1. Liên kết để vượt nghèo

Đàn gà ri của gia đình chị Bùi Thị Nhiến ở xóm Thượng Tiến, xã Thượng Tiến, huyện Kim Bôi có hơn 100 con, được nuôi bán chăn thả trên những sườn đồi quanh nhà.

Chị Bùi Thị Nhiến và chồng Bùi Văn Bảy. Ảnh: CARE

Từ giữa 2019, chị cùng 10 gia đình khác trong làng được hỗ trợ, mỗi hộ nhận 120 con gà giống từ dự án P4EM. Chị cho biết, khi bắt đầu họp nhóm nuôi gà, cả nhóm đã cùng nhau họp và bàn bạc các vấn đề có liên quan trong việc chăn nuôi gà của nhóm. Các hộ gia đình thấy tốt nhất là không mua gà giống từ nơi khác mà phải lựa chọn đúng giống gà ri bản địa mới thích hợp với vùng đất trung du này, và sau này mới được ưa chuộng trên thị trường vì thịt ngon.

“Gà giống lần này rất tốt. Từ giờ đến Tết chắc chắn sẽ được giá. Nhưng tôi chỉ bán gà trống, gà mái tôi giữ lại để tái đàn. Các hộ tham gia đều đã cam kết tái đàn để phát triển kinh tế.” – chị Nhiến nói.

Việc cùng bàn, cùng làm đã giúp các hộ trong nhóm học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong việc nuôi gà. Các gia đình cũng gắn bó đoàn kết hơn, lúc cần thì cho nhau vay thuốc cho gà, tiêm gà giúp nhau. Khi lúng túng vì có gà con chết do thức ăn chưa phù hợp, bị ướt do nước mưa lớn tràn vào chuồng, nhóm không chỉ chia sẻ kinh nghiệm mà còn được dự án hướng dẫn cách xử lý. Nhờ thế, đàn gà vẫn phát triển tốt với tỷ lệ sống đạt 90%. Dự kiến đến tết này mỗi gia đình cũng có được khoản thu kha khá từ việc bán gà.

Theo ông Bùi Văn Thụ, Phó Chủ tịch xã Thượng Tiến, cách làm của nhóm nuôi gà đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các mô hình hỗ trợ thông qua tổ nhóm. “Các thành viên trong nhóm có cơ hội thảo luận và đưa ra quyết định cho các vấn đề của họ. Các chương trình chính sách của địa phương sẽ học tập và áp dụng các bài học này từ mô hình của dự án để triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng hiệu quả hơn.” – ông Thụ nói.

2. Dân tự xây đường

Việc áp dụng tri thức, nguồn lực địa phương và nhất là cơ chế phân cấp trao quyền để phát huy quyền tự chủ của người dân cũng được đề cao trong mô hình sửa chữa duy tu các công trình cơ sở hạ tầng mà dự án P4EM đang thực hiện ở xã Thượng Tiến. Quá trình sửa chữa hơn 500m kênh mương ở xóm Lươn và làm mới hoàn toàn 150m đường đi ở xóm Thượng Tiến hoàn toàn là quyết định của người dân, do dân địa phương đóng góp ngày công.

“Khi triển khai dự án P4EM, mục đích đầu tiên là hướng tới trao quyền cho người dân và cộng đồng.” – ông Nguyễn Minh Tiến, Phó phòng Tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết.

“Bao nhiêu tiền đều đổ vào đó hết, không có sự thất thoát nào.”

Ông Bùi Văn Thụ

Để làm con đường nhánh trong xóm Thượng Tiến, người dân không chỉ đóng góp ngày công, mà còn góp tiền thuê máy trộn bê tông để nâng cao chất lượng đường thay vì trộn tay như trước. Bà con cũng thay nhau giám sát việc làm đường, mọi thông tin đều được thông báo trên loa hoặc các cuộc họp xóm. Ông Thụ đúc kết: “Nếu không có sự công khai đó mà cứ áp đặt theo chủ trương thì khó. Còn nếu huy động bà con, họ sẵn sàng đóng góp dù có nhiều hộ không đi qua con đường đó”.

Anh Bùi Văn Long trên con đường do chính mình và bà con trong xóm xây dựng. Ảnh: CARE

Anh Bùi Văn Long ở xóm Thượng Tiến cho biết, chỉ với 50 triệu đồng, bà con làm được 150m đường rộng 3m, dày 25cm; trong khi cũng với số tiền đó, các dự án khác có thể chỉ làm được 40 – 60m. Anh tin rằng, với cơ chế trao quyền như thế này, người dân có thể làm rất tốt các công trình trong xóm.

Chị Bùi Thị Lộc đóng góp ngày công để sửa mương. Ảnh: CARE

Bên xóm Lươn, cũng với 50 triệu đồng, 560m chiều dài của con mương chủ lực chạy qua địa hình phức tạp đã được sửa xong trong 10 ngày. Xóm còn tận dụng để gia cố thêm 50m đáy, đủ nước sản xuất cho mọi hộ dân trong xóm, không còn cảnh hộ cuối nguồn thiếu nước khi hộ đầu nguồn lấy nữa. “Bà con làm đảm bảo rất kỹ, công trình xong khẳng định sẽ chắc và bền” – anh Đinh Công Sỹ, Trưởng xóm Lươn nói.

Phó Chủ tịch Xã Thượng Tiến – ông Bùi Văn Thụ cho rằng, dự án P4EM hỗ trợ triển khai các sáng kiến cộng đồng về sinh kế và xây dựng bảo dưỡng hạ tầng nông thôn ở đây đã thúc đẩy được tính tự chủ của cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện và giám sát. Đây là bài học kinh nghiệm cho các xã khó khăn khác có thể áp dụng triển khai. “Làm theo cách này thì đúng là nguyện vọng của bà con. Bà con rất đồng thuận, việc gì cũng phải được bà con ủng hộ thì mới làm được” – ông nói.

Anh Đinh Công Sỹ bên chiếc mương dẫn nước đến các thửa ruộng. Trước đây, chỉ thửa trên mới có nước. Ảnh: CARE

Dự án Tăng cường quan hệ Đối tác vì sự Phát triển Công bằng và Toàn diện của Cộng đồng các Dân tộc Thiểu số (P4EM) do tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Ban Dân tộc các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Trà Vinh và Kon Tum triển khai. Dự án được Cơ quan Viện trợ Ireland hỗ trợ tài chính và kéo dài từ năm 2017 đến năm 2021.