Hà Nội, 28-2-2019 – Phụ nữ đóng vai trò ngày một quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy định kiến về vai trò và năng lực của nam giới và phụ nữ có xu hướng giảm nhẹ so với trước đây, song những rào cản về nhận thức, tư tưởng và chính sách vẫn tiếp tục bộc lộ và mang lại những cản trở phi lý đối với phụ nữ trong cuộc sống và sự nghiệp. Đặc biệt, bất bình đẳng giới trong môi trường làm việc vẫn chưa được nhận diện đầy đủ, khiến không chỉ cá nhân người lao động chịu thiệt thòi mà còn gây bất lợi đến năng suất và hiệu quả chung của cả tổ chức, doanh nghiệp nơi xảy ra bất bình đẳng giới.

Để góp phần nâng cao hiểu biết và thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là người lao động, đến vấn đề quan trọng này, Tổ chức CARE Quốc tế cùng Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD – đồng hành về chuyên môn phim và Tuva Communications – đồng hành về truyền thông – phát động cuộc thi làm phim 8 tiếng trọn vẹn với mong muốn sao cho mỗi người lao động đều có 8 tiếng trọn vẹn với ý nghĩa là được làm việc ở môi trường an toàn, văn minh và được ghi nhận xứng đáng. Với sự hỗ trợ tài chính của sáng kiến Investing in Women (Đầu tư vào Phụ nữ) – thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, CARE sẽ trao tổng giá trị giải thưởng lên đến 150 triệu đồng cho các giải sau:

  • 01 Giải phim tài liệu xuất sắc nhất: 50 triệu đồng
  • 01 Giải phim truyện xuất sắc nhất: 50 triệu đồng
  • 01 Giải phim truyền tải thông điệp xuất sắc: 30 triệu đồng
  • 01 Giải do khán giả bình chọn: 20 triệu đồng

Bốn nhóm chủ đề hợp lệ trong cuộc thi bao gồm:

  • Định kiến về vai trò của phụ nữ-nam giới trong việc chăm sóc con cái: Khuôn mẫu xã hội truyền thống vẫn luôn cho rằng việc kế hoạch hóa gia đình, nội trợ, chăm sóc con cái là việc của phụ nữ. Pháp luật về lao động cũng vô hình trung củng cố định kiến này khi cho phép lao động nữ nghỉ phép thực hiện biện pháp tránh thai, chăm sóc con nhỏ ốm đau hay nhận con nuôi, mà không tạo điều kiện tương tự với lao động nam;
  • Định kiến về thời gian làm việc của nam và nữ: Trong khi cả nam giới và phụ nữ đều kết thúc quá trình học tập và bắt đầu sự nghiệp ở cùng một đội tuổi, việc quy định tuổi nghỉ hưu chênh lệch 5 năm giữa nam và nữ đồng nghĩa với việc rút ngắn thời gian làm việc và phấn đấu của phụ nữ, giảm cơ hội thăng tiến và thu nhập của họ. Rất nhiều người phụ nữ có mong muốn tiếp tục lao động, cống hiến kể cả khi đã bước vào tuổi nghỉ hưu theo luật định. Ngược lại, nhiều người khác muốn được nghỉ hưu sớm hơn. Quy định cứng nhắc về tuổi nghỉ hưu hiện nay đang mang tính cào bằng và phần nào củng cố định kiến về khả năng cống hiến của phụ nữ so với nam giới.
  • Quấy rối tình dục: Trong môi trường làm việc, nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về các hành vi quấy rối tình dục và hậu quả của nó. Rất nhiều hành vi mang tính xúc phạm và quấy rối vẫn được coi là ‘bình thường’. Trong khi đó, quấy rối tình dục thật sự gây tổn hại nghiêm trọng về tinh thần và năng suất làm việc cho người bị quấy rối; đồng thời ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, sản xuất, và môi trường làm việc nói chung.
  • Trả lương công bằng: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ở Việt Nam, phụ nữ được trả lương thấp hơn hẳn nam giới dù làm công việc có giá trị ngang nhau. Mức lương trung bình của lao động nam là 5.715.000đ và của lao động nữ là 5.225.000đ (trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế chính thức). Điều này có nghĩa là so với nam giới, mỗi năm, người phụ nữ “làm việc không công” trong một tháng. Khi phụ nữ được trả lương ngang bằng với nam giới, điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn về thuế lẫn tiêu dùng cho Việt Nam (theo khảo sát về lực lượng lao động năm 2017 của Tổng cục thống kê).

Thời gian nhận tác phẩm dự thi là từ 15/03/2019 – 10/04/2019 và mọi thông tin về thể lệ, các mốc thời gian chính, các hội thảo tìm hiểu về 4 nhóm chủ đề,… sẽ được cập nhật tại: https://www.facebook.com/8tiengtronven/

Cuộc thi này là một trong những nỗ lực đóng góp vào quá trình nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong môi trường làm việc nói chung và thúc đẩy sự tiến bộ của Bộ Luật Lao động (sửa đổi) nói riêng do các tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Oxfam tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), và Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đồng triển khai với sự tài trợ của sáng kiến Investing in Women của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia.

Thông tin thêm về cuộc thi, theo dõi:

https://www.facebook.com/8tiengtronven/

hoặc liên hệ:

Vũ Thị Hương Giang

Cán bộ truyền thông Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam (vuthihuong.giang@care.org.vn; 0902141200)

Về CARE Quốc tế tại Việt Nam

CARE là tổ chức phát triển và nhân đạo hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chống đói nghèo và bất công xã hội. Tại Việt Nam, CARE tập trung hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, thông qua giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo và bất công xã hội. CARE có quan hệ rộng khắp với các cộng đồng, chính quyền trung ương và địa phương, các công ty, tổ chức trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, CARE vẫn tiếp tục các hoạt động cứu trợ khẩn cấp như thiên tai và dịch bệnh. Cho đến nay, CARE đã triển khai hơn 300 dự án ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước.

Website: www.care.org.vn

Facebook: https://www.facebook.com/CAREinVietnam/