Cùng là thành viên nhóm VSLA thôn Nà Kham vợ chồng ông Lý Hồng Hải và bà Hà Thị Quỵ rất vui vì mỗi khi Tết về có được một khoản để dành sắm Tết và cho cô con gái lớn đang học đại học xa nhà.

Nằm ở thôn Nà Kham, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, căn nhà sàn bằng gỗ của gia đình ông Hải, 62 tuổi, và bà Quỵ, 53 tuổi, trống huơ trống hoác. Trong nhà, cô con gái thứ hai của ông bà bị chứng bại não, mọi sinh hoạt đều phải nhờ hết vào người thân. Ông bà còn có hai cô con gái đang học cấp 3 và đại học. Ngày trước, ông Hải tốt nghiệp Đại học Thương nghiệp, rồi sau làm việc ở Viện Kiểm sát tỉnh. Không may bị tai nạn hỏng một bên mắt nên ông nghỉ hưu sớm từ năm 1996. Từ đó đến nay, ông chỉ ở nhà làm ruộng, trồng vườn, chăn nuôi.

Cùng nhau làm việc nhà và ra quyết định, vợ chồng ông Hải-bà Quỵ cảm thấy yên ổn và hạnh phúc hơn rất nhiều. Ảnh: Đỗ Trường Sơn/CARE

Những thay đổi nhỏ

Cái nghèo ở Nà Khạm không khó nhận thấy. Đường làng vẫn chưa được bê tông hóa như nhiều nơi khác. Hầu hết dân làng không có nhiều cơ hội cải thiện thu nhập.

Ông Hải và vợ bắt đầu trồng chuối từ năm 2004. Năm 2010, có dự án của CARE thực hiện ở xã với đối tác ADC vào hướng dẫn kỹ thuật, ông Hải là bí thư chi bộ, trưởng thôn nên được cử làm nhóm trưởng nhóm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Thu nhập của gia đình được cải thiện hẳn, nếu trước đó chỉ khoảng 1 triệu đồng mộ tháng thì nay là 2 -3 triệu mỗi người.

Nhưng chuyển biến lớn nhất đến với ông bà là từ khi dự án “Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp” (WEAVE) do Chính phủ Australia tài trợ được thực hiện ở đây. Trong dự án này, với sự vào cuộc của Trung tâm ADC và chính quyền địa phương, CARE hỗ trợ nông dân – đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số – cải thiện chất lượng chuối, chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như bim bim chuối, và kết nối với nhiều thị trường ngoài xã.

Trong khuôn khổ dự án này, bà Qụy tham gia Nhóm Cổ phần Tài chính tự quản (VSLA) thôn Nà Khạm năm 2017. Nhờ vậy, bà học được nhiều thứ, từ cách tiết kiệm, tính toán làm ăn hàng ngày, đến những vấn đề về chia sẻ công việc trong gia đình với chồng con. Không những thế, hoạt động đóng góp cổ phần tiết kiệm của nhóm giúp bà tích lũy một khoản thiết thực vào cuối năm. Mỗi cổ phần của nhóm VSLA Nà Kham chỉ 20.000 đồng. Các thành viên họp mỗi tháng hai lần để tiết kiệm và thảo luận các nội dung như trồng trọt, bình đẳng giới. Tuy khiêm tốn nhưng quỹ chung của nhóm giúp nhiều thành viên trong lúc họ gặp khó khăn.

“Vào nhóm tôi thấy rất vui, được va chạm tiếp xúc với chị em, tích cóp được đồng nào cuối năm chia hết đồng ấy nên ai cũng phấn khởi. Nếu bỏ vào con lợn nhựa thì có lúc mình cũng lấy ra thôi, còn đây bỏ vào két sắt, yên tâm hơn.”

Bà Hà Thị Quỵ

Bà Quỵ cho biết, đa số 23 thành viên đều vay của nhóm, người thì mua giống chăn nuôi, người thì thuê phát rẫy. Ông bà cũng đã 4 lần “vay nóng” của VSLA để có tiền gửi cho con gái lớn đi học đại học.

“Tiền của mình đóng góp, ai cũng được vay, vay dễ trả dễ, chị em tạo điều kiện cho nhau nên tôi thấy thoải mái lắm. Có những lúc bí, đi vay 1 triệu cũng ngại, bà con quanh đây có đâu”.

Bà Hà Thị Quỵ

Thuận vợ thuận chồng

Sau khi bà tham gia Nhóm được một năm thì ông Hải cũng gia nhập. Từ đó đến nay, ông đều lấy xe máy chở bà mỗi khi đi họp. Qua những hoạt động chung với nhóm, hai ông bà càng hiểu nhau hơn. Bà cũng tự quyết nhiều hơn các việc trong gia đình.

“Trong nhà, mua giống lúa gì, trồng mấy loại nếp, nuôi bao nhiêu gà lợn thì tôi quyết. Hay là khi mua sắm gì thì ông Hải cũng hỏi ý kiến tôi, rồi hai vợ chồng bàn bạc, lắng nghe nhau” – bà Quỵ kể trong khi ông Hải giúp bà nấu cơm trưa và trò chuyện với con gái.

“Các đấng mày râu chúng tôi là người dân tộc [[minority]] nhưng rất ủng hộ vợ tham gia các hoạt động của dự án CARE, để chị em được nâng cao năng lực, biết tính toán, về lại hỗ trợ cho chồng trong việc gia đình, tăng tính tự chủ của chị em.”

Ông Lý Hồng Hải

Năm đầu tham gia dự án (2017), bà Quỵ tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng tiền cổ phần. Năm sau cao hơn vì cả hai ông bà đều đóng góp. Những hoạt động cùng lợi ích thiết thực của nhóm VSLA khiến bà thấy mình có động lực, bà bảo sẽ phấn đấu năm sau nuôi được nhiều gà hơn, bán được nhiều thịt nhiều trứng hơn năm trước để có tiền mua cổ phần.

“Tôi sẽ cố làm để góp tiền lo cho con, cho chúng nó được học hành thành đạt.” – bà Quỵ nói.

Ông Hải và bà Quỵ tại ngôi nhà của mình. Ảnh: Đỗ Trường Sơn/CARE