đến nay các chị em vẫn liên hệ với nhau và trao đổi về những mô hình kinh doanh mà chúng tôi có thể liên kết.” Hơn thế, thông qua Sáng kiến Thắp lửa, Hồng còn có thể có cơ hội nhận được những khoản vay từ Tổ chức Tài chính Vi mô Thanh Hóa và các khóa đào tạo chuyên sâu khác để mở rộng doanh nghiệp của mình.
Sáng kiến Thắp lửa (CARE Ignite) được Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard tài trợ và đồng hành bởi các đối tác như WISE hay MEVI cung cấp những gói hỗ trợ kĩ năng, hướng dẫn và cố vấn cho các nữ doanh nhân như Hồng để họ gây dựng và phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó Ignite cũng giúp kết nối các nữ doanh nhân với mạng lưới doanh nghiệp, thúc đẩy tiếp cận tài chính và hoạt động tích hợp số.
Với sự nhanh nhạy sẵn có cùng những hỗ trợ Hồng nhận được qua Sáng kiến Thắp lửa, cô đã chủ động chuyển hướng kinh doanh để ứng phó với tình hình dịch bệnh. “Khi giảm kinh doanh trực tiếp ở cửa hàng thì tôi dành nhiều thời gian và công sức hơn để đầu tư vào việc hoàn thiện xưởng cũng như vườn cảnh.”
Đánh giá cao về sự quan trọng của kỹ năng số, Hồng cũng mong muốn mở rộng thêm các kênh giới thiệu và bán hàng trên mạng, cô chia sẻ: “Tiếp thị trực tuyến sẽ giúp xây dựng thương hiệu và quảng bá rộng rãi hơn, nội dung và câu chuyện chúng tôi chia sẻ cũng sẽ sâu sắc và dễ chạm tới đối tượng khách hàng tiềm năng hơn.”
Hiểu rõ nhiều khó khăn còn đang chờ đón, tới thời điểm này Hồng vẫn hoàn toàn có thể tự hào với doanh nghiệp nhỏ nhưng là thành tựu lớn của cô:
“Tôi đã có thể thực hiện được ước mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp bền vững, lan toả giá trị từ tự nhiên và được mọi người đánh giá cao. Đó là điều tôi khát khao từ thời còn đi học và tôi nghĩ mình đã đạt được nó sớm hơn dự đoán.”
Trần Thị Hồng
Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, Hồng cũng không quên nhắn nhủ tới những người phụ nữ có mong muốn trở thành doanh nhân như cô: “Phụ nữ tuy gặp nhiều rào cản nhưng cũng có nhiều lợi thế. Chúng ta cần không ngừng học hỏi, phát triển bản thân bất kể hoàn cảnh hay nơi sống. Tự giải phóng năng lượng chính là cách phụ nữ vượt lên những rào cản xã hội và nỗi sợ của mình để đạt được thành công.”
Sáng kiến Thắp lửa tập trung vào việc khơi dậy tiềm lực của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam. Các nữ doanh nhân sẽ được hỗ trợ để tăng cường tiếp cận tài chính, công nghệ, thông tin và mạng lưới doanh nghiệp thông qua mô hình hợp tác giữa ngân hàng, tổ chức phi chính phủ và đối tác hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp. Tại Việt Nam, CARE triển khai các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến cùng với 3 đối tác, bao gồm: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty TNHH Công nghệ Canal Circle Việt Nam và Sáng kiến hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE), với sự tài trợ của Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard.