Thay đổi cách làm dẫn đến cải thiện cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở Kon Tum.

Cuối năm 2019, các chị sẽ thu hoạch lứa sâm dây đầu tiên. Ảnh: CARE

Sự ra đời của nhóm phụ nữ thôn Đắk Viên

Trên những triền núi bao quanh thôn Đắk Viên, vườn sâm dây của các chị Y Hiền, Y Sinh, Y Biu, Y Tý đang lên xanh mướt. Cuối năm 2019, các chị sẽ thu hoạch lứa đầu tiên, mang lại nguồn thu nhập mới cho gia đình.

Thôn Đắk Viên thuộc xã miền núi Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Nằm biệt lập giữa núi rừng bao la, với đa số dân thuộc dân tộc Xê Đăng, Tu Mơ Rông là một trong những huyện nghèo nhất cả nước.

Với sự giúp đỡ của CARE và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Kon Tum, nhóm sâm dây của thôn ra đời từ tháng 3/2019 gồm 21 thành viên. Trong năm đầu tiên, dự án P4EM hỗ trợ vốn cho 10 hộ, mỗi hộ 5 triệu đồng. Vốn này sẽ được sử dụng vào việc đầu tư cho vườn sâm dây, sau đó quay vòng cho 10 chị em khác trong năm tiếp theo bằng cây sâm giống. Khoản vay ban đầu này không nhỏ ở một thôn nơi thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 10 triệu đồng mỗi năm, và vẫn còn tới hơn chục hộ trong số 92 hộ còn chưa có ti-vi.

Kon Tum là nơi có đặc sản sâm Ngọc Linh nổi tiếng nhưng rất khó trồng và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Sâm dây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với khí hậu ở Kon Tum cũng như điều kiện kinh tế và năng lực của chị em phụ nữ nghèo, lại nhanh được thu và dễ bán. Điểm yếu của mặt hàng này là giá cả không ổn định.

Các thành viên thường xuyên gặp mặt để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Ảnh: CARE

Nhóm lập nên một bảng kế hoạch hoạt động treo trong nhà rông của thôn. Kế hoạch nêu rõ từng mốc thời gian làm cỏ, trồng sâm, thu hoạch, khi nào hộ tiếp theo chuẩn bị đất, nhận sâm giống,… Qua các buổi họp định kỳ, các thành viên được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn tìm thị trường, cách hạch toán thu chi.

“Chị em thống nhất với nhau giống sâm phải là giống bản địa, mua của nhau trong xã thôi, nếu là giống nơi khác mang đến có thể chất lượng không tốt.”
Chị Y Pót – trưởng nhóm, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đắk Viên

 

Thật mừng vì sau vài tháng trồng, có nhà đã bán được lá sâm cho các nhà hàng với giá 50.000 đồng/kg. Với củ sâm, các chị dự kiến sẽ bán 150.000 – 200.000 đồng/kg. Nhóm đã thỏa thuận với nhau làm sao đến năm 2022, nhà nào cũng phải có 2 sào sâm, thu hoạch mỗi hộ 50 triệu đồng, từ đó còn chia sẻ kinh nghiệm cho thôn khác.

Giờ đây, mối bận tâm lớn nhất của các chị là làm sao chế biến sâm dây thành sản phẩm đa dạng và có đầu ra ổn định cho cây sâm dây.

Nâng cao năng lực quản lý để phát triển bền vững

Cùng với việc trồng sâm dây, nhóm duy trì hoạt động tiết kiệm tự quản. Số tiền tiết kiệm được sẽ cho các thành viên vay với sự đồng ý của cả nhóm. Chỉ từ tháng 3 đến tháng 11/2019, nhóm đã tiết kiệm được 18 triệu đồng và cho 3 thành viên vay. Người vay để mua sâm dây giống, người để sửa nhà. Đặc biệt, có chị Y Thảo vay để đi học lớp giáo dục mầm non. Nhìn thấy hiệu quả, nhiều chị em khác trong thôn cũng muốn vào nhóm.

Nhóm tự điều hành, quản lý một nhóm tiết kiệm và cho vay của riêng mình. Ảnh: CARE

Chị Trần Thị Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum cho biết, khi tỉnh được quy hoạch là vùng trồng dược liệu, ngay từ 2013, Hội đã vận động chị em trồng sâm dây. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu cách làm phù hợp, nên việc thực hiện rất khó khăn. Theo đánh giá của chị, việc gắn các mục tiêu như bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu, … vào cách làm như dự án P4EM đều rất phù hợp với hoạt động của Hội.

Dự án Tăng cường quan hệ Đối tác vì sự Phát triển Công bằng và Toàn diện của Cộng đồng các Dân tộc Thiểu số (P4EM) do tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Ban Dân tộc các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Trà Vinh và Kon Tum triển khai. Dự án được Cơ quan Viện trợ Ireland hỗ trợ tài chính và kéo dài từ năm 2017 đến năm 2021.