Chị Lường Thị Thủy đã tận mắt chứng kiến “sự bứt phá” của các chị em người dân tộc thiểu số – thành viên của các nhóm cổ phần tài chính tự quản thôn bản (gọi tắt là VSLA) trong xã mình.

Nỗi lo thiếu tiền

Chị Thủy – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên – là một trong những người tham gia triển khai dự án Bứt Phá trên địa bàn xã do tập đoàn Procter & Gamble tài trợ.

Chị nhớ lại thời điểm đầu tiên không mấy dễ dàng vào mùa hè năm 2018 khi chị cùng với các đồng nghiệp khác tập huấn cho các chị em trong thôn bản về quy trình, nguyên tắc thành lập và hoạt động nhóm cổ phần tài chính tự quản thôn bản (VSLA). Khi ấy, chị em còn chưa mấy tin tưởng vào việc tiết kiệm và tương hỗ lẫn nhau của loại hình sinh hoạt nhóm này. Họ cũng cảm thấy hoang mang về việc tiền mà mình đóng góp hàng tháng sẽ được giao cho nhóm quản lý ra sao.

Nhưng chỉ sau một tháng triển khai, chị đã thành lập được 14 nhóm VSLA với hơn 300 thành viên. Sự thận trọng và dè dặt khiến các thành viên đi đến việc quyết định mỗi cổ phần chỉ có mệnh giá là 20 nghìn đồng.

Chị Thủy hiểu rõ những mối lo toan không hề nhỏ của chị em. Dù cần tiền mặt để mua phân bón, mua con giống mở rộng chăn nuôi, học phí cho con hay khoản chi trả viện phí, nhiều người vẫn không có thói quen tiết kiệm và quản lý chi tiêu hộ gia đình. Bản thân chị Thủy cũng nhìn ra được những lợi ích của hình thức sinh hoạt của nhóm VSLA nên đã tham gia vào 2 nhóm khác nhau. Như vậy là một mũi tên trúng hai đích: vừa để tăng khoản tiết kiệm cho gia đình mình, vừa để tăng lòng tin cho các chị em khi thấy một cán bộ Hội cũng tham gia hoạt động.

Không những vậy, tham gia sinh hoạt cùng chị em trong nhóm, chị Thủy cũng có được cái nhìn thực tế hơn về những vấn đề khó khăn mà các chị em trưởng nhóm, các thành viên gặp phải. Chẳng hạn như ghi chép sổ sách, thống kê các khoản vay hay trả lãi trong nhóm. Do đó, chị Thủy đã sát sao cùng với ban quản lý của các nhóm trong quá trình hướng dẫn các vấn đề trên. Chị cũng hỗ trợ các trưởng nhóm trong điều hành thảo luận về giới trong các buổi sinh hoạt thường kỳ.

Sử dụng internet để quản lý nhóm hiệu quả

Tận dụng công nghệ, chị Thủy đã lập một nhóm trao đổi, cập nhật các số liệu, hình ảnh sinh hoạt của các nhóm qua zalo có tên “ZALO-VSLA Búng Lao”.

Trên nhóm trao đổi thông tin này, các câu hỏi, thắc mắc và kinh nghiệm của các chị em trong ban quản lý của 14 nhóm VSLA được giải đáp và chia sẻ thật nhanh từ chị Thủy cũng như các chị em khác. Đây cũng là kênh để các trưởng nhóm VSLA gửi lên cho chị các số liệu theo dõi về số thành viên, số lượng cổ phần huy động được, số vốn đã cho các thành viên vay trong từng kỳ họp. Nhờ vậy, chị Thủy theo dõi được sát sao tình hình hoạt động của các nhóm.

Sau một chu kỳ sinh hoạt là một năm, tổng số tiền 14 nhóm có được là 472 triệu đồng. Con số này bước đầu tuy không quá lớn nhưng lại có ý nghĩa “bứt phá” vì nhờ thế mà từng thành viên hình thành được thói quen tiết kiệm. Quy mô nhóm vừa đủ với trung bình 25 thành viên là nơi để các thành viên chia sẻ, học hỏi nhau trong công việc đồng ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chia sẻ với nhau cả những câu chuyện trong cuộc sống gia đình. Chị Thủy “khoe” rằng sinh hoạt VSLA đã thành nếp sống nơi đây.

Thu hút nam giới tiết kiệm

Nam giới cũng hứng thú với VSLA. Một số nhóm đã có thêm các thành viên nam giới đăng ký tham gia sinh hoạt trong chu kỳ mới. Ở nhiều nhóm khác, nam giới đi họp thay vợ khi vợ bận việc khác. Mô hình tiết kiệm tín dụng theo nhóm thôn bản, theo chị Thủy, cũng tạo cơ hội cho các chị em tự giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi ai đó gặp khó khăn thông qua việc cho vay cổ phần.

Nhìn thấy nhiều lợi ích, từ chu kỳ thứ hai, nhiều nhóm tăng mệnh giá cổ phần lên 30 nghìn hoặc 50 nghìn đồng. Ai cũng mong khoản tiết kiệm cuối năm của mình nhiều lên so với năm trước.

Chị Thủy mong muốn các nhóm đang hoạt động sẽ vẫn tiếp tục duy trì sinh hoạt. Chị còn muốn thành lập thêm các nhóm mới bao phủ hết các thôn trong xã của mình và cả những xã khác trong địa bàn tỉnh để những lợi ích của hoạt động lan tỏa đến nhiều chị em hơn nữa.

Dự án Bứt phá được triển khai để nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn. Bấm vào đây để xem thêm thông tin về dự án.