Cảm nghĩ về hoạt động cứu trợ của CARE trong việc ứng phó với hậu quả cơn bão Damrey ở miền Trung Việt Nam
Thiên tai đang ngày càng ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới, các bé trai, bé gái, người già và người trẻ theo các mức độ khác nhau. Hiển nhiên là những người dễ bị tổn thương hơn có khuynh hướng bị ảnh hưởng nặng hơn cả. Bài học của CARE trong việc giải quyết hậu quả cơn bão Damrey ở miền Trung Việt Nam vào cuối năm 2017 một lần nữa lại chứng minh rằng cách tiếp cận nhạy cảm giới trong công việc cứu trợ sẽ được đền đáp xứng đáng.
Vào đầu tháng 11 năm 2017, chỉ vài ngày trước khi Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam, cơn bão số 12 đổ bộ vào miền Trung. Chỉ trong khoảng 16 giờ, hàng nghìn ngôi nhà đã bị tốc mái, phá hủy; cây cối, cột điện bị đổ rạp; lũ lụt xảy ra ở 15 tỉnh thành dọc miền trung Việt Nam.
Ảnh hưởng gián tiếp cũng nghiêm trọng không kém – phải mất một thời gian mới có thể phục hồi sinh kế của hàng triệu gia đình trong các vùng bị ảnh hưởng sau khi cây trồng, hạt giống, gia súc và các hệ thống thủy sản bị cơn bão phá hủy. Những hộ nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là ở những cộng đồng dễ bị tổn thương ở vùng trũng của Thừa Thiên Huế và Quảng Nam bởi lẽ khả năng chống chịu nơi đây tương đối thấp trong việc phục hồi lại chậm. Nguồn thu nhập mất đi bởi cơn bão cũng làm gia tăng nợ nần cho nhiều gia đình nơi đây.
Để khắc phục những hậu quả do cơn bão để lại, Chính phủ Úc đã quyết định tài trợ cho tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam 400,000 đô-la Úc để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng ở 4 xã thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam) và huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế).
Với sự hợp tác của Hội chữ thập đỏ tỉnh, huyện ở các địa bàn trên, các hoạt động đánh giá và cấp phát đã diễn ra từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 8 năm 2018, tập trung chủ yếu vào việc giải quyết các nhu cầu khác của cả phụ nữ và nam giới như tiền mặt đa mục đích, phục hồi sinh kế và nước sạch.
Ở những khu vực của dự án, sau bão 2 tháng thì hầu hết các ngôi nhà hư hại đã được sửa chữa bằng nguồn thu nhập của gia đình hoặc thông qua vay mượn từ hàng xóm, họ hàng. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình lại phải đối mặt với những khoản nợ nặng nề, không đảm bảo đủ lương thực-thực phẩm, và không có đủ nước sạch cho sinh hoạt.
Trước khi diễn ra hoạt động cấp phát, CARE nhận thấy có khá nhiều hộ nghèo, đặc biệt là ở Huế, có người lớn tuổi đơn thân. Họ chủ yếu sống dựa vào việc nuôi gia cầm quy mô nhỏ và hoa màu. Cơn bão Damrey đã ảnh hưởng nặng nề tới nguồn thu nhập và lương thực của họ khi đàn gia cầm hoặc hoa màu bị lũ cuốn trôi. Những hộ nghèo càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đảm bảo thức ăn, sửa chữa nhà cửa hoặc trả học phí cho con cái. Nam giới và phụ nữ nghèo lớn tuổi thường thiếu thức ăn và các vật dụng như quần áo ấm, chăn cho mùa đông. Họ cũng dễ mắc các căn bệnh do cơn lũ mang tới.
Chẳng hạn, ở các xã tại huyện Đại Lộc, chỉ vài tuần sau cơn bão, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu nước sạch nhìn chung không còn cấp thiết nhưng vẫn còn dai dẳng trong nhóm dân dễ tổn thương nhất. Nước sạch không đủ dùng trong khi nước đóng chai lại quá đắt nên nhiều người nghèo phải hạn chế dùng nước trong việc uống, nấu ăn và tắm rửa. Bởi vậy nhiều trẻ em và phụ nữ lại gia tăng rủi ro mắc các bệnh về da.
Chẳng hạn, ở các xã tại huyện Đại Lộc, chỉ vài tuần sau cơn bão, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu nước sạch nhìn chung không còn cấp thiết nhưng vẫn còn dai dẳng trong nhóm dân dễ tổn thương nhất. Nước sạch không đủ dùng trong khi nước đóng chai lại quá đắt nên nhiều người nghèo phải hạn chế dùng nước trong việc uống, nấu ăn và tắm rửa. Bởi vậy nhiều trẻ em và phụ nữ lại gia tăng rủi ro mắc các bệnh về da.
Với những phát hiện đó, CARE đã đề xuất với Đại sứ quán Úc tại Hà Nội những hoạt động để giải quyết các nhu cầu khác nhau của phụ nữ và nam giới, của người già và người trẻ. Ví dụ, các khoản hỗ trợ tiền mặt đa mục đích được cấp phát không kèm điều kiện cho người dân để họ mua thực phẩm, nước uống, vật dụng gia đình và đặc biệt là thuốc men, khám chữa bệnh cho người già. Tiền mặt phục hồi sinh kế được ưu tiên dành cho các hộ do nữ đơn thân làm chủ hộ hoặc các gia đình đông con để họ cải thiện sinh kế sau bão. Những người này chủ yếu dùng tiền hỗ trợ để mua con giống, trồng hoa màu hoặc phân bón. Họ cũng được tập huấn về kỹ năng nuôi trồng. Hầu hết người tham dự tập huấn là phụ nữ và họ trở nên tự tin hơn trong việc áp dụng kiến thức học được vào công việc hàng ngày của mình. Bên cạnh đó, nhiều hộ cũng nhận được bình lọc nước để có nước sạch an toàn cho việc ăn uống.
Nhiều năm hoạt động cứu trợ nhân đạo trên toàn cầu và tại Việt Nam của CARE đã chứng minh rằng tùy vào cách tiếp cận mà các hoạt động can thiệp của chúng ta có thể hoặc gia tăng, củng cố, hoặc giảm thiểu những bất bình đẳng đang tồn tại. Trong quá trình làm việc với những người kém may mắn, thì chúng tôi lại may mắn nhận được sự hỗ trợ từ nhà tài trợ và các đối tác của chúng tôi để cùng đào sâu hơn vào những đặc thù của từng nhóm dân số mà chúng tôi phục vụ, từ đó lồng ghép giới vào mọi giai đoạn của hoạt động cứu trợ. Nhờ vậy, chúng tôi không chỉ mang đến tiền mặt hay máy lọc nước cho người dân, mà còn góp phần giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương do bất bình đẳng giới tạo ra ở những nơi mà chúng tôi triển khai hoạt động.