Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2022 – Đại sứ quán Australia tại Việt Nam khai mạc triển lãm nghệ thuật “một câu đựng trời trong cơi đựng trầu” tại Hà Nội nhằm bóc tách những khuôn mẫu xã hội về giới. Triển lãm gợi mở suy tư về những quan niệm truyền thống gắn nữ giới với vai trò nội trợ, hậu phương và nam giới với vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình và tại nơi làm việc. Những quan niệm này tạo ra những rào cản đối với phụ nữ và cả nền kinh tế trong việc phát huy hơn nữa tiềm năng của mình.

Triển lãm do Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và TUVA Communication phối hợp tổ chức. Đây là một hoạt động trong một chiến dịch rộng hơn nhằm lan tỏa những bước thay đổi tích cực trong quan niệm về vai trò giới trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại, đặc biệt là ở thế hệ trẻ.

Triễn lãm bao gồm 10 tác phẩm nghệ thuật đương đại của 9 nữ nghệ sĩ với đa dạng hình thức thể hiện như điêu khắc động, nhiếp ảnh, video sắp đặt đa kênh và sắp đặt tương tác. Qua đó, triển lãm sẽ dẫn dắt người xem đến với những góc nhìn cá nhân, suy tư và tự sự của những cô gái, những người mẹ, những người nữ lao động phổ thông, những tượng đài nữ anh hùng, về “gánh nặng kép” giữa công việc được trả lương và công việc chăm sóc không được trả lương.

Triển lãm mở cửa miễn phí cho công chúng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ ngày 24 tháng 10 đến ngày 11 tháng 11 năm 2022, từ 8h – 17h (từ Thứ 2 đến Thứ 5) và từ 8h – 21h (từ Thứ 6 đến Chủ Nhật).

Phát biểu tại lễ khai mạc, Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho biết Australia coi việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một khía cạnh quan trọng trong quan hệ đối tác với Việt Nam. “Thông qua chương trình Investing in Women, Chính phủ Australia rất hân hạnh được hỗ trợ các đối tác tại Việt Nam nhận diện và lan tỏa những thay đổi tích cực đối với các chuẩn mực xã hội về giới”, ông nói thêm.

Nghệ sĩ – giám tuyển Đinh Thảo Linh chia sẻ, “Hiểu về bình đẳng giới không chỉ để chúng ta biết yêu thương, trân trọng, không lạm dụng những người nữ, mà còn nhìn nhận ra những khuôn mẫu, những định kiến sẵn có của xã hội, của gia đình, của chính chúng ta với những người xung quanh mình, dù là nữ hay là nam. Nam giới cũng mang nặng nghĩa vụ của việc phải làm một ‘giếng khơi’”.

“Những rào cản vô hình đối với phụ nữ trong nền kinh tế thường được nhắc đến với hình ảnh ẩn dụ là ‘trần kính’. Làm cách nào để nhận diện và tháo bỏ ‘trần kính’ đối với phụ nữ và các nhóm yếu thế là mục tiêu mà CARE tại Việt Nam đã và đang phối hợp với các đối tác để giải quyết. Chúng tôi rất vinh dự khi được hợp tác với các nghệ sĩ trong triển lãm lần này để làm cho một số rào cản vô hình này trở nên hữu hình hơn, qua đó thôi thúc suy tư về những khía cạnh ít được để ý tới trong hành trình và trải nghiệm của phụ nữ trong cuộc sống và trong nền kinh tế” – bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia của tổ chức CARE tại Việt Nam cho biết.

Lễ khai mạc triển lãm được tổ chức chiều ngày 24 tháng 10 cùng với phiên thảo luận chia sẻ kinh nghiệm đúc kết từ việc thực hiện các chiến dịch nhằm thay đổi định kiến giới của CARE Quốc tế tại Việt Nam, Plan International tại Việt Nam, ECUE và WISE. Các chiến dịch này được thực hiện từ năm 2020 với sự tài trợ của Investing in Women (IW) – một sáng kiến của Chính phủ Australia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện ở khu vực Đông Nam Á thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

 

Vui lòng đọc toàn văn thông cáo báo chí tại đây.