Hợp tác xã Hợp Thành Thanh Vận được thành lập vào cuối năm 2017. Trước đó,các thành viên đều là những nông dân không có kinh nghiệm kinh doanh ở bất kỳ quy mô nào ngoài hộ gia đình của họ. Tuy vậy, chỉ một năm sau đó, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ dự án WEAVE, những con người ấy đã bắt đầu thành lập các nhóm sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, đồng thời từng bước mang lại những cơ hội việc làm và thu nhập cho các thành viên của Hợp tác xã (HTX).
Chuối là một loại cây quan trọng ở xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Với dân số hơn 2.300 người, trong đó hơn 1/5 số gia đình là hộ nghèo và 15% là hộ cận nghèo, chuối được coi là cây trồng thiết yếu trong việc xóa đói giảm nghèo tai nơi đây. Thanh Vận và xã lân cận Mai Lạp hiện đang có gần 700 hecta trồng chuối. Ngày trước, có những lúc mỗi gia đình từng kiếm được 50 triệu đồng/năm từ buôn bán loại quả này. Tuy nhiên, vào năm 2015, người nông dân gặp nhiều trở ngại khi giá chuối tụt giảm nhanh chóng. “Xuất phát là những người nông dân không có kỹ năng kinh doanh, các thành viên của Hợp tác xã ban đầu đã gặp không ít khó khăn. Ban quản lý và ban Giám đốc không đề ra được các chiến lược rõ ràng và bản thân họ cũng thiếu những kỹ năng quản trị và tiếp thị. Nhìn chung, HTX chỉ hoàn toàn “bán những gì họ có” – bà Hà Thị Hòa từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp ở miền núi (ADC) chia sẻ. ADC là đối tác của CARE với vai trò đồng thực hiện dự án WEAVE.
“Ban quản lý và ban Giám đốc không đề ra được các chiến lược rõ ràng và bản thân họ cũng thiếu những kỹ năng quản trị và tiếp thị.” – bà Hà Thị Hòa, Trung tâm ADC.
Với bối cảnh như vậy, nhóm thực hiện dự án WEAVE đã gặp gỡ chính quyền địa phương và các thành viên trong HTX để thảo luận tìm ra giải pháp. Ý tưởng được nêu lên là tận dụng tối đa lợi thế có nguồn cung cấp chuối dồi dào của địa phương và sự sáng tạo của các thành viên trong việc đa dạng hóa sản phẩm. Sau nhiều tháng thảo luận và cân nhắc, kế hoạch sản xuất ban đầu đã được thực hiện và tầm nhìn cho 5 năm trở nên rõ ràng hơn.
Tiến triển chậm nhưng chắc
17 thành viên (bao gồm 13 nữ, 4 nam) của HTX được chia thành 3 nhóm sản xuất chuối sấy khô, chuối sấy dẻo và giấm chuối. Dự án đã hỗ trợ tài chính cho HTX để mua máy cắt, sấy và đóng gói, giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm. Các máy đã được mang vào sử dụng từ tháng 11/2018 và là niềm vui của các thành viên nữ. Họ bắt đầu sản xuất chuối sấy dẻo và nhận được phản hồi tích cực từ những người dùng đầu tiên.
Tại nơi làm việc tạm thời của HTX bà Phạm Thị Quy cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ về máy móc và trang thiết bị của dự án, chúng tôi giờ đây đã có thể tự sản xuất sản phẩm chuối sấy dẻo và chuối sấy khô. Trong Hội chợ Nông nghiệp gần đây tại Hà Nội, chúng tôi đã bán hết vài trăm gói chuối sấy dẻo”.
Tại nơi làm việc tạm thời của HTX, bà Phạm Thị Quy cho biết: “Nhờ có sự hỗ trợ về máy móc và trang thiết bị của dự án, chúng tôi giờ đây đã có thể tự sản xuất sản phẩm chuối sấy dẻo và chuối sấy khô. Trong Hội chợ Nông nghiệp gần đây tại Hà Nội, chúng tôi đã bán hết vài trăm gói chuối sấy dẻo”. Bà Quy chính là người cho ra đời công thức làm chuối sấy dẻo – một sản phẩm thế mạnh của của HTX. Cùng với những thành viên khác, bà đã thử nhiều phương pháp để chế biến sản phẩm này và thử nghiệm với nhiều người dùng trước khi đưa ra bày bán chính thức. “Ban đầu tôi chỉ nghĩ sẽ làm một ít cho những ai tới chơi nhà và muốn ăn món chuối sấy dẻo. Giờ đây, sau khi đã được đến nhiều nơi và gặp gỡ mọi người, tôi tin rằng mình nên thử làm ra những sản phẩm mà thị trường cần, và chắc chắn thị trường sẽ không chỉ gói gọn trong thôn tôi”, bà nói.
Cùng với sự tự tin của bản thân và hỗ trợ từ dự án WEAVE, bà Quy đã trở thành một trong hai đại diện nữ của huyện Chợ Mới tham gia cuộc thi cấp tỉnh dành cho nông sản sáng tạo nhất vào cuối năm 2018. Sản phẩm chuối sấy khô của bà đã xuất sắc thuyết phục ban giám khảo; bà lọt vào danh sách 31 nông dân sáng tạo của tỉnh. Bà Quy nhấn mạnh: “Nếu như chúng tôi kịp hoàn thành bao bì sản phẩm vào thời điểm đó thì còn có thể gây ấn tượng hơn nữa với ban giám khảo”.
Cùng trong năm 2018, HTX đã mang chuối sấy khô và chuối sấy dẻo tới tham dự cuộc thi “Mỗi xã phường Một sản phẩm” được tổ chức tại huyện Chợ Mới. Các sản phẩm được đánh giá 3 trên 5 sao và ban giám khảo cũng khuyến khích nhóm tham gia một cuộc thi khác trong năm 2019. “Tôi và các thành viên khác đã rất vui mừng và tự tin hơn vào năng lực của mình. Chúng tôi tin rằng mình có thể phát triển tốt việc kinh doanh nhờ những sản phẩm từ chuối này để có thể tăng thu nhập cho toàn bộ 200 hộ gia đình trồng chuối”, ông Hà Đức Đàm – Giám đốc HTX cho hay.
Một sự kiện mang tính thách thức khác cho ý tưởng kinh doanh sản phẩm từ chuối đó là cuộc thi quốc gia “Tìm kiếm ý tưởng chuỗi giá trị cho cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam”. Cuộc thi được tổ chức bởi Ủy ban Dân tộc và do Ngân hàng Thế giới và chính phủ Úc tài trợ. Một lần nữa, HTX giành vị trí thứ 6 trong vòng đầu tiên, lọt vào danh sách 23 ý tưởng được chọn để đi tiếp vào vòng 2. Theo ông Đàm, điểm cốt yếu của ý tưởng thể hiện ở hai mặt. Trước tiên, nó tạo nên một chuỗi giá trị có lợi cho người dân tộc thiểu số. Đồng thời, nó cũng hình thành một môi trường tốt giúp chuỗi giá trị mang lại lợi ích cho phụ nữ và người trẻ tuổi.
Việc tham gia cuộc thi lần này là một bước tiến lớn cho HTX, giúp khai thác kế hoạch kinh doanh và thúc đẩy mọi người chuẩn bị cho cuộc thi tương tự trong năm 2019. Nếu như thành công, HTX sẽ nhận được giải thưởng trị giá 680 triệu đồng, một khoản tiền quan trọng cho sự phát triển của mình.
Con đường rộng mở phía trước
Với gần một năm cải tiến sản phẩm, trong đợt Tết Nguyên đán 2019, HTX đã bán được một số lượng lớn sản phẩm làm từ hơn 12 tấn chuối tươi, thu về hơn 70 triệu đồng trong vòng hơn 2 tháng. Ngoài những cá nhân đặt mua qua điện thoại và Facebook, nguồn khách hàng đã trở nên đa dạng với hơn 10 nhà bán lẻ và cửa hàng tại Hà Nội và Bắc Kạn. Đồng thời, với sự trợ giúp của dự án, nhóm đã liên lạc được với các đơn vị xuất khẩu chuối sang Đài Loan.
“Chúng tôi xem đây là một cơ hội tốt” – ông Hà Đức Đàm, Giám đốc HTX chia sẻ. Ông cũng nhận thức rõ những thách thức trước mắt, từ việc phải xoay xở với kĩ năng quản lý còn non trẻ của chính mình và những thành viên khác đến việc tìm hiểu về các vấn đề sâu bệnh của cây chuối cũng như thực tế là HTX vẫn chưa có một xưởng sản xuất lâu dài và được trang bị máy móc đầy đủ. Mặc dù vậy, tin vui là HTX đã được cấp một lô đất để xây dựng nhà xưởng và văn phòng ở ngay gần chợ ở trung tâm xã và Ủy ban nhân dân. “Chúng tôi hy vọng sẽ có một xưởng sản xuất quy mô nơi mọi người có thể tới và nhìn tận mắt quá trình sản xuất sản phẩm. Chỉ có như vậy HTX mới có thể thu hút thêm nhiều khách hàng cũng như phục vụ cho mục đích xuất khẩu” – ông Đàm cho biết.
Dự án ‘Nâng Cao Vị Thế Kinh Tế của Phụ Nữ Thông Qua Thúc Đẩy Chuỗi Giá Trị Nông Nghiệp’ (WEAVE), do chính phủ Australia tài trợ, được thực hiện bởi liên minh ba tổ chức phi chính phủ – CARE Quốc tế tại Việt Nam, Oxfam và SNV. Dự án WEAVE sẽ hỗ trợ nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong chuỗi giá trị thịt lợn và quế ở tỉnh Lào Cai và chuỗi giá trị chuối ở tỉnh Bắc Kạn. WEAVE kì vọng được được các mục tiêu của mình thông qua thúc đẩy bình đẳng giới tại các hộ gia đình và nhóm sản xuất, tăng cường kỹ năng sản xuất và khả năng thương thuyết; kết nối nông dân với doanh nghiệp và đối thoại chính sách với Nhà nước nhằm cải thiện các chính sách hỗ trợ người sản xuất.