Dự án Nâng cao năng lực tiếp cận và quản lý đất sản xuất và đất rừng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số có mục tiêu cụ thể là góp phần bảo vệ và tăng cường tiếp cận và quản lý đất rừng cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bối cảnh
Nhiều nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh rằng một trong các nhân tố chính dẫn đến tình trạng đói nghèo dai dẳng ở Việt Nam là do thiếu đất sản xuất. Hơn hai phần ba người dân tộc thiểu số (DTTS), có sinh kế phụ thuộc hoàn toàn vào đất nông nghiệp và đất rừng, sống dưới ngưỡng nghèo. Mặc dù, các chính sách lâm nghiệp và đất đai hiện tại đã cho phép cộng đồng dân cư có thể xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cộng đồng. Trên thực tế, tiếp cận đất đai của người DTTS bị hạn chế bởi nhiều yếu tố đan xen lẫn nhau như hạn chế liên quan đến quyền sử dụng đất chính thức; giao đất giao rừng cho các nông, lâm trường quốc doanh và tư nhân; và thiếu cơ chế chính thức công nhận hiệu quả của các phương thức quản lý rừng cộng đồng truyền thống. Trong bối cảnh này, vận động chính sách để hướng tới một môi trường chính sách thuận lợi về quản trị rừng là hết sức cấp thiết. Môi trường chính sách thuận lợi sẽ đảm bảo để người DTTS được tiếp cận đất đai, khuyến khích họ áp dụng những hương ước, luật tục truyền thống và hiệu quả trong quản lý rừng cộng đồng, từ đó đảm bảo quyền tiếp cận đất rừng của người DTTS.
Mục tiêu dự án
Dự án “Nâng cao năng lực tiếp cận và quản lý đất sản xuất và đất rừng cho cộng đồng các Dân tộc Thiểu số” có mục tiêu tổng thể là góp phần bảo vệ và tăng cường tiếp cận và quản lý đất rừng cộng đồng của đồng bào DTTS thông qua hai mục tiêu cụ thể sau:
- Các tổ chức xã hội dân sự và chính quyền cấp xã có kiến thức, kỹ năng và thiết lập được những vận động chính sách hiệu quả để lồng ghép quyền sử dụng và quản lý đất rừng cộng đồng vào xây dựng và thực thi các chính sách và pháp luật.
- Các nhà hoạch định chính sách ủng hộ và ghi nhận quyền sử dụng đất của người dân tộc thiểu số trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sắp tới.
Hoạt động dự án và kết quả mong đợi
- VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH DỰA VÀO BẰNG CHỨNG: Các bằng chứng về tầm quan trọng của công tác quản trị rừng cộng đồng của người DTTS được thu thập, và được các nhà hoạch định chính sách công nhận và sử dụng.
- XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI: Tăng cường trao đổi và đối thoại giữa các tổ chức xã hội, mạng lưới Đất rừng, chính quyền xã, cơ quan truyền thông, và các nhà hoạch định chính sách đố với vấn đề thực thi Luật Đất đai năm 2013 và sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trong thời gian sắp tới.
- LỒNG GHÉP QUYỀN VÀO HOẠT ĐỘNG THỰC TẾ: Tăng cường sự tự tin và năng lực cho các cán bộ điều phối của các tổ chức xã hội và mạng lưới đất rừng để họ có thể tham gia các hoạt động và chiến dịch vận động chính sách nhằm đảm bảo và tăng cường tiếp cận của người DTTS tới đất rừng.
- THÚC ĐẨY TỰ CHỦ, NÂNG CAO VAI TRÒ VÀ VỊ THẾ PHỤ NỮ: Tăng cường sự tự tin và tham gia của phụ nữ người DTTS trong quá trình ra quyết định liên quan đến quản lý rừng cộng đồng và các hoạt động đối thoại chính sách về quyền đất đai.
- THÚC ĐẨY VÀ TẬN DỤNG NĂNG LỰC ĐỐI TÁC: Tăng cường năng lực thực thi trách nhiệm của chính quyền xã trong việc đảm bảo quyền tiếp cận đất lâm nghiệp cho người DTTS.
Đối tượng tham gia dự án
Các nhà hoạch định chính sách, những những người sẽ quyết định nội dung của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng : Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ Chính sách Dân tộc trực thuộc Uỷ Ban Dân Tộc, Quốc Hội, và Ban Kinh tế trực thuộc Đảng Cộng Sản Việt Nam, cộng đồng các dân tộc tham gia dự án trong 6 tỉnh dự án.
Địa điểm
Sáu tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum
Thời gian
1/2016 – 12/2018
Nhà tài trợ