Điện Biên, ngày 28 tháng 08 năm 2018 – Hôm nay, Hội thảo Tăng cường thông tin thích ứng khí hậu tại Việt Nam (InfoAct) do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ) tài trợ chính thức được khởi động tại 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Việt Nam là một trong những đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và thiên tai, vì vậy, việc tăng cường khả năng thích ứng của người dân đối với biến đổi khí hậu là điều vô cùng cần thiết và quan trọng.
Tuy nhiên, do thiếu năng lực, công cụ và kiến thức để tiếp cận, học hỏi thông tin và phục hồi những rủi ro do khí hậu và thiên tai gây ra nên người nông dân, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số nghèo ở khu vực vùng sâu vùng xa càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Từ đó, thông qua dự án InfoAct, tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam mong muốn có thể góp phần tăng cường sinh kế và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu của người dân tộc thiểu số nhờ cải thiện việc tiếp cận và sử dụng thông tin khí hậu cùng các nguồn lực khác như bảo hiểm cho người dân.
Dựa trên cơ sở, kinh nghiệm và những thành công từ dự án trước đó – Dự án Dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp cho phụ nữ và nông dân người dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á (ACIS), dự án InfoAct được đông đảo đại biểu ủng hộ.
Tại hội thảo, cán bộ của xã Tân Uyên thắc mắc về căn cứ lập các bản tin khuyến cáo cho người dân. Chị Vương Thị Xuân – Cán bộ trạm khuyến nông, người từng tham gia dự án ACIS – chia sẻ: “Các bản tin khuyến nông được sản xuất dựa trên thông tin dự báo thời tiết tại các tiểu vùng khí hậu và ngoài ra, chúng tôi cũng dựa vào những kinh nghiệm trong việc sản xuất, chăn nuôi để đưa ra những khuyến cáo cho người dân. Ví dụ, bên đài khí tượng dự báo sẽ mưa liên tiếp 3 ngày, chúng tôi sẽ gửi thông báo cho bà con không bón phân cho cây trồng.”
Một cán bộ từ Lai Châu lại lo lắng liệu tỷ lệ người dân biết chữ ít ạnh hưởng thế nào đến khả năng đọc hiểu các bản tin. Ông Lê Xuân Hiếu, quản lý dự án của CARE cho biết: “Trong dự án InfoAct, chúng tôi áp dụng các biện pháp khác nhau đối với từng khu vực dân cư, việc tuyên truyền các bản tin, các khuyến cáo cho người dân bằng các cách như: truyền qua các loa, đài, điện thoại, tin nhắn thoại,….”
Dự án InfoAct sẽ hỗ trợ thành lập ít nhất 200 Nhóm Cổ phần Tài chính tự quản (còn gọi là VSLA theo tên viết tắt tiếng Anh – Village Savings and Loan Association) với khoảng 5.000 thành viên là phụ nữ – những người sẽ trực tiếp sản xuất và áp dụng các bản tin khí hậu thời tiết với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương. Khoảng 2.000 phụ nữ sẽ được tham gia mô hình bảo hiểm thí điểm. Các đối tác cùng triển khai dự án này với CARE gồm Trung tâm Phát triển Cộng đồng tỉnh Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hội Phụ nữ Lai Châu.