Tóm tắt báo cáo

Trẻ em dưới 6 tuổi cần được chăm sóc vì sự phát triển toàn diện và vai trò chăm sóc của gia đình được đặt vào trung tâm khi lựa chọn dịch vụ hỗ trợ giữ và chăm sóc trẻ. Khi đặt vấn đề này trong bối cảnh việc làm bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, thì đó là một mối quan hệ 2 chiều và bổ trợ lẫn nhau. Chính vì vậy một mô hình chăm sóc – giáo dục trẻ em (CSGDTE) lý tưởng phải là dịch vụ có khả năng hỗ trợ cho gia đình/cha mẹ chăm sóc tốt nhất cho trẻ dưới 6 tuổi. Thực tế, sẽ không có một mô hình mẫu tốt nhất và phù hợp nhất cho từng gia đình, từng cơ sở giáo dục, từng doanh nghiệp và từng địa phương vì tất cả các yếu tố này đều phải được đặt trong hệ sinh thái hỗ trợ phát triển con người, ở đây chính là trẻ em.

Đối với cộng đồng có thu nhập thấp, kết quả nghiên cứu về nhu cầu CSGDTE của phụ huynh cho thấy họ cũng đặt ưu tiên hàng đầu vào chất lượng dịch vụ chăm sóc của CSCSGDTE (điểm 4,3/5) để đảm bảo các mục tiêu phát triển của trẻ (4,1/5), tuy nhiên khi phải tính toán đến chi phí để cân đối với thu nhập, đặc biệt với người lao động di cư thì các tiêu chí mong đợi tập trung vào thời gian trông giữ trẻ linh hoạt (có trông ngoài giờ và cuối tuần), người chăm sóc yêu thương chăm sóc trẻ cẩn thận và học phí rẻ bao gồm cả hình thức và thời gian thanh toán linh hoạt. Ngoài ra, nhu cầu về dịch vụ trông giữ trẻ dưới 18 tháng đặc biệt quan trọng trong cộng đồng có thu nhập thấp để người mẹ có thể quay trở lại làm việc, với người lao động di cư thì họ sẽ không phải để con ở lại quê nhà hoặc không bị lệ thuộc vào sự hỗ trợ chăm sóc của người thân.

Kết quả nghiên cứu về nguồn cung các dịch vụ CSGDTE nhấn mạnh đến tính đa dạng của các loại hình dịch vụ CSGDTE trong cộng đồng hiện nay, đồng thời các CSCSGDTE cũng có khả năng đáp ứng cao với nhu cầu của phụ huynh. Cụ thể là 96,2% phụ huynh hài lòng về chất lượng nhân sự (bao gồm bằng cấp chuyên môn cũng như kỹ năng và thái độ/ phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên/người chăm sóc) và 90.2% phụ huynh hài lòng về chất lượng các dịch vụ CSGDTE (thời gian trông giữ trẻ, chất lượng bữa ăn, chương trình giáo dục học tập, hoạt động vui chơi thể chất, vv) và cơ sở hạ tầng tại các CSCSGDTE hiện nay. Khi so sánh độ hài lòng của phụ huynh về chất lượng của CSCSGDTE nói chung thì các cơ sở tư thục đạt được độ hài lòng cao hơn các cơ sở công lập. Tuy nhiên, các cơ sở công lập lại đáp ứng tốt hơn nhu cầu về giá cả và chi phí của phụ huynh ở cộng đồng có thu nhập thấp; nhưng nhìn chung giá cả của các CSCSGDTE hiện nay đều được cho rằng cao hơn so với thu nhập của người lao động (NLĐ) có thu nhập thấp. Ngoài 2 loại hình chính thức này, thì trong cộng đồng có thu nhập thấp mô hình CSGDTE phi chính thức cũng rất phát triển và có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp nêu trên, nhất là nhu cầu thời gian trông giữ trẻ linh hoạt, trông giữ trẻ dưới 18 tháng và giá cả; tuy nhiên loại hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn cho trẻ.

Độ hài lòng của phụ huynh với chất lượng của các cơ sở tư thục cao hơn so với các cơ sở công lập một phần được giải thích bởi sự khác biệt về các chính sách việc làm bền vững ở 2 loại hình cơ sở này. Kết quả nghiên cứu cho thấy độ hài lòng của giáo viên/người chăm sóc (NCS) với các chính sách việc làm bền vững của CSCSGDTE tăng lên 1 điểm thì độ hài lòng của phụ huynh về chất lượng của CSCSGDTE tăng lên 2 điểm. Kết quả cũng chỉ ra trong khi chỉ có 12% giáo viên/NCS ở cơ sở tư thục cho biết cơ sở họ làm việc không trả mức lương đủ sống cho NLĐ thì tỷ lệ này ở cơ sở công lập lên tới 65%. Ngoài ra, NLĐ ở các CSCSGDTE công lập cũng phàn nàn rằng cơ sở của họ chưa đảm bảo cho NLĐ cân bằng giữa trách nhiệm công việc và nuôi dạy con cái (61%); chưa có hoạt động khuyến khích NLĐ vui chơi, giải trí và chăm sóc sức khỏe của bản thân (57%) và chưa đảm bảo được sự bình đẳng trong cơ hội thăng tiến cho NLĐ (55,7%). Bên cạnh đó, dù làm ở CSCSGDTE công lập hay tư thục thì người lao động đều không chắc chắn về các nguồn vốn của bản thân như vốn tài chính, vốn xã hội và vốn tiếp cận chính sách an sinh xã hội ở nơi làm việc khiến giáo viên/NCS đang làm việc tại các cơ sở CSCSGDTE ở cộng đồng có thu nhập thấp dễ tổn thương với các thay đổi đột ngột của cuộc sống gia đình, tự nhiên và xã hội.

Trước thực trạng như vậy, đối với cộng đồng có thu nhập thấp, các hoạt động can thiệp và chính sách cần tập trung vào hỗ trợ trực tiếp trẻ em, cha mẹ, và giáo viên để mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức và cộng đồng tối ưu hóa nguồn lực sẵn có của họ. Cụ thể là:

Tăng cường hợp tác công tư để đảm bảo tính sẵn có của các CSCSGDTE trong cộng đồng có thu nhập thấp, chú trọng đến 3 yếu tố: tính sẵn có của các nguồn cung dịch vụ (trong đó lưu ý đến dịch vụ chăm sóc trẻ dưới 18 tháng); tính linh hoạt về thời gian trông giữ trẻ; và khả năng chi trả của phụ huynh hiện nay tại các cộng đồng có thu nhập thấp (trong đó tính đến cả tính linh hoạt trong hình thức và thời gian chi trả). Sự hợp tác giữa các cơ sở công lập và các cơ sở tư nhân nhất là các nhóm trẻ độc lập là rất cần thiêt – bởi hệ thống này đang giữ vai trò quan trọng trong việc tăng tính sẵn có của các dịch vụ chăm sóc giáo dục trẻ hiện nay trong cộng đồng thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo chuyên môn và thuê mặt bằng hoặc cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, có thể cân nhắc đến chính sách phúc lợi trẻ em phổ cập (universal child benefits) thiết kế dành riêng cho NLĐ có thu nhập thấp; với chính sách này nhà nước và doanh nghiệp hoàn toàn có thể phối hợp để tăng sự hỗ trợ vốn đã có của doanh nghiệp cho người lao động nhưng còn rất thấp hiện nay để tăng tính hiệu quả của các khoản chi này cho người lao động.

Ứng dụng cách tiếp cận nhượng quyền xã hội linh hoạt để chính thức hóa và nâng cao chất lượng của các cơ sở phi chính thức từ đó tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ CSGDTE chất lượng cho cộng đồng có thu nhập thấp. Sự hiện diện rộng rãi của loại hình CSGDTE phi chính thức đang từng ngày từng giờ hỗ trợ nhiều hộ gia đình ở cộng đồng có thu nhập thấp chăm sóc con cái của họ, nên cần tận dụng nguồn lực này bằng cách chính thức hóa họ thành các nhóm trẻ độc lập với sự hỗ trợ của chuyên môn của các cơ sở công lập để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Nhượng quyền xã hội là phương pháp tiếp cận để xây dựng chương trình can thiệp nhằm chính thức hóa và nâng cao chất lượng của các dịch vụ phi chính thức. Với phương pháp này, ngoài việc tận dụng nguồn lực của các mô hình phi chính thức có sẵn hiện nay thì còn có thể tạo cơ hội phát triển các hoạt động tạo thu nhập cho người lao động ở các cộng đồng này.

Chính sách hỗ trợ việc làm bền vững cho cả giáo viên/NCS ở các CSCSGDTE và phụ huynh có con dưới 6 tuổi tại các cộng đồng có thu nhập thấp cần được biệt hóa phù hợp với bối cảnh. Đối với giáo viên/NCS thì dù cơ sở công lập hay tư thục đều cần cải thiện chế độ lương bổng và chi trả cho NLĐ; cùng với đó chính sách về nhà ở cũng là điểm được nhiều giáo viên/NCS đang làm việc ở các KCN thực sự quan tâm vì một nửa số trong số họ là lao động di cư; riêng ở các cơ sở công lập, còn cần thực hiện tốt các chính sách để đảm bảo cân bằng giữa trách nhiệm công việc và cuộc sống của NLĐ cũng như sự bình đẳng trong các cơ hội thăng tiến ở nơi làm việc. Đối với phụ huynh, chính sách việc làm bền vững cho người lao động luôn cần được đặt ưu tiên và song hành với các phúc lợi khác, ở đây là dịch vụ CSGDTE. Các chính sách này cần lưu ý đến chế độ nhà ở, chế độ hỗ trợ nuôi con dưới 6 tuổi, chế độ đảm bảo việc làm lâu dài và chế độ nâng cao năng lực cho người lao động (liên quan trực tiếp đến nguồn vốn giáo dục và năng lực nghề nghiệp của họ).

Giới thiệu nghiên cứu tổng hợp

Dựa trên những nguyên tắc nền tảng về nhân quyền và kinh doanh có trách nhiệm¹, riêng về khía cạnh chất lượng việc làm cho phụ nữ, Chương trình nghị sự về việc làm bền vững của ILO (ILO’s Decent Work Agenda) đã xác định rằng, thúc đẩy việc làm bền vững cho phụ nữ là đảm bảo bình đẳng giữa họ và nam giới về cả cơ hội và cách được đối xử trong công việc. Sự đảm bảo đó thể hiện qua việc đạt được bốn mục tiêu chiến lược, gồm: (i) thúc đẩy quyền tại nơi làm việc, (ii) tạo cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn, (iii) tăng cường phạm vi bao phủ và hiệu quả của bảo trợ xã hội, và (iv) tăng cường tính đại diện thông qua đối thoại xã hội và hợp tác ba bên ². Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu đảm bảo việc làm bền vững cho phụ nữ trong độ tuổi sinh nở hoặc có con nhỏ đối diện với những thách thức lớn. Bởi lẽ, tại nhiều quốc gia, trách nhiệm làm mẹ và chăm sóc trẻ em không lương làm gia tăng gánh nặng cho phụ nữ trong việc cân bằng giữa công việc, sự nghiệp và gia đình. Từ đó, đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trẻ sẽ góp phần giải quyết tình trạng bất bình đẳng về cơ hội việc làm giữa phụ nữ và nam giới.³

Các nghiên cứu gần đây từ các nước phát triển như Đức, Mỹ, Hồng Kông cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa khả năng kém tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trẻ đầu đời và tỷ lệ đi làm của phụ nữ có con thấp, nhất là ở những hộ gia đình có thu nhập thấp, với nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung dịch vụ chăm sóc trẻ không đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ này.⁴ ⁵ Các hộ có thu nhập thấp, thường chọn chăm sóc con nhỏ ở nhà nếu họ không đủ điều kiện ghi danh trẻ vào các dịch vụ chăm sóc chất lượng cao vì dịch vụ chăm sóc trẻ em ở ngưỡng mà họ có thể chi trả thì chất lượng không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển về thể chất và tâm lý cho con cái của họ. Do đó, các bậc cha mẹ (chủ yếu là các bà mẹ) trong các gia đình này cũng đối mặt với mức độ căng thẳng chăm sóc trẻ em lớn hơn so với các bậc phụ huynh trong nhóm có mức thu nhập cao hơn.

Tại Việt Nam, việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trẻ chất lượng và phù hợp với khả năng chi trả đối với lao động có thu nhập thấp càng trở nên cấp thiết để bà mẹ có thể tham gia hiệu quả vào thị trường lao động.

Thực tế định kiến xã hội đã gán các công việc chăm sóc gia đình là công việc của phụ nữ trong đó bao gồm cả việc chăm sóc và dạy dỗ con cái, đây là một rào cản đáng kể đối với phụ nữ khi quay lại thị trường lao động sau khi sinh con.⁶ ⁷ Đặc biệt vấn đề này phổ biến đối với công nhân nhà máy tại các khu công nghiệp (KCN) và lao động di cư từ khu vực nông thôn, miền núi về thành phố để làm việc, những người không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng và giá cả bình dân.⁸ Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tính đến tháng 6/2022), cả nước hiện có 11.299 cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn cấp huyện, nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, trong đó có 4.752 trường (3.444 công lập, 1.434 tư thục) và 6.547 cơ sở mầm non độc lập. Các cơ sở này đã cung cấp chỗ học cho 1.616.688 trẻ em. Hiện nay có 17 tỉnh/thành phố tập trung trên 5.000.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.9 Sự tập trung người lao động ở các khu vực này sẽ kéo theo nhu cầu thiết yếu về giáo dục, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ mầm non của người lao động.

Trên thực tế khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng, giá cả bình dân cho người lao động có thu nhập thấp còn vô cùng hạn chế. Hệ thống giáo dục mầm non hiện nay chủ yếu là các trường mẫu giáo công lập, tuy nhiên các trường này thường quá đông trẻ em, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập phù hợp và nguồn nhân lực để cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ có chất lượng tốt. Đối với hệ thống trường tư thục, chi phí lại thường quá cao so với thu nhập của phụ huynh là công nhân có thu nhập thấp.

Trong khi các chính sách trực tiếp hỗ trợ cho các dịch vụ chăm sóc trẻ là con em của công nhân rất ít,¹⁰ ¹¹ Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, thúc đẩy người sử dụng lao động có trách nhiệm chăm sóc con của người lao động có thể là một giải pháp khả thi cho vấn đề này.¹² Tuy nhiên, số lượng nhà máy/công ty đã có thực hành này còn vô cùng hạn chế vì liên quan đến chi phí và nhân lực cho việc vận hành, hơn nữa nhiều phụ huynh không muốn cho con học ở đó do những lo ngại về ô nhiễm tại nhà máy, trong khu công nghiệp, khu chế xuất nơi họ làm việc.

UNICEF đề xuất dịch vụ chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng, là biện pháp hiệu quả trong việc giải quyết nhu cầu của nhóm dân số có thu nhập thấp và thúc đẩy quyền kinh tế của phụ nữ.¹³ Tuy nhiên, vẫn còn thiếu nghiên cứu về cách triển khai các mô hình này ở Việt Nam cho phù hợp.

Bên cạnh đó, khi bàn đến chất lượng dịch vụ chăm sóc trẻ thì cũng gắn liền với điều kiện làm việc của nhân viên chăm sóc trẻ em, những người trông giữ trẻ tại các cơ sở chăm sóc trẻ em thường được trả lương thấp và không tham gia công đoàn nhất là trong khu vực tư nhân. Trong đại dịch COVID-19, giáo viên mầm non ở Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do việc đóng cửa các trường học, đặc biệt giáo viên ở các trường tư thục. Với các giáo viên công lập bị cho nghỉ việc thì được hưởng 70% lương cơ bản, còn với giáo viên mầm non tư thục phải nghỉ việc không lương để chia sẻ phần nào gánh nặng cho nhà trường.¹⁴ ¹⁵ ¹⁶ Như vậy, rõ ràng việc làm bền vững là nhu cầu đặc biệt thiết yếu đối với giáo viên mầm non để nâng cao thu nhập cho họ đồng thời đảm bảo được tiếng nói của họ trong việc thương lượng các quyền lợi khác để họ có thể thích ứng với khó khăn, từ đó chuyên tâm vào nghề nghiệp. Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ công việc bền vững cho nhóm này.¹⁷ ¹⁸

Trước thực tế trên, tổ chức CARE International tại Việt Nam đã thực hiện nhiều nghiên cứu đánh giá khác nhau để tìm hiểu về nhu cầu chăm sóc trẻ của người có thu nhập thấp nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và lao động di cư từ các khu vực nông thôn và miền núi; cũng như các phương án và mô hình chăm sóc trẻ em phù hợp cho con của họ đảm bảo quyền giáo dục của trẻ em.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng khai thác các thông tin về đời sống và điều kiện làm việc của nhân viên chăm sóc trẻ em và thúc đẩy việc làm bền vững trong ngành này. Thông qua những bằng chứng thực tế này, Tổ chức CARE International mong muốn các nhà hoạch định chính sách có thể hiểu rõ hơn các thách thức để giải quyết những khoảng trống này, từ đó phân phối lại trách nhiệm công việc chăm sóc từ cá nhân sang cộng động và giúp giảm gánh nặng của công việc chăm sóc gia đình, con cái không được trả công cho phụ nữ, hướng tới nền kinh tế chăm sóc toàn diện và bền vững; trên cơ sở đó thúc đẩy phụ nữ tham gia hiệu quả hơn vào thị trường lao động và nâng quyền kinh tế của phụ nữ.

Báo cáo này tổng hợp các bằng chứng chủ yếu từ nghiên cứu đánh giá thực trạng mô hình chăm sóc trẻ em tại các khu công nghiệp ở 2 tỉnh Hưng Yên và Bình Dương vào tháng 6/2023¹⁹; ngoài ra có sự đối chiếu và bổ trợ thông tin từ các nghiên cứu mà Tổ chức CARE thực hiện trong giai đoạn COVID-19 và hậu COVID-19 từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 8 năm 2023 bao gồm: nghiên cứu đánh giá tác động của COVID-19 đến công nhân nhà máy tại các khu công nghiệp và khu chế xuất thực hiện tại 5 tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai vào tháng 10/2020 và tại 4 tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, tp Hồ Chí Minh và Bình Dương vào tháng 12/2022; nghiên cứu đánh giá nhanh nhu cầu của lao động di cư tại Lai Châu và Hà Giang vào tháng 1/2023 và Quảng Trị và Sóc Trăng vào tháng 8/2023. Thông tin số liệu từ các nghiên cứu được sử dụng để kiểm định và giải thích lẫn nhau trong mối quan hệ thống nhất để minh họa cho chủ đề nghiên cứu.


Báo cáo Nghiên cứu Tổng hợp: Nghiên cứu về nhu cầu & mô hình chăm sóc – giáo dục trẻ đầu đời dành cho cộng đồng có thu nhập thấp | Thực trạng và hàm ý chính sách