(New York, NY – 1/4/2020) Hôm nay, CARE và Ủy ban Cứu trợ Quốc tế công bố Phân tích nhanh về Giới trong đại dịch COVID-19 dựa trên phân tích dữ liệu thứ cấp trong thời gian từ ngày 12 đến 20/3/2020. Bản phân tích này được thực hiện nhằm tìm hiểu các khía cạnh giới đang có và tiềm ẩn trong đại dịch COVID-19 và nhấn mạnh những hình thức ảnh hưởng khác nhau có thể xảy ra đối với phụ nữ, trẻ em gái và các đối tượng dễ bị tổn thương khác. Có thể coi bản Phân tích này là tóm tắt của tài liệu tóm lược chính sách mà CARE công bố ngày 16/3/2020 có nhan đề “Các Hàm ý về Giới trong sự bùng nổ đại dịch COVID-19 trong bối cảnh phát triển và nhân đạo”.

“Trong 75 năm qua, CARE luôn luôn ưu tiên nhu cầu của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới” – bà Michelle Nunn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành CARE Mỹ cho biết. “Từ thiên tai và xung đột vũ trang tới các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, các Phân tích Nhanh về Giới trước đây của chúng tôi cho thấy khoảng cách quyền lực thường trở nên trầm trọng hơn trong các trường hợp khẩn cấp, làm sâu sắc hơn các tình trạng dễ bị tổn thương. Chúng ta cần đảm bảo rằng các ứng phó khẩn cấp với COVID-19 không bỏ quên những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội như thường xảy ra. Phân tích Nhanh về Giới phạm vi toàn cầu trong đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy cách thức giải quyết.”

Bản Phân tích này xem xét bằng chứng từ các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trước đây cũng như các dữ liệu hiện có về: ảnh hưởng của COVID-19 đến trách nhiệm và vai trò giới; tiếp cận chăm sóc y tế trong đó có sức khỏe sinh sản, tình dục và quyền; bạo lực trên cơ sở giới (GBV); ra quyết định và lãnh đạo và tiếp cận thông tin. Bản Phân tích cũng kêu gọi:

  • Trong các đánh giá nhằm cải thiện hiệu quả chương trình và vận động chính sách, cần thu thập và sử dụng một cách đầy đủ, có hệ thống dữ liệu tách theo giới tính và độ tuổi (bổ sung thêm phân tổ dựa vào các nhóm chịu rủi ro, bao gồm cả phụ nữ mang thai) và các chỉ số về giới.
  • Thực hiện phân tích định kỳ về các chuẩn mực cũng như tập quán giới và xã hội của địa phương – những yếu tố hình thành nên hành vi cá nhân khi mắc bệnh và các rào cản liên quan.
  • Thu hút sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ, nữ thanh thiếu niên và tất cả các nhóm yếu thế vào việc lãnh đạo và ra quyết định trong nỗ lực chuẩn bị và ứng phó ở mọi cấp – từ toàn cầu đến địa phương.
  • Công nhận khả năng của phụ nữ, nam giới, nam và nữ thanh thiếu niên thông qua các mạng lưới xã hội, các nhóm phụ nữ và xã hội dân sự.
  • Hỗ trợ về nhạy cảm giới cho các nhân viên y tế tuyến đầu nhằm giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và tâm lý, bao gồm cả cho nạn nhân của bạo lực giới.
  • Tiếp tục cung cấp các dịch vụ cứu chữa – trong đó bao gồm dịch vụ về sức khỏe sinh sản, tình dục và quyền (SRHR), đặc biệt là gói dịch vụ ban đầu tối thiểu (MISP) và ngăn chặn, ứng phó với bạo lực giới (GBV) cũng như tập huấn cho những người phụ trách tuyến đầu về cách xử lý các vụ việc bạo lực giới.
  • Giải quyết vấn đề về kỳ thị, bài ngoại và các quan hệ quyền lực khác đang cản trở các nhóm yếu thế tiếp cận dịch vụ cứu chữa/ dịch vụ sức khỏe sinh sản, tình dục và quyền (SRHR). Tính đến các cơ sở trú ẩn và không gian an toàn cho việc cách ly và chăm sóc.
  • Thiết lập và/hoặc củng cố các liên kết cộng đồng và cơ chế giải trình.
  • Chuẩn bị cho tình huống gia tăng các ca bạo lực giới và/hoặc gia tăng tính dễ bị tổn thương và nhu cầu của nạn nhân bạo lực giới; Củng cố và lấp đầy khoảng trống trong việc cung cấp các hệ thống và dịch vụ chuyển gửi nạn nhân bạo lực giới.
  • Các biện pháp phòng chống dịch cần áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền và tôn trọng quyền của người tị nạn, nhóm dân mất chỗ ở trong nước, lao động di cư/người giúp việc gia đình và những đối tượng cần quan tâm khác.

“Ảnh hưởng và tác động của các khủng hoảng toàn cầu như COVID-19 tới mỗi giới là khác nhau rõ rệt.” – bà Kristin Kim Bart, Giám đốc Cấp cao về Bình đẳng Giới của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế cho hay. “Mặc dù các tác động và nhu cầu cụ thể của phụ nữ và trẻ em gái đã được truyền thông đề cập nhiều hơn trong những tuần gần đây so với các cuộc khủng hoảng trước đây, song chúng ta vẫn cần phải biến nhận thức này thành các quyết định và hành động khác nhau. Các nhà hoạch định chính sách không được bỏ qua những khác biệt này khi đưa ra các kế hoạch ứng phó và phải đảm bảo tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được phản ánh ở mọi cấp độ ứng phó. Cần thay đổi ngay từ quá trình thu thập và phân tích dữ liệu, ban hành chính sách và phân bố nguồn lực để phụ nữ và trẻ em gái không bị bỏ lại phía sau.”

Liên hệ báo chí:

Vanessa Parra | CARE Mỹ | Giám đốc, Quan hệ Báo chí
115 Broadway, 7th Floor, New York NY 10006 | cell phone: +1-917-525-0590 | email: vanessa.parra@care.org | Skype: Va.Parra | Twitter: ParraV