Hà Giang, ngày 15 tháng 3 năm 2023. CARE Quốc tế tại Việt Nam cùng với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, các cơ quan quản lý dự án AWEEV từ Hà Giang và Lai Châu, đồng tổ chức sự kiện chia sẻ những thành tựu và bài học kinh nghiệm của dự án trong việc hỗ trợ giải quyết gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công (CVCSKĐTC) trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.

công việc chăm sóc không được trả công

Tham dự sự kiện có đại diện Bộ Các Vấn đề Toàn cầu Canada, ông Graham Dattels, Giám đốc vụ Đông Nam Á II và ông Brian Allemekinders, Trưởng ban Hợp tác, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, bà Lê Kim Dung, Giám đốc của CARE Quốc tế tại Việt Nam cùng các đối tác và nhân viên thực hiện dự án.

Công việc chăm sóc là hoạt động thiết yếu với cuộc sống của con người và tăng trưởng kinh tế bền vững. Nhưng trên khắp thế giới, công việc chăm sóc thường bị đánh giá thấp và mang tính phân biệt giới cao. Sự phân bổ theo giới của công việc chăm sóc không được trả công cũng khác nhau tùy theo hộ gia đình và cộng đồng, trong đó các yếu tố như tôn giáo, văn hóa và mức thu nhập có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái, những người phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử đan xen nhiều nhất. Khi không có phụ nữ trong độ tuổi lao động chăm sóc, gia đình thường giao cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ lớn tuổi đảm nhận vai trò này.

Một nghiên cứu của CARE tại các cộng đồng dân tộc thiểu số vào năm 2021 cho thấy phụ nữ dân tộc thiểu số phải dành khoảng 5 giờ mỗi ngày cho CVCSKĐTC, gần gấp đôi so với nam giới.

Ba nhóm CVCSKĐTC chiếm nhiều thời gian nhất bao gồm các hoạt động chăm sóc sức khỏe trực tiếp như chăm sóc trẻ em, người già, người bệnh, người tàn tật (30,3%), nấu ăn và dọn dẹp sau bữa ăn (19,1%) và kiếm củi (13,2 %). Bên cạnh đó, đối với những hộ gia đình làm nghề chăn nuôi, thời gian dành cho việc chuẩn bị thức ăn cho vật nuôi cũng chiếm một khoảng không nhỏ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gánh nặng CVCSKĐTC nặng nề và bất bình đẳng đã ngăn cản nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động kiếm được công việc xứng đáng.

Ông Graham Dattels, Giám đốc vụ Đông Nam Á II, Bộ Các Vấn đề Toàn cầu Canada cho biết: “Nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải giải quyết trách nhiệm nặng nề và không cân xứng của phụ nữ và trẻ em gái đối với công việc chăm sóc cũng như điều kiện làm việc không đảm bảo của nhân viên chăm sóc, Chính phủ Canada đang phát triển chương trình hỗ trợ giảm gánh nặng CVCSKĐTC và cải thiện điều kiện làm việc của các nhóm lao động này. Cách tiếp cận này dựa trên Chính sách hỗ trợ quốc tế về nữ quyền của Canada. Chính sách này coi hỗ trợ bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là cách tốt nhất để xây dựng một thế giới hòa bình hơn, toàn diện hơn và thịnh vượng hơn.”

AWEEV thiết kế các biện pháp can thiệp của dự án theo cách tiếp cận 3R – Nhận biết, Giảm thiểu và Tái phan bổ. Triển khai tại Lai Châu và Hà Giang trong 18 tháng vừa qua, dự án đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ:

  • 14 điểm trường mầm non được cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm nhà bếp, khu ngủ tập thể và nhà vệ sinh, hỗ trợ cung cấp bữa ăn tạo điều kiện cho gần 1.000 trẻ được học cả ngày tại trường.
  • 1070 máy thái rau củ được cung cấp cho các hộ gia đình để giúp cắt giảm thời gian chuẩn bị thức ăn chăn nuôi – một trong những công việc tốn nhiều thời gian nhất của họ. Nhờ đó, phụ nữ đã tiết kiệm được nhiều thời gian để tham gia các hoạt động sinh kế tạo thu nhập và chăm sóc bản thân.
  • 5023 người (3286 nữ, 1737 nam) tham gia 41 sự kiện cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết về công việc nội trợ và chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình.

“Với quan điểm rằng các hoạt động chăm sóc có liên quan mật thiết đến tất cả các lĩnh vực trao quyền kinh tế cho phụ nữ, CARE đang áp dụng một cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết các khó khăn liên quan một cách hiệu quả. Thông qua các chương trình dự án, CARE hỗ trợ giảm bớt gánh nặng CVCSKĐTC trên vai phụ nữ và tăng cường sự tham gia của họ hoạt động kinh tế, giáo dục và các hoạt động giải trí phù hợp với lựa chọn của họ. Chúng tôi tin rằng bằng cách giải quyết những nhu cầu này, phụ nữ sẽ có thể tham gia các hoạt động tạo thu nhập nhằm nâng cao phúc lợi kinh tế và chất lượng cuộc sống của họ và gia đình, từ đó giúp giảm nghèo cho phụ nữ dân tộc thiểu số và gia đình.” Bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết.

Những hoạt động hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng CVCSKĐTC đã mang lại một số thay đổi tích cực:

– Phụ nữ giảm 17% thời gian dành cho CVCSKĐTC, trong khi nam giới tăng 16% thời gian dành cho các hoạt động chăm sóc

– Thời gian làm các hoạt động sinh kế tạo thu nhập của phụ nữ tăng 35% so với số liệu khảo sát năm 2021

“AWEEV cho thấy hiệu quả thông qua việc thực hiện nhiều biện pháp can thiệp, giải quyết nhu cầu của những người tham gia dự án tại địa phương và góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ. Chúng tôi làm việc với chính quyền địa phương để xem xét các yếu tố liên quan đến giới trong việc lập kế hoạch và thực hiện các quyết định và chính sách có tác động đến sự phát triển kinh tế và xã hội của cộng đồng địa phương”, bà Dung cho biết thêm.

Vui lòng đọc toàn văn thông cáo báo chị tại đây.