Năm 1982, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thông qua Công ước của Liên Hợp Quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, với 73% dân số nữ tham gia vào lực lượng lao động. Hiện nay, phụ nữ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong nền kinh tế Việt Nam, với 26,5% doanh nghiệp trong nước thuộc sở hữu của các nữ doanh nhân. Theo Chỉ số Nữ doanh nhân 2020 của Mastercard, Việt Nam đứng thứ 9/58 quốc gia được nghiên cứu về số phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo và tham gia lực lượng lao động.
Khởi nghiệp kinh doanh ổi từ năm 2016 tại Thanh Hóa, giờ đây chị Nguyễn Thị Bé, đang quản lý 5 nhân viên toàn thời gian và 30 nhân viên thời vụ. Chị Bé đã có thể theo đuổi ước mơ nhờ việc vay vốn từ Tài chính Vi mô Thanh Hóa, một đơn vị hiện đang số hóa quy trình vận hành dưới sự hỗ trợ của tổ chức Canal Circle và CARE tại Việt Nam.
Vay vốn trong thời điểm kinh tế bất ổn là một quyết định khó khăn, tuy nhiên việc chấp nhận rủi ro đã được đền đáp. Mặc dù liên tục phải đối mặt với những thách thức từ đại dịch, chị vẫn đang vững bước trên chặng đường đạt mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp.
Câu chuyện của chị Bé với những cơ hội phát triển mở ra khi được tiếp cận với nguồn lực phù hợp vốn không còn xa lạ với bà Winnie Wong – Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại khu vực Đông Nam Á, bà Winnie đã chứng kiến nhiều phụ nữ với hoàn cảnh khác nhau nỗ lực làm việc, và đôi khi gặp khó khăn trong việc thực hiện giấc mơ khởi nghiệp của mình. Bà chia sẻ: “Để đạt được mục tiêu, nhiều phụ nữ đã được hưởng lợi từ việc tiếp cận với mạng lưới kinh doanh giúp họ kết nối với khách hàng, với những dịch vụ tài chính phù hợp, cũng như hỗ trợ cả về mặt tinh thần và kiến thức kinh doanh. Những nguồn lực trên là rất cần thiết để biến một ý tưởng thành mô hình kinh doanh thành công, tạo công ăn việc làm cho mọi người”. Hiện CARE đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách về nguồn lực trên thông qua sáng kiến Thắp lửa được Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard hỗ trợ. CARE đang tiên phong thử nghiệm cách tiếp cận mới nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của các nữ chủ doanh nghiệp tới những mạng lưới trên. Sáng kiến Thắp lửa tập trung vào những nội dung sau:
Các dịch vụ tài chính ưu việt hơn: CARE hợp tác với những đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính có tư duy cấp tiến như VPBank và Canal Circle để đáp ứng nhu cầu của các nữ chủ doanh nghiệp hiệu quả hơn, mang lại cho họ nhiều cơ hội hơn để tiếp cận các khoản vay phù hợp, điều khoản trả nợ linh hoạt, với ít yêu cầu về tài sản thế chấp được giảm bớt.
Nâng cao kỹ năng cho nữ chủ doanh nghiệp: Trong quá trình làm việc trực tiếp, CARE trao quyền cho các nữ chủ doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định tốt nhất phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp mình. Hình thức đào tạo kết hợp cho các nữ chủ doanh nghiệp tập trung vào việc xây dựng kỹ năng số, củng cố các thực hành kinh doanh, cung cấp tư vấn, hướng dẫn, và đẩy mạnh việc kết nối mạng lưới kinh doanh hơn.
Hỗ trợ cộng đồng: CARE và các đối tác đang phối hợp phát động một chiến dịch tiếp cận đẩy mạnh sự ủng hộ của xã hội và gia đình dành cho các nữ chủ doanh nghiệp. Dù được thể hiện rõ ràng hay ngầm hiểu, những kỳ vọng đối với vai trò của người phụ nữ đều có thể là rào cản hoặc tác nhân dẫn tới thành công. Theo nghiên cứu, khoảng cách tài chính hiện đang ở mức trên 1 tỷ USD đối với các nữ doanh nhân tại Việt Nam, mặc dù các doanh nghiệp do phụ nữ hay nam giới lãnh đạo có doanh thu trung bình tương đương nhau. Do vậy, cần có những sản phẩm được thiết kế và tiếp thị riêng cho nữ chủ doanh nghiệp, vì đây là yếu tố quan trọng để thu thu hẹp khoảng cách và loại bỏ những trở ngại ngăn cản sự tăng trưởng của doanh nghiệp nhỏ. Thông qua sáng kiến Thắp lửa, CARE đã thiết lập các quan hệ đối tác quan trọng với khu vực tư nhân để phát triển và hoàn thiện những giải pháp tài chính dành riêng cho nữ chủ doanh nghiệp.
Để hỗ trợ cân bằng giữa công việc kinh doanh và gia đình cho nữ doanh nhân, CARE đã giới thiệu ứng dụng HerVenture, một ứng dụng đào tạo giúp phụ nữ có thể học tập, phát triển kỹ năng ngay cả khi bận rộn, thích ứng với môi trường kinh doanh giữa đại dịch. Đây là ứng dụng mà chị Nguyễn Thị Hiền đã dùng khi muốn mở rộng việc kinh doanh sản phẩm thịt chua mang thương hiệu Trường Foods. Chị Hiền chia sẻ: “Tôi đã quyết rằng, để phát triển doanh nghiệp của mình, tôi cần phải tiến ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh nguồn tài chính, tôi cũng cần có kỹ năng số và am hiểu về thương mại điện tử. Khóa đào tạo từ sáng kiến Thắp lửa đã giúp tôi trang bị kỹ năng cần thiết và trở thành một đơn vị xuất khẩu”.
Đồng thời, CARE đã khởi động một chiến dịch nâng cao nhận thức xã hội mang tên “Chiếc ô kiêu hãnh” nhằm tôn vinh thành tựu của các nữ chủ doanh nghiệp. Khơi dậy niềm tự hào của những nam nữ thanh niên, gia đình và cộng đồng về những thành tựu mà phụ nữ Việt Nam đạt được sẽ giúp tạo nên một hệ sinh thái mang tính hỗ trợ nhiều hơn, từ đó tạo điều kiện cho các nữ doanh nhân phát huy hết tiềm năng của mình.
Theo một phân tích gần đây, 92,3% nam giới Việt Nam cho rằng vai trò của người phụ nữ là chăm sóc gia đình và là hậu phương vững chắc cho sự nghiệp của chồng. Bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia của CARE Việt Nam cho biết: “Phụ nữ Việt Nam rất mạnh mẽ và là những nhân tố đóng góp tích cực trong lực lượng lao động. Tuy vậy, những quan điểm cho rằng phụ nữ phải tề gia nội trợ và là hậu phương cho chồng vẫn tồn tại dai dẳng. Để xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng, nơi mọi người đều được phát huy tối đa tiềm năng của mình, chúng ta cần nâng cao tư duy của mình về sự đóng góp chủ đạo của phụ nữ. Những thành tựu trong sự nghiệp của người phụ nữ cần được tôn vinh, vì khi một nữ lãnh đạo doanh nghiệp thành công thì điều đó sẽ đem lại lợi ích cho cả cộng đồng”. Chiến dịch “Chiếc ô kiêu hãnh” được phát động gần đây là một lời nhắc nhở mang tính trực quan rằng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là niềm tự hào của quốc gia và của chính gia đình họ.
Mastercard đang chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ Thắp lửa tới cộng đồng doanh nhân. Thông qua việc chia sẻ những quan điểm sâu sắc của CARE, đặc biệt là về cách phát triển quan hệ đối tác với khu vực tư nhân tập trung vào tác động, Mastercard giúp thúc đẩy phong trào định hình nền kinh tế, trong đó tất cả mọi người, dù ở bất cứ đâu đều có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình. Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard cùng Viện Aspen sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn cầu vào tháng 10, tất cả các doanh nhân đều được mời tham gia cuộc trò chuyện. Chỉ thông qua sự hợp tác, chúng ta mới có thể tạo điều kiện cho các nữ doanh nhân như chị Nguyễn Thị Bé và chị Nguyễn Thị Hiền phát triển và xây dựng một xã hội hòa nhập, mang lại cơ hội cho tất cả mọi người.