Brian Doolan, nguyên Giám đốc Quốc gia
Tôi đến Việt Nam vào giữa năm 1995 để đảm nhận vị trí Giám đốc CARE Quốc tế tại Việt Nam (CVN). Khi ấy tôi không hề biết mình sẽ giữ vai trò này đến tận năm 2002 (với một đợt gián đoạn năm 1999).
Rất nhanh chóng, tôi được biết là ở miền núi phía bắc, một số người dân phải ăn vỏ cây cho qua mùa đông, rằng nhiều người vẫn coi HIV/AIDS là vấn đề của người nước ngoài và người làm nghề mại dâm chứ không phải của người Việt Nam nói chung, và rằng với chính sách Đổi Mới, đất nước đang tìm cách hội nhập với kinh tế toàn cầu trong khi duy trì nền tảng chủ nghĩa xã hội của mình – một mục tiêu mà một nhà lãnh đạo chính trị cấp cao khi đó đã mô tả cho tôi là “Chủ nghĩa Xã hội Thị trường”. “Chủ nghĩa Xã hội Thị trường là gì?”, tôi hỏi ông ấy như vậy, và ông ấy trả lời: “Chúng tôi không chắc lắm, nhưng chúng tôi sẽ tìm ra!” Và trong những năm cuối của thế kỷ 20 và bước vào thế kỷ 21, quả là họ đã làm được điều đó!
Ký ức của tôi về CARE Quốc tế tại Việt Nam là về con người: những nhân viên đã làm việc ở các văn phòng và trong các dự án trên cả nước, từ Phú Quốc tới U Minh Thượng ở phía nam cho đến Sơn La ở miền núi phía bắc và Hải Phòng ở bờ biển phía bắc, với các làng chài ở Quảng Ngãi cho đến những cựu chiến binh ở Quảng Trị và nhiều địa bàn khác.
Tôi nhớ đến những con người tuyệt vời trong các tổ chức đối tác, ở PACCOM và VUFO, ở Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các tổ chức đoàn thể khác, ở các Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện,… khác nhau. Và tôi nhớ đến sự phối hợp chặt chẽ của chúng tôi với các tổ chức quốc tế như Oxfam, Save the Children, ActionAid… cũng như sự hợp tác xuyên biên giới của mình với các văn phòng CARE ở Cam-pu-chia, Lào và Thái Lan.
Và tất nhiên, nhớ đến cả những con người mà chúng tôi được gặp trong các dự án đã triển khai. Tôi nhớ những người nông dân ở Hà Bắc (nay là Bắc Giang) từng nhuộm gà của họ thành màu xanh lá, hồng và xanh dương (có nhân viên CARE còn cố thuyết phục tôi là gà sinh ra đã có lông màu như thế!); nhớ đến những con người từng mất nhà cửa, sinh kế vì bão lũ; nhớ đến những người làm nghề mại dâm mà chúng tôi tìm đến trên đường phố hay trong nhà tù nhằm thúc đẩy các hành vi quan hệ tình dục an toàn, ngăn ngừa HIV/AIDS và các bệnh khác; nhớ đến những người tiêm chích ma túy đã tin tưởng nhân viên của chúng tôi và chia sẻ câu chuyện của họ để người khác rút ra bài học kinh nghiệm cho mình; hay những người phụ nữ tuyệt vời ở các nhóm tín dụng vi mô mà chúng tôi hỗ trợ trên khắp Việt Nam.
Tôi còn nhớ tháp nước chúng tôi đã xây dựng ở tỉnh An Giang để giúp người dân sống ở bờ đê có nước sạch để dùng sau lũ. Nhớ đến tàu bệnh viện chúng tôi đưa vào sông Cửu Long để di chuyển vào các nhánh sông nhằm cung cấp trợ giúp y tế cho các cộng đồng bị cô lập.
Tôi nhớ đến nhân viên và đối tác ở Đài Truyền hình Việt Nam đã tranh luận với nhau rất ghê khi họ xây dựng 30 tập đầu của bộ phim truyền hình dài tập “Gió qua miền tối sáng”. Quả là rất nhiều tranh cãi! Tôi vẫn còn nhớ các hoạt động đầu tiên hỗ trợ công nhân nhà máy, mà hầu hết trong đó là phụ nữ trẻ di cư đến đô thị và lần đầu trong đời kiếm được tiền công.
Trong những năm tôi làm Giám đốc Quốc gia ở Việt Nam, có lẽ chúng tôi đã triển khai hơn 100 dự án, tất cả đều nhằm xây dựng năng lực địa phương để đảm bảo hiệu quả bền lâu. Nhân viên của CARE xây dựng các sáng kiến cùng đối tác ở những lĩnh vực như nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, tài chính vi mô, y tế, ngăn ngừa và giáo dục về HIV/AIDS, và tất nhiên là phòng ngừa và phản ứng khi thiên tai xảy ra. Là một tổ chức, là một đội ngũ, chúng tôi cùng học hỏi và trưởng thành.
Tôi nhớ về sự ủng hộ từ bạn bè và đối tác ở CARE Australia, Nhật Bản, Pháp, Đan Mạch, Đức, Áo và Hoa Kỳ.
Và tôi nhớ đến những chuyến đi thật dài bằng đường bộ, đường thủy, qua đêm khi chúng tôi hân hạnh được nghỉ đêm ở các khách sạn và nhà khách nho nhỏ ở các cộng đồng xa xôi.
Tôi đã kết hôn với tình yêu của cuộc đời mình khi chúng tôi ở Việt Nam; con gái chúng tôi dành những năm đầu đời mình ở Việt Nam, và tôi mãi biết ơn các đồng nghiệp và bạn bè ở CARE Việt Nam vì đã cho tôi có đặc quyền được là một phần trong đội ngũ tuyệt vời ấy.
À, mà chúng tôi cũng cười nhiều lắm!
Thân mến,
Brian Doolan