Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 2016 – Hôm nay, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, CARE Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) đã tổ chức Hội thảo giới thiệu Dự án Nâng cao năng lực tiếp cận và quản lý đất sản xuất và đất rừng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Ông Thomas Anthony Corrie, Phó ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc. Về phía Việt Nam, có sự tham gia của ông Quách Đại Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ  quốc Việt Nam; ông Giàng A Chu, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc Hội; bà Phạm Thị Sửu, Trưởng phòng Chính sách Dân tộc, Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc và các bên tham gia dự án đến từ địa phương và cấp quốc gia.

 

Với tổng vốn hỗ trợ hơn € 650.000 (tương ứng với hơn $ 700.000 đô la Mỹ), CARE Quốc tế phối hợp với trung tâm CIRUM, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN &PTNN tiến hành dự án trong giai đoạn từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 12 năm 2018 tại sáu tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum. Khoảng tám triệu đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng hưởng lợi sau cùng của dự án thông qua quá trình tham vấn, sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng và các chính sách khác cũng như các hoạt động thành công được nhân rộng của dự án. Đây chính là nhóm hộ nghèo, chiếm tỉ lệ cao nhất trong tỉ lệ nghèo đói tại Việt Nam, mà đời sống, sinh kế và văn hóa của họ phụ thuộc lớn vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất rừng. Họ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, là những người thiếu sự đảm bảo về an ninh lương thực, thiếu các cơ hội phát triển kinh tế, sống ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đối mặt với rào cản ngôn ngữ, trình độ giáo dục thấp và thường thiếu cơ hội tham gia trong tiến trình ra quyết định và quyết sách về các vấn đề liên quan đến tiến trình phát triển hòa nhập của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

 

Mục tiêu tổng thể của dự án là góp phần bảo vệ và tăng cường tiếp cận và quản lý đất rừng cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án sẽ nâng cao năng cao hiệu quả sử dụng đất tại khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, và Tây Nguyên, lưu ý đến tiếp cận thông tin và sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số đối với đất rừng cộng đồng. Kết quả triển khai dự án sẽ được chia sẻ, tham vấn với Chính quyền và các nhà hoạch định chính sách trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sắp tới.

 

Tỉ lệ đói nghèo ở khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cao hơn tỉ lệ trung bình trên cả nước. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng một trong những nguyên nhân chính mà cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam khó có thể phát triển bền vững, hòa nhập, tỉ lệ nghèo cao là do thiếu đất sản xuất. Hơn hai phần ba người dân tộc thiểu số có sinh kế phụ thuộc hoàn toàn vào đất nông nghiệp và đất rừng, sống dưới ngưỡng nghèo. Cùng với đó, họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do sức ép về dân số, tình trạng suy thoái rừng và giảm diện tích đất rừng bình quân đầu người cũng như cạn kiệt về tài nguyên. Thực tiễn chỉ ra có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là công tác quản trị tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, đặc biệt trong quản trị rừng và đất rừng; nhiều phương thức quản lý rừng cộng đồng dựa vào luật tục hiệu quả chưa được nghiên cứu và đánh giá.

 

Các chính sách lâm nghiệp và đất đai hiện tại đã cho phép các cộng đồng dân cư có thể xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cộng đồng, tạo điều kiện để giao đất rừng cho cộng đồng dân cư thôn bản nếu công đồng dân cư thôn bản duy trì chung các phong tục, tập quán và truyền thống về quản lý rừng. Trên thực tế, tiếp cận đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số bị hạn chế bởi nhiều yếu tố kết hợp như hạn chế liên quan đến quyền sử dụng đất chính thức, việc giao đất giao rừng cho các nông, lâm trường quốc doanh và tư nhân, và thiếu một cơ chế chính thức công nhận hiệu quả của các phương thức quản lý rừng cộng đồng truyền thống. Trong bối cảnh này, vận động chính sách để hướng tới một môi trường chính sách thuận lợi về quản trị rừng trở nên hết sức quan trọng. Một môi trường chính sách thuận lợi sẽ đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và quản lý đất rừng cộng đồng một cách hiệu quả, việc quản lý và sử dụng đất rừng cộng đồng do vậy sẽ được bảo vệ và phát triển bền vững.

 

Để biết thêm thông tin, liên hệ

Vũ Thị Hương Giang Cán bộ Truyền thông CARE Quốc tế tại Vietnam

Tel: (+84) 0 902 141200 giang.vuthihuong@careint.org