“Nhiều chị em bị đánh nhưng chỉ dám nói là mình bị ngã xe,” bà Lò Thị Chanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) chia sẻ tại hội thảo khởi động dự án Nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc miền núi phía bắc trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới diễn ra tại thành phố Điện Biên Phủ tỉnh Điện Biên ngày 10/9/2018.
Tham gia hội thảo có đại diện của nhiều sở, ban ngành liên quan của tỉnh Điện Biên; đại diện 4 xã của huyện Điện Biên nơi sẽ triển khai dự án (Pa Khoang, Mường Phăng, Hua Thanh, Thanh Nưa); và đại diện của các tổ chức sẽ cùng triển khai hoạt động của dự án là CARE Quốc tế tại Việt Nam, Viện Phát triển Sức khoẻ cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) và Trung tâm Phát triển Cộng đồng tỉnh Điện Biên (CCD).
“Bạo lực giới là vấn đề như ‘tảng băng chìm’ ở Việt Nam. Đây không phải là vấn đề của riêng nhóm thiểu số, mà là của nhiều nhóm và tầng lớp khác nhau trong xã hội. Tất nhiên, phụ nữ dân tộc thiểu số gặp những rào cản và thách thức đặc thù so với phụ nữ đa số, chẳng hạn như hạn chế về khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông và khả năng đi lại, do đó họ càng khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khi bị bạo lực.”– bà Lê Kim Dung, Giám đốc Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết.
Tại phiên thảo luận bàn tròn trong khuôn khổ hội thảo, bà Vừ Đào My, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên chia sẻ rằng bà biết có một thôn mà tình trạng bạo lực gia đình xảy ra khá phổ biến và hơn 90% trường hợp bạo hành ở đó là với phụ nữ. Bà cũng nhấn mạnh trên thực tế, nhiều nam giới chưa nhận thức được vấn đề thế nào là bạo lực. “Nhận thức chưa thay đổi thì hành vi không thể thay đổi.” – bà My nói.
Bà Lường Thị Tươi, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Pa Khoang (huyện Điện Biên) cho biết phần lớn phụ nữ bị bạo hành trong xã hay giấu người khác và một mình cam chịu.
Tham dự hội thảo, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc tổ chức CSAGA cũng chia sẻ nhiều câu chuyện cho thấy bạo lực dựa trên cơ sở giới không chỉ là vấn đề của riêng cộng đồng dân tộc thiểu số vì kinh nghiệm của CSAGA cho thấy đây là câu chuyện nhức nhối ở nhiều vùng miền, nhiều ngành nghề khác nhau. “Công việc phòng chống bạo lực của chúng ta rất nhiều thách thức. Nếu không có sự tham gia của nam giới thì sẽ rất khó.” – bà Vân Anh nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (Sở Lao động-Thương binh-Xã hội) cho biết tỉnh Điện Biên dự kiến tổ chức 14 lớp tập huấn, hội thảo cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách; 20 buổi truyền thông tại cộng đồng; 75% người gây bạo lực được tư vấn, hỗ trợ, ngăn chặn;…
Ông Nguyễn Công Sơn, Giám đốc Sở Ngoại vụ – Phó Ban Công tác Phi Chính phủ tỉnh Điện Biên, trong giai đoạn 2013-2017 tỉnh Điện Biên thu hút 33 nhà tài trợ là tổ chức phi chính phủ nước ngoài với 99 chương trình-dự án và tổng kinh phí cam kết trên 370 tỷ đồng. Trong các tổ chức trên, CARE Quốc tế tại Việt Nam đã triển khai hoạt động được 10 năm tại Điện Biên với trọng tâm là nâng cao tiếng nói và vị thế của phụ nữ trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. “Dự án sẽ giúp các cộng đồng có thêm kinh nghiệm và tri thức để xử lý vấn đề bạo lực giới.” – ông Sơn phát biểu.