Thông qua sáng kiến thử nghiệm Gắn Kết, CARE hướng tới giúp các cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia chủ động và hiệu quả vào giám sát tác động của thủy điện đến cuộc sống và triển khai chính sách liên quan.
Bối cảnh
Nhiều hệ lụy đáng tiếc đã xảy ra khi thiếu sự tham gia của người dân vào quá trình giám sát chương trình, chính sách của nhà nước, hoặc khi chất lượng tham gia không như mong muốn. Từ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách, nguyên nhân thường được cho là do năng lực của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ quan nhà nước. Từ quan điểm của cộng đồng, một trong các lý do đáng kể là họ khó tiếp cận đến các chính sách và không có một cơ chế hiệu quả cho phép họ phản hồi ý kiến.
Riêng trong lĩnh vực thủy điện, việc thiếu một kênh phản hồi hiệu quả giữa người dân và các cơ quan hoạch định chính sách, nhà đầu tư về tác động do việc vận hành thủy điện gây ra cho cộng đồng tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, những tác động này tiếp tục ảnh hưởng cuộc sống của người dân trên các mặt sinh kế, xã hội, môi trường, triển khai chính sách-pháp luật liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Một mặt, điều này khiến các nhà hoạch định chính sách khó có thể nắm bắt sớm tác động đa chiều của việc vận hành thủy điện đến cuộc sống của người dân. Mặt khác, nó gây chậm trễ trong việc khắc phục các hệ lụy không mong muốn của thủy điện, tiềm ẩn nguy cơ mâu thuẫn kéo dài dẫn đến bất ổn kinh tế-xã hội.
Mục tiêu sáng kiến Gắn Kết
Thông qua việc xây dựng năng lực tự phát hiện vấn đề và sử dụng công nghệ thông tin, cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Sơn La, Bắc Kạn, Đắk Lắk có thể tham gia một cách chủ động và hiệu quả vào giám sát tác động của thủy điện đến sinh kế, môi trường, văn hóa–xã hội và triển khai chính sách, pháp luật liên quan.
Các kết quả chính
- 01 khung giám tác động gồm 15 chỉ số mô tả các tác động dài hạn mang tính toàn diện, chia ra làm 50 chỉ số đo lường cụ thể, thuộc 4 lĩnh vực bao gồm sinh kế, môi trường, văn hóa-xã hội và thực tiễn thực hiện 01 chính sách-pháp luật liên quan
- 01 ứng dụng trên điện thoại di động dựa trên hệ điều hành android cho phép người dân trực tiếp đánh giá tác động của thủy điện tại cấp cộng đồng
- 01 phần mềm xử lý và phân tích thông tin về tác động của thủy điện cho phép người dùng có thể trích xuất thông tin dưới dạng báo cáo phân tích mô tả
- 01 tài liệu xây dựng năng lực cho người lớn theo phương pháp tự trải nghiệm với người đồng hành
- 01 tài liệu cây dựng năng lực tự phát hiện vấn đề thông qua nghiên cứu hành động có sự tham gia với các công cụ trực quan được đề xuất
- 25 nghiên cứu viên cộng đồng (13 nữ) ở 3 tỉnh được xây dựng năng lực nghiên cứu và tự phát hiện vấn đề theo phương pháp tự trải nghiệm với người đồng hành
- 412 hộ – đại diện cho gần 20.900 hộ gia đình đang sinh sống trực tiếp tại thượng nguồn, hạ lưu và vùng lòng hồ nơi nhà máy thủy điện vận hành – tham gia cung cấp thông tin về tác động của thủy điện
- 05 vòng giám sát cộng đồng, dựa vào ứng dụng cho điện thoại thông minh, tại thủy điện Sơn La quy mô lớn – công suất 2.400 MW; thủy điện quy mô vừa Serepok 4A (64 MW tại Đắk Lắk); và thủy điện quy mô nhỏ Tà Loòng (4,5MW tại Bắc Kạn)
Cách tiếp cận của sáng kiến Gắn Kết
Nghiên cứu hành động có sự tham gia: Sử dụng phương pháp học viên tự trải nghiệm và cùng đồng hành để xây dựng cho đại diện cộng đồng năng lực tự tìm hiểu, phát hiện vấn đề, tìm và thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát triển trong cộng đồng.
Thúc đẩy tiến trình dân chủ trong kiểm soát và quản lý tác động của thủy điện tại cơ sở thông qua tích hợp công nghệ thông tin trong giám sát thực hiện chính sách, giúp cộng đồng chủ động theo dõi và phản hồi về tác động của thủy điện đến mọi mặt đời sống.
Đối tượng tham gia sáng kiến Gắn Kết
>400 hộ dân người Ê-đê, Thái, Nùng, Tày, H’Mông, M’Nông
Địa điểm
23 thôn bản thuộc 9 xã thuộc:
- Sơn La: Các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Quỳnh Nhai
- Đắk Lắk: Huyện Buôn Đôn
- Bắc Kạn: Huyện Ba Bể
Thời gian
10/2018 -12/2019
Nhà tài trợ