Chị Hò Thị Huế là Trưởng ban Gia đình và Xã hội trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu. Trong khuôn khổ dự án Tăng cường khả năng thích ứng thông qua tiếp cận thông tin khí hậu (InfoAct) do Chính phủ Đức tài trợ, Ban của chị đảm nhận nhiệm vụ triển khai mảng hoạt động về truyền thông và hướng dẫn bản tin dự báo khí hậu phân vùng và khuyến cáo nông nghiệp tới nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Tân Uyên.

Không ngừng học hỏi

Trong giai đoạn đầu của dự án, chị Huế cùng với các đối tác địa phương như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khí tượng thủy văn đã trực tiếp tham gia vào một số hoạt động. Cụ thể là sự kiện giới thiệu dự án, hội thảo về cơ chế giám sát đánh giá dự án, tập huấn về nâng cao kỹ năng thúc đẩy và làm việc với cộng đồng và tập huấn và thành lập các nhóm tiết kiệm tự quản (VSLA). Dù đã làm công tác về phụ nữ và bình đẳng giới trong nhiều năm qua, nhưng khi tham dự lớp tập huấn về kỹ năng thúc đẩy và làm việc với cộng đồng do dự án InfoAct tổ chức, chị vẫn cảm thấy những kỹ năng này vô cùng hữu ích đối với người làm công tác cộng đồng và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền như chị.

“Trước đây, các hoạt động tuyên truyền chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thuyết trình. Gần đây tham gia dự án, tôi được giới thiệu thêm nhiều các công cụ, phương pháp làm việc có sự tham gia. Tôi chú ý đến kiến thức về văn hóa bản địa và rào cản ngôn ngữ khi làm việc với cộng đồng hơn.”
Hò Thị Huế

 

Ban của chị có hai cán bộ tham gia trực tiếp vào các hoạt động dự án. Chị cho biết các kiến thức kỹ năng được tiếp nhận hoặc các thông tin về dự án này đều được chia sẻ lại trong các cuộc họp hoặc trong các câu chuyện xoay quanh bàn trà trong Ban. Nhờ thế, những người khác không tham gia trực tiếp đều có thể được cập nhật thêm kiến thức mới.

Ấn tượng mạnh về VSLA

Chị Huế đặc biệt thấy ấn tượng với mô hình VSLA của dự án. Chị biết đến VSLA từ năm 2014 trong một chuyến công tác tại Thanh Nưa, Điện Biên (một xã trong địa bàn mà CARE từng triển khai một dự án khác). Khi ấy, chị chưa có được thông tin và hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ mô hình nhờ hoạt động của dự án InfoAct, chị Huế thật sự hiểu rõ mô hình VSLA là nơi mà thành viên có thể gặp gỡ trao đổi, chuyện trò. Quan trọng không kém là thành viên có thể dễ dàng vay các khoản vốn nhỏ đủ để sản xuất và trang trải các nhu cầu thiết thực trong cuộc sống một cách dễ dàng. Chị suy nghĩ: “Tại sao Điện Biên làm được mà Lai Châu lại chưa làm được!”

Để giúp phụ nữ ở địa bàn mình hiểu về mô hình, chị Huế cùng các chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã dự án không chỉ dùng phương pháp thuyết trình. Bên cạnh việc chiếu video clip giới thiệu về mô hình của dự án, các chị trực tiếp giải đáp và hướng dẫn các chi hội trưởng phụ nữ thôn bản thực hành một buổi sinh hoạt VSLA.

Trong khuôn khổ của dự án, đến tháng 3 năm 2019, 49 nhóm VSLA với 990 thành viên đã được thành lập tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Không những thế, chị Huế đã quyết định thành lập thêm một nhóm nữa tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ dù đây không phải là địa bàn dự án. Chị chủ động đề xuất dự án hỗ trợ kỹ thuật và các công cụ cần thiết cho mô hình hoạt động như hòm tiền, chìa khóa, con dấu và sổ. Chị và các cán bộ trong Ban Gia đình và Xã hội cũng mong muốn thành lập thêm 10 nhóm VSLA khác tại các thôn bản người Khơ Mú, Dao, Hà Nhì. Đây là những nhóm dân tộc thiểu số nghèo của xã nên chị đã đề xuất dự án hỗ trợ thêm kỹ thuật và công cụ sinh hoạt nhóm để triển khai kế hoạch này.

Chị Huế rất vui vì những việc mình làm đã bước đầu góp phần cải thiện cuộc sống cho bà con người dân tộc thiểu số.

CARE triển khai dự án Tăng cường khả năng thích ứng thông qua tiếp cận thông tin khí hậu (InfoAct) do Chính phủ Đức tài trợ ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Ở Điện Biên, đối tác đồng triển khai là Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CCD). Ở Lai Châu, CARE phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Dự án đặt mục tiêu tăng cường sinh kế và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu của người dân tộc thiểu số nghèo.