Chị Phạm Thị Hậu, 36 tuổi, sinh ra tại một làng quê nghèo tỉnh Hải Dương. Chị mất bố từ khi còn nhỏ và phải lên Hà Nội kiếm sống để có tiền đi học từ khi mới 10 tuổi. Chị lập gia đình năm 24 tuổi và có một con gái. Không lâu sau, chồng chị qua đời, để lại chị Hậu một mình nuôi con.

Chị Hậu hiện đang kiếm sống bằng nghề bán tăm cho Hội người Khuyết tật Việt Nam. Chị phải đi bộ hơn 20 km mỗi ngày để bán tăm, chị làm việc quần quật chỉ để đảm bảo mức sống tối thiểu cho gia đình. Bởi vậy mà chị chẳng mấy khi được dành thời gian bên cô con gái 12 tuổi của mình. Dù cuộc đời chị còn nhiều khó khăn nhưng chị vẫn cần cù làm việc để đảm bảo cho con có một cuộc sống tốt hơn.

Con gái chị hiểu chị phải làm việc vất vả nhưng em vẫn mong tới lúc hai mẹ con được ở bên nhau.

“Em sợ những lúc phải ở nhà một mình đợi mẹ về hoặc phải về quê ở với ông bà để mẹ đi làm. Em biết mẹ phải làm việc vất vả để nuôi nấng em nên em thương mẹ nhiều lắm”, con gái chị chia sẻ.

“Em thích nói chuyện với mẹ, nhưng em không kể với mẹ rằng em muốn có cả bố lẫn mẹ ở bên vì em sợ mẹ sẽ buồn”.

Gần đây, chị Hậu đã tham gia vào chương trình P.A.C.E do CARE Quốc tế tại Việt Nam và Viện Ánh Sáng LIGHT, một tổ chức phát triển tại Hà Nội thực hiện. Chương trình đã giúp chị Hậu học được những kỹ năng sống hữu ích, nhờ đó mà chị cũng trở nên tự tin hơn. Ban đầu, chị còn chần chừ trong việc dành thời gian tham gia vào chương trình. Tuy nhiên, chị Hậu cho biết, chị càng tham gia thì càng thấy được những lợi ích mà chương trình mang lại.

Trong những buổi tập huấn P.A.C.E., chị Hậu tiếp thu rất nhanh. Chị đã được chọn làm giảng viên đồng đẳng để tiếp tục tập huấn và hướng dẫn cho những chị em có cùng hoàn cảnh. Chị làm việc với 11 nữ công nhân di cư và chia sẻ những gì mình đã học được từ chương trình với họ.

Hơn nữa, sau khi chia sẻ những gì được học với con gái, chị Hậu cho biết những kỹ năng hữu ích và thiết thực mà chị tích lũy được nhờ tham gia vào chương trình đã tiếp thêm sức mạnh cho hai mẹ con, giúp cho cuộc đời của chị và con gái chị dần được cải thiện. Chị Hậu nhận thấy con gái mình đã trở nên cởi mở và tự tin hơn. Giờ đây em vui vẻ kể cho mẹ nghe những câu chuyện ở trường học. Nghe con gái kể về những điểm tốt mà con nhận được ở trường, chị Hậu tự tin hơn vào tương lai của gia đình mình.

“Chị chỉ muốn con gái mình học giỏi và có một công việc tốt. Kể cả chị có phải làm việc vất vả hơn, chị vẫn sẽ cố hết sức để con mình có một tương lai tươi sáng”, chị Hậu chia sẻ.

Chị Hậu là người phụ nữ đã không gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Nhưng tất cả những điều tốt đẹp đến từ cộng đồng, và đặc biệt là từ dự án P.A.C.E, đã giúp chị nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình, và quan trọng hơn, đã giúp chị thêm tin tưởng hơn vào tương lai.

Tập đoàn GAP đã hợp tác với CARE Quốc tế tại Việt Nam để thực hiện sáng kiến Nâng cao Cơ hội Thăng tiến Bản thân và Nghề nghiệp (P.A.C.E) trong giai đoạn 2005-2015. Sáng kiến nhằm mục tiêu giúp đỡ nữ công nhân phát huy được tiềm năng của mình thông qua việc hỗ trợ họ phát triển các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sống. Chương trình được chia thành hai giai đoạn và bao gồm các học phần như quản lý tài chính cá nhân, kỹ năng giao tiếp, sức khỏe và bình đẳng giới. Đây là cơ hội giúp nữ công nhân được xây dựng năng lực để từ đó có thể đảm nhiệm những vị trí quản lý hay lãnh đạo ở nhà máy và giúp vị thế của họ trong gia đình và cộng đồng được nâng cao hơn nữa.


Giới thiệu về CARE tại Việt Nam

Chúng tôi đảm bảo thay đổi lâu dài và tích cực cho các nhóm yếu thế, đặc biệt là phụ nữ.

Cứu trợ khẩn cấp

Chúng tôi làm việc với các cộng đồng bị thiên tai ảnh hưởng tại Việt Nam để giảm thiểu rủi ro với thiên tai trong dài.

Ấn phẩm

CARE Quốc tế tại Việt Nam có các ấn phẩm giới thiệu về các hoạt động và kết quả nghiên cứu của chúng tôi tại Việt Nam.

Cơ hội làm việc

Hãy tìm hiểu các cơ hội công việc để tham gia vào đội ngũ của CARE tại Việt Nam hoặc hợp tác với chúng tôi.