Tôi thăm Hà Nội, với tư cách là khách của CARE cùng một nhóm nhỏ gồm cán bộ CARE và một đối tác địa phương, đi bộ qua một khu chợ nhỏ. Tôi thấy có rau tươi và trứng, thịt đủ các loại, từ cua (còn sống) đến chó (không còn sống). Chúng tôi đi dọc con chợ tới một cửa hàng bán chổi nhựa với đủ hình dáng. Rồi ra phía sau cửa hàng, vào trong một nhà xưởng nhỏ dựng các xe đạp chất đầy chổi. Sau khi cởi giày, chúng tôi lên một chiếc cầu thang dốc dẫn lên một nền nhà tối có trải chiếu tre. Sáu người phụ nữ tiếp đón, mời chúng tôi ăn hoa quả. Căn phòng mà chúng tôi đang ngồi, nếu có thể gọi nó là phòng, rộng khoảng 15 mét vuông. Nó nằm đối diện với phòng ngủ của các chị. Trên thực tế, có tất cả 8 chị cùng ngủ chung với nhau trong căn phòng đó, và những chiếc chiếu tre chính là giường của các chị.
Việc Úc giảm 40% viện trợ cho Việt Nam trong bối cảnh cắt giảm viện trợ nói chung thật đáng hổ thẹn.
Khi mắt tôi quen dần với ánh sáng tù mù của căn phòng và bắt đầu nhìn xung quanh, tôi thấy quần áo của các chị trên mắc áo treo trên tường. Các chị dùng chung một phòng tắm và một phòng bếp, cả hai phòng đều ở tầng dưới ngay đằng sau chỗ để mấy chiếc xe đạp. Họ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình. Họ đều là những người cùng quê ở một tỉnh gần Hà Nội. Các chị được người ta thuê để chở chổi bằng những chiếc xe đạp dưới nhà và đi bán khắp Hà Nội. Họ kể cho chúng tôi nghe là các chị dậy lúc 6 giờ, ra khỏi nhà lúc 8 giờ, và trở về vào lúc 12 giờ rưỡi. Không đến nỗi tệ lắm, tôi nghĩ. Ít nhất họ cũng được nghỉ buổi chiều. Nhưng không, tôi đã thật ngây thơ. Các chị về nhà ăn trưa, rồi 2 tiếng sau lại đi bán tiếp, kết thúc một ngày vào lúc 9 giờ. (Hôm nay các chị về sớm để gặp chúng tôi.) “Tức là 6 ngày một tuần ngày nào các chị cũng đi làm như vậy à?”-tôi hỏi, cố gắng tỏ ra thực tế. “7 ngày”- một chị trả lời.
Đây là một kiểu kinh doanh tích hợp: một chị đứng ra để thuê phòng trọ và mua chổi bán buôn. Chị cũng có cùng quê với các chị khác. Họ ở độ tuổi từ 30 đến 65 tuổi, và tất cả đều đã có con, một vài người đã có cháu. Mặc dù vậy, các chị đều một thân một mình lên Hà Nội. Các chị đã ở đây nhiều năm, có người đã ở đây mấy chục năm rồi. Họ đều lên Hà Nội để kiếm tiền gửi về cho gia đình, tất cả đều có chung một mục tiêu: cho con cái mình được ăn học đến nơi đến chốn. Các chị không giữ lại gì cho bản thân mình, và hàng tháng có thể gửi về quê khoảng 230 đô la (tương đương với khoảng 5 triệu đồng)- một khoảng tiền tương đối ở Việt Nam. Vài tháng các chị lại về quê một lần, chủ yếu vào thời gian cao điểm của nông vụ. Tổ chức phi chính phủ mà CARE hỗ trợ có tổ chức các câu lạc bộ của công nhân mà các chị cũng là thành viên. Chúng tôi hỏi tại sao các chị lại tham gia sinh hoạt câu lạc bộ. “Đi sinh hoạt câu lạc bộ rất là vui”- là câu trả lời đầu tiên. “Câu lạc bộ dạy cho các chị biết tự tin vào bản thân mình” – một chị khác nói. “Câu lạc bộ giúp mình biết cách đối phó khi bị người đi đường bắt nạt”- một chị khác bổ sung.
Câu lạc bộ giúp mình biết cách đối phó khi bị người đi đường bắt nạt.
Cuộc gặp mặt kéo dài chưa đầy một tiếng. Vừa đi xuống cầu thang, tôi vừa cố sắp xếp những suy nghĩ đang quay cuồng trong đầu mình. Dù hoàn cảnh của các chị có vẻ cùng cực đến đâu, bằng cách này hay cách khác, hẳn là cuộc sống của các chị phải khá hơn khi lên Hà Nội, dù có phải sống trong điều kiện chật chội, không có sự riêng tư, không được ở bên gia đình. Nếu không thì các chị đã trở về nhà. Nhưng phép tính ở đây rõ ràng là không áp dụng với bản thân các chị, mà là với gia đình của các chị. Các chị là những người phụ nữ dũng cảm, hy sinh cuộc sống của chính mình với hy vọng con cái mình sẽ có được những cơ hội tốt hơn. Cái nghèo như thế này đơn giản không hề tồn tại ở nước Úc.
Đúng thế, Việt Nam là một câu chuyện thành công về phát triển, nhưng đây vẫn là một quốc gia với hàng triệu người nghèo. Mức thu nhập trung bình tại Úc cao gấp 8 lần so với Việt Nam; thu nhập trung bình tại Việt Nam bằng khoảng một phần tư mức chuẩn nghèo của Úc. Chúng ta nên tiếp tục tăng cường viện trợ, cả viện trợ từ chính phủ lẫn thông qua các khoản quyên góp cá nhân. Di cư, cả trong nước và quốc tế, đều hứa hẹn mang lại những cơ hội tuyệt vời cho người nghèo. Nhưng những khó khăn đi kèm với việc di cư sẽ được giảm đi nhiều nếu như có những chính sách tốt hơn. Trong trường hợp này, các quy định về hộ khẩu của Việt Nam khiến cho người di cư từ nông thôn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa gia đình họ ra thành phố. Ví dụ, các chị phụ nữ này sẽ rất khó có thể cho con mình vào học tại một trường ở thành phố. Các chị cần được đại diện, được tôn trọng phẩm giá và có niềm vui trong cuộc sống thì mới cải thiện chất lược cộc sống và nâng cao tiếng nói của mình. Đó chính là nơi các tổ chức phi chính phủ tham gia.
Tôi chia tay các chị với niềm hãnh diện vì đã được ghé nhìn vào cuộc đời của những người phụ nữ dũng cảm này, tự hào vì được là một phần trong nỗ lực chung hỗ trợ các chị, và vì được nhắc nhớ về một thực tại nghèo đói toàn tập cũng như sự may rủi của nơi chốn ta sinh ra mang lại cho cuộc đời mình.
Stephen Howes là Giám đốc Trung tâm Chính sách Phát triển và là một thành viên của Ban Giám đốc CARE Australia. Ông thăm Việt Nam vào cuối tháng 6-2017.
Tác giả: Stephen Howes
Đã xuất bản trên Devpolicy Blog
Trung tâm Chính sách Phát triển
Devpolicy. org
Bản gốc bằng tiếng Anh: https://devpolicy.org/bicycling-broom-sellers-hanoi-20170731/