Ngày 21 tháng 9 năm 2022, tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp cùng Sở NN&PTNT hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang tổ chức họp Ban chỉ đạo Dự án “Nâng quyền Kinh tế của Phụ nữ Dân tộc Thiểu số tại Việt Nam – AWEEV” nhằm tổng kết các hoạt động trong thời gian đã qua, đồng thời chuẩn bị cho năm tiếp theo của dự án.
Cuộc họp có sự tham dự của ông Brian Allemekinders, Tham tán Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Canada, bà Lê Kim Dung – Giám đốc CARE Quốc tế tại Việt Nam, ông Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của hai tỉnh và các tổ chức đối tác, cùng đầu cầu Canada tham gia qua hình thức trực tuyến.
Dự án hướng tới hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.600 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số và tiếp cận 9.000 thành viên các hộ gia đình thuộc diện trên nhằm cải thiện đời sống kinh tế của phụ nữ nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Dự án được thực hiện trong 4 năm tại 3 xã tại tỉnh Lai Châu và 6 xã tại tỉnh Hà Giang với nguồn kinh phí gần 4,6 triệu đôla Canada.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Brian Allemekinders khẳng định: Dự án AWEEV nhằm hướng tới thúc đẩy các quyền kinh tế, đặc biệt là đối với nhóm phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế được trả lương. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc tham gia nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Ghi nhận sự đóng góp của Tổ chức CARE đã hỗ trợ người dân tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải nhấn mạnh, tiếp nhận dự án, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ và chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam triển khai thực hiện.
Trong năm đầu, AWEEV tập trung thực hiện các nghiên cứu nhằm hiểu hơn về việc nhà và công việc chăm sóc không được trả công để thiết lập mục tiêu cụ thể cho dự án và cung cấp thông tin đầu vào cho các biện pháp can thiệp. Dự án đã tiến hành thực hiện 7 nghiên cứu bao gồm đánh giá đầu kỳ, phân tích giới và quyền lực, nghiên cứu về công việc chăm sóc không được trả công trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng đáp ứng giới, tính bền vững về môi trường, tính khả thi của các phương án chăm sóc trẻ em, đánh giá thiết bị gia dụng tiết kiệm thời gian.
Hỗ trợ cho kết quả dài hạn “Tăng cường thúc đẩy các quyền về kinh tế, đặc biệt cho phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, dự án đã xây dựng các chiến lược truyền thông và xây dựng năng lực cho các nhóm tham gia dự án, cụ thể:
- Dự án đã tiến hành xây dựng chiến lược truyền thông cho mạng lưới doanh nghiệp, các nhà báo và cơ quan truyền thông, các tổ chức quần chúng và xã hội.
- Cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ, CARE phát triển mạng lưới nam giới tiên phong, tập trung tổ chức các sự kiện cộng đồng để thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ.
- CARE và Hội tiếp tục phối hợp cùng Sở NN&PTNN hai tỉnh đã xây dựng và triển khai lộ trình nâng cao năng lực cho nhóm nông dân nòng cốt.
- Hai nhóm trên sẽ thực hiện chiến lược chiến dịch truyền thông để chuyển đổi các chuẩn mực giới góp phần gây ra gánh nặng công việc chăm sóc không bình đẳng do CARE xây dựng và tham vấn với đối tác địa phương.
- Dự án đã tổ chức một khóa tập huấn cho tất cả các đối tác của dự án và hai nhà máy chè, đồng thời tham vấn các cán bộ chính quyền địa phương về can thiệp dự án.
- Dự án cũng hoàn thành kế hoạch can thiệp cho các trường mầm non tại địa bàn dự án nhằm thúc đẩy số trẻ tới trường và thời gian trẻ ở trường.
Bên cạnh việc xây dựng môi trường mang tính thúc đẩy tăng quyền cho phụ nữ, dự án cũng hướng tới kết quả dài hạn “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế có thu nhập”. Đóng góp cho kết quả này, dự án đã:
- Thành lập 57 nhóm chè với gần 1.400 người tham gia. Các nhóm cũng được tích hợp mô hình tín dụng tiết kiệm thôn bản (VSLA).
- Cung cấp 4 khóa tập huấn giảng viên nguồn cho đối tác về thành lập và điều hành các nhóm sản xuất và sinh kế.
- Xác định và hỗ trợ 7 mô hình sinh kế ngoài chè (3 mô hình ở Hà Giang, 4 mô hình ở Lai Châu)
- Hỗ trợ 71 phụ nữ có ý tưởng kinh doanh tham gia các câu lạc bộ để học hỏi kinh nghiệm nhằm xây dựng doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Bước sang năm thứ hai, nhiều chiến lược và kế hoạch trên đã được dự án triển khai. Trong số các hoạt động đã thực hiện, có thể kể đến họp báo chia sẻ kết quả từ nghiên cứu Công việc Chăm sóc không được trả công với sự tham gia của các đại diện chính phủ và các nhà hoạch định chính sách vào tháng 7 năm 2022. Các buổi tập huấn, các hoạt động cộng đồng, đối thoại giới… cũng được tích cực thực hiện để nâng cao nhận thức và năng lực cho các nhóm đối tượng mục tiêu.
Mới đây, trong tháng 9 năm 2022, dự án đã hỗ trợ cải thiện cơ sở vật chất của các điểm trường mầm non và cung cấp thiết bị tiết kiệm thời gian làm công việc chăm sóc không được trả công cho các hộ gia đình. Những hỗ trợ này đã mang đến tác động tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ. Với việc trẻ đến trường và thời gian ở trường nhiều hơn, thời gian chăm sóc trẻ tại nhà sẽ giảm đi. Cùng với đó, các thiết bị trong gia đình đã giúp giảm đáng kể số giờ làm việc nhà và các việc chăm sóc không được trả công. Khoảng thời gian giảm đi đó có thể giúp phụ nữ nghỉ ngơi hoặc tìm kiếm các công việc tạo thu nhập.
Sau hơn một năm triển khai dự án, thực tiễn cho thấy các bên liên quan cần điều chỉnh một số nội dung, những điểm chưa thống nhất để có thể phối hợp tốt hơn. Tuy việc thực hiện một số hoạt động có thể chậm lại, nhưng tính hiệu quả sẽ được đảm bảo, giúp đạt được mục tiêu đề ra cũng như mang lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng. Điều này cũng được bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam khẳng định trong phát biểu bế mạc cuộc họp Ban chỉ đạo Dự án, đồng thời bà nhấn mạnh:
“Tổ chức CARE luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của các đối tác trong quá trình triển khai để lồng ghép các nguồn lực, các chương trình, dự án của Chính phủ, địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động của dự án.”
Bà Lê Kim DungGiám đốc Quốc gia, CARE Quốc tế tại Việt Nam
Dự án “Nâng quyền Kinh tế của Phụ nữ Dân tộc Thiểu số tại Việt Nam – AWEEV” được Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) tài trợ thông qua CARE. AWEEV hướng tới hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.600 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số và tiếp cận 9.000 thành viên các hộ gia đình thuộc diện trên nhằm cải thiện đời sống kinh tế của phụ nữ nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Dự án được thực hiện trong 4 năm tại 3 xã tại tỉnh Lai Châu và 6 xã tại tỉnh Hà Giang với nguồn kinh phí gần 4,6 triệu đôla Canada.