Y Thu là người Xê Đăng. Năm nay 29 tuổi, cô đã làm trưởng thôn Tu Mơ Rộng được mấy năm nay. Là người con của núi rừng Tây Nguyên, Y Thu luôn trăn trở làm thế nào để cộng đồng có thể vừa bảo vệ, vừa có thể tiếp tục sống dựa vào rừng.

Thôn Tu Mơ Rông (trùng tên với xã và huyện) ở tỉnh Kon Tum có 66 hộ gia đình người dân tộc Xê Đăng cùng sinh sống, trong đó có 27 hộ nghèo. Mỗi hộ có khoảng 2 hec-ta rừng. Hầu hết người dân trong thôn sống dựa vào rừng từ việc tìm gỗ dựng nhà tới thu hái măng nấm, rau … nhưng nguồn tài nguyên từ rừng ngày càng cạn kiệt do đó để người dân yên tâm sống dựa vào rừng là rất khó khăn. Mặc dù hiện nay đã có các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân phát triển rừng nhưng vẫn còn đó nhiều bất cập khi người dân không có đủ đất rừng, không dám mạnh dạn đầu tư trồng rừng. Rừng gắn liền với đời sống của người dân nhưng bà con lại không sống được từ rừng là câu hỏi nhức nhối của trưởng thôn Y Thu.

Y Thu (đứng) phát biểu tại hội thảo góp ý cho Luật Phát triển và Bảo vệ Rừng (sửa đổi). Ảnh: Nguyễn Hữu Thía/CARE

Chính vì vậy, khi dự án Nâng cao năng lực tiếp cận và quản lý đất sản xuất và đất rừng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số do Liên minh Châu Âu tài trợ được triển khai về địa bàn xã Tu Mơ Rông, Y Thu rất mừng khi được mời tham gia vào hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo luật bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi. Cô nghĩ điều đó sẽ giúp mình hiểu biết nhiều hơn về cách làm của nhiều địa phương khác và mong được đưa ra ý kiến của mình, của cộng đồng mình về những vấn đề liên quan tới rừng.

Đó là lần đầu tiên Y Thu được tham gia trong một hội thảo như vậy nên không khỏi những bỡ ngỡ, băn khoăn và có phần rụt rè nhưng khi được thấy được sự tham gia nhiệt tình của những người bạn đến từ các buôn làng khác, Y Thu thấy thêm tự tin và mạnh dạn hơn. Cô cũng trở thành một thành viên tích cực của LanNet, một mạng lưới gồm các cá nhân và tổ chức có chung mục tiêu quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và rừng vì sinh kế bền vững.

Các vấn đề mà Y Thu tâm đắc gồm quyền bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng dân cư tại chỗ sống gắn bó lâu đời với rừng tự nhiên. Cô cũng tin rằng cộng đồng cần được đi vào rừng, được thu hái lâm sản phục vụ nhu cầu hàng ngày, được thực hành tín ngưỡng gắn với rừng và văn hóa truyền thống, và được thực hành các tri thức địa phương trong quá trình bảo vệ và khai thác rừng.

Việc phân chia ranh giới rừng cần kèm theo tên địa phương để người dân dễ dàng nhận biết; các hình thức sở hữu rừng cũng cần được rõ ràng hơn để người dân có thể mạnh dạn, yên tâm đầu tư trồng rừng và còn rất nhiều vấn đề khác rất thu hút làm Y Thu như bị cuốn hút theo.  Nhiều trăn trở, suy nghĩ và khó khăn mà Y Thu và dân làng gặp phải đã được các hội thảo thảo luận và ghi chép lại thành văn bản để gửi cho các Đại biểu Quốc hội. Cô cũng chia sẻ các nội dung ở hội thảo với người dân trong thôn Tu Mơ Rông để mọi người hiểu biết nhiều hơn về luật bảo vệ và phát triển rừng.

Mong mỏi của Y Thu đã trở thành hiện thực khi Luật Lâm nghiệp (được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2017) đã công nhận các quyền của các cộng đồng DTTS đối với đất rừng truyền thống. Cũng trong khuôn khổ dự án trên do Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) và Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam triển khai, thôn của Y Thu và thôn Đắc Chum bên cạnh đã được giao sở hữu gần 537 hec-ta rừng. Dân làng cho biết do trước đó không được quản lý tốt nên rừng đã bị chặt phá và khai thác quá mức, nhưng nay dân làng trở nên chủ động hơn hẳn trong việc quản lý và bảo vệ rừng.

Với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ dự án, thôn Tu Mơ Rông đã lập nhóm trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh. Đây là loài dược liệu quý, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Tu Mơ Rông, có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập cho người dân địa phương.

Nếu có tiếp nguồn lực để nhân rộng mô hình trồng sâm Ngọc Linh, chắc chắn nhiều chị em phụ nữ khác cũng muốn tham gia.” – Y Thu chia sẻ. Cho đến nay, nguồn lực dự án chỉ cho phép khoảng 10 hộ gia đình cùng nhau chăm sóc vườn cây gồm hơn 100 gốc sâm. Y Thu và các chị em trong nhóm vẫn thường xuyên chăm sóc sâm trong khi chồng các chị phân công nhau đi gác rừng vào ban đêm. Thôn Đắc Chum bên cạnh cũng như vậy.

Mong muốn của Y Thu rằng những ý kiến của người dân sẽ được các Đại biểu Quốc hội tiếp thu và xem xét trong quá trình xây dựng luật bảo vệ và phát triển rừng đã trở thành hiện thực. Từ đây, Y Thu rất hy vọng cộng đồng mình có thể sống ổn định dựa vào rừng để hồi sinh những cánh rừng bạt ngàn của Tây Nguyên xưa.

 

Lần đầu tiên, bà con xã Tu Mơ Rông được chính thức sở hữu đất rừng và quản lý rừng lâu dài. Ảnh: Giang Vũ/CARE

Các đại diện của nhóm phụ nữ trồng Sâm Ngọc Linh chụp ảnh chung với lãnh đạo địa phương và cán bộ Trung tâm CIRUM. Ảnh: @2018 CIRUM.