Hành trình viết tiếp ước mơ của những thành viên Nhóm phụ nữ thôn Đắk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum về “hy vọng từ những rẫy sâm dây”.

Phát triển cây trồng bản địa

Ra đời vào tháng 3/2019 với 21 thành viên – tất cả đều là người dân tộc Xơ Đăng, Nhóm phụ nữ thôn Đắk Viên – hay còn còn gọi là Nhóm sâm dây thôn Đắk Viên đã lần đầu tiên thực hiện trồng và thu hoạch sâm dây một cách tập trung với quy mô lớn, thay vì từng hộ nhỏ lẻ như vẫn làm nhiều năm về trước. Chị Y Pót – Trưởng nhóm, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xã Đắk Viên cho biết, sâm dây vốn là loài cây trồng bản địa chỉ có ở Kon Tum, chủ yếu ở Măng Ri, Ngọc Lây. Trước đây, khi thấy có người mua, bà con mới biết và lấy giống từ trên rừng về trồng bán.

Dù giá cả đầu ra của sâm dây tươi không ổn định, chị Y Pót và các chị em trong nhóm vẫn quyết tâm “không mua giống của nơi khác mang đến vì có thể chất lượng không tốt”.

Nữ chủ tịch của Hợp tác xã “trăm triệu”

Dựa trên nền tảng và kinh nghiệm sau hai mươi tháng hoạt động của Nhóm, cùng với sự động viên và hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh và dự án, Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng Phụ nữ Đắk Viên chính thức được thành lập. Vẫn giữ nguyên những thành viên nòng cốt, Hợp tác xã còn kết nạp thêm một số thành viên khác trong thôn. Hiện tại, dù mới thành lập được hơn 3 tháng, số lượng thành viên tham gia góp vốn của HTX đã lên đến con số 33 người, trong đó 22 người là các chị em trực tiếp tham gia trồng và chế biến sâm dây tại thôn.

Những phụ nữ trước đây chỉ quen thuộc với nương rẫy, bếp núc, con cái, giờ chính thức trở thành những nữ doanh nhân. Cầm trên tay tấm danh thiếp có in dòng chữ chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nhóm trưởng Y Pót vẫn chưa dám tin đây là sự thật. Chị vẫn còn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp xen lẫn vui sướng và lo sợ khi nghe đến việc chuyển đổi Nhóm thành mô hình Hợp tác xã chuyên nghiệp.“Lúc đầu nghe đến HTX, chị cũng chưa hình dung ra HTX là thế nào, ra làm sao. Rồi thầy Ơn (1) về viện, xong chị cũng xuống viện làm việc, sau hôm đó về chị cũng nghĩ miết, mà vẫn chưa hình dung ra. Lần sau lên làm việc tiếp, càng choáng thêm, vì nghĩ không làm được, nghe đến từ HTX rất là khó.” – chị Y Pót chia sẻ.

Có lẽ, sự “choáng” của nữ “chủ tịch nông dân” Y Pót còn nằm ở con số hạch toán lượng vốn đóng góp của các thành viên HTX: 666 triệu đồng! Nếu như so sánh việc chuyển từ quản lý vốn hộ gia đình nhỏ lẻ (chỉ từ trên dưới 10 triệu) đến quản lý vốn Nhóm trước kia (vài chục triệu) là một bước đi dài, việc quản lý hàng trăm triệu tiền vốn của HTX hẳn phải là một “cú phi nước đại”. Nó đòi hỏi ở người quản lý không chỉ sự quyết tâm, mà còn cả kiến thức và kỹ năng rất bài bản.

Mục tiêu 4 sao

Những nỗi trăn trở dần bớt đi khi chị Y Pót và thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) – chủ yếu là các chị em nòng cốt của Nhóm sâm dây cũ, tham gia các lớp tập huấn kỹ năng do dự án tổ chức. Bên cạnh đó, dự án cũng mời chuyên gia đồng hành và giúp HTX liên kết với các doanh nghiệp thu mua tại địa phương. Gần đây nhất, bên cạnh sâm dây tươi, HTX đã ra mắt sản phẩm chế biến mẫu “mứt hồng đẳng sâm” đầu tiên. Các chị em còn đầu tư trang bị hẳn một chiếc máy sấy nhiệt để phục vụ việc tăng năng suất chế biến trong tương lai. Mọi người còn dự tính phát triển thêm các sản phẩm khác như trà sâm dây, v.v.

Sản phẩm “mứt hồng đẳng sâm” của HTX đã tham gia thi thử OCOP (2) và đạt được 3/5 sao. Mục tiêu sắp tới của chị Y Pót và các chị em là hoàn thiện sản phẩm để đợt thi chính thức diễn ra vào tháng 5/2021 này, mứt sẽ đạt 4/5 sao.

“Một mình thì không làm được”

Là người chứng kiến và trải qua khoảng thời gian từ lúc chưa thành lập tổ nhóm đến giờ, khi đã thành lập HTX, chị Y Pót thấy mình “thay đổi rất nhiều”. Chị tự miêu tả bản thân của hiện tại là một người “sẵn sàng để hỏi” và “bớt sợ đi nhiều rồi”. Suy nghĩ về cả quá trình dài đã đi qua, chị Y Pót cảm thấy nhờ có sự ủng hộ và đồng lòng của chị em trong nhóm, của các chị ở tỉnh, huyện rồi các thầy ở dự án, mới có thành quả ngày hôm nay.

Hôm qua, chị mới nói chuyện với chị em, là trừ khi thầy Ơn hay anh Thía (3) đá chị ra khỏi nhóm, chị mới ra. Còn không, kiểu gì chị cũng không ra, ai đuổi cũng không ra, ở lại nhóm đến cùng luôn. ” – chị Y Pót cười lớn, trong mắt lấp lánh niềm vui và sự tự tin.

Khi được hỏi về mong ước lớn nhất lúc này, chị chia sẻ, ước mong cho HTX sớm có một khu xưởng kiên cố và chắc chắn, để việc sản xuất được đi vào quy củ. Các thành viên ai cũng nắm vững kỹ thuật. Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày một đi lên. Để rồi, sẽ có một ngày, các sản phẩm sâm dây mang thương hiệu Hosadavi của HTX Cộng đồng phụ nữ Đắk Viên, sẽ đi xa, có mặt trên khắp đất nước, giống như “ước mơ” trong Bức tranh Tương lai (4) mà các chị đã vẽ.


(1) PGS.TS – Nhà giáo ưu tú Trần Văn Ơn – Giảng viên Đại học Dược Hà Nội là chuyên gia được dự án mời tham gia hướng dẫn và cố vấn cho HTX. Ông cũng xuất thân là người dân tộc thiểu số (người Sán Chay) và là một chuyên gia đầu ngành về thực vật học. Ông cũng nổi tiếng với ước mơ biến Việt Nam thành vườn thuốc của thế giới.

(2) Mỗi xã, phường một sản phẩm” (tiếng Anh là One commune, one product- viết tắt là OCOP) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản” (tiếng Anh là One village, one product- viết tắt là OVOP), phong trào này được triển khai đầu tiên ở Nhật bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích người dân.

(3) Anh Nguyễn Hữu Thía – Cán bộ Chương trình của CARE phụ trách Dự án tại tỉnh Kon Tum.

(4) Bức tranh Tương lai: Kế hoạch và các mục tiêu chi tiết mà các thành viên của HTX đã viết ra và treo tại nhà Rông của thôn – nơi mọi người thường sinh hoạt nhóm, từ khi bắt đầu thành lập tổ nhóm vào tháng 3/2019.

Dự án Tăng cường quan hệ Đối tác vì sự Phát triển Công bằng và Toàn diện của Cộng đồng các Dân tộc Thiểu số (P4EM) do tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc và Ban Dân tộc các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Trà Vinh và Kon Tum triển khai. Dự án được Cơ quan Viện trợ Ireland hỗ trợ tài chính và kéo dài từ năm 2017 đến năm 2021.