Thông qua việc thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động, dự án Đầu tư vào Phụ nữ góp phần nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng nhằm hướng đến các điều khoản bình đẳng giới về thực chất trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Bối cảnh

Bộ luật lao động là khung pháp lý có tính chất bao quát của Việt Nam về quyền lao động và bảo trợ xã hội đối với cả lao động nam và nữ. Bộ Luật có hiệu lực từ năm 2012 đang được sửa đổi trong giai đoạn 2016-2019 bởi cơ quan chủ trì soạn thảo dưới sự điều phối của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Dự kiến, Dự thảo được trình lên Quốc hội để thảo luận và thông qua trong các phiên họp vào tháng 5 và tháng 10 năm 2019.

Thực tế đã cho thấy bất bình đẳng trong trả lương, quấy rối tình dục tại nơi làm việc, định kiến lỗi thời về khả năng làm việc, quy định ‘cứng’ về nghỉ hưu sớm đối với lao động nữ đều mang lại những tác động tiêu cực đối với năng suất và phúc lợi của lao động nữ cũng như với năng suất của doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.

Đối với phụ nữ – đối tượng chiếm gần một nửa lực lượng lao động tại Việt Nam, Bộ Luật Lao động đóng vai trò trọng tâm trong việc đạt được bình đẳng giới mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, Bộ Luật 2012 được xây dựng dựa trên cách tiếp cận bảo vệ phụ nữ thay vì thúc đẩy bình đẳng giới. Vô hình trung, điều này gây ra những rào cản không cần thiết và phân biệt đối xử với phụ nữ tại nơi làm việc.

Mục tiêu dự án Đầu tư vào Phụ nữ

Thông qua việc thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động, CARE góp phần nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của cộng đồng nhằm hướng đến các điều khoản bình đẳng giới về thực chất trong Bộ Luật Lao động, tập trung vào:

  • cơ hội việc làm công bằng và chia sẻ trách nhiệm gia đình
  • nơi làm việc không có quấy rối tình dục
  • tuổi nghỉ hưu công bằng
  • trả lương công bằng

Hoạt động dự án Đầu tư vào Phụ nữ

Cách Đầu tư vào Phụ nữ hoạt động

  • Dự án tập trung vào việc thúc đẩy tiếng nói của người lao động thành thị, một trong những nhóm trực tiếp bị ảnh hưởng bởi việc sửa đổi Bộ Luật Lao động. Điều này đạt được thông qua: i) hoạt động kể chuyện bằng hình ảnh do các công nhân may mặc thực hiện, nói lên sự vất vả hàng ngày của họ; ii) một cuộc thi nơi các nhà làm phim trẻ thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của bất bình đẳng giới tại nơi làm việc với cả phim truyện và phim tài liệu; và iii) các cuộc đối thoại chính sách mà qua đó, công nhân nhà máy nói lên tiếng nói của họ với các nhà hoạch định chính sách về những vấn đề họ gặp phải trong môi trường làm việc, trong đó có các vấn đề về bất bình đẳng giới.
  • Thông qua tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp, dự án thúc đẩy thông điệp mang tính xây dựng và tích cực rằng việc nâng quyền kinh tế cho phụ nữ rất quan trọng để thực hiện các quyền của phụ nữ và giúp các doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng trưởng chung của nền kinh tế.
  • Bằng cách hợp tác với các tổ chức có cùng chí hướng, dự án sử dụng chiến lược gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp để huy động sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội thông qua các điều khoản bình đẳng giới.

Đối tượng tham gia dự án Đầu tư vào Phụ nữ

Công nhân may mặc, đại biểu Quốc hội, công đoàn các cấp

Địa điểm

Việt Nam

Thời gian

 4/2018 – 5/2019

Nhà tài trợ