Giang Vũ (CARE)

(Phiên bản báo chí của bài viết này đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, trang 7, số 15-2018 ra ngày 12/4/2018)

Ông Bình vẫn chưa quên những ngày đầu sang Nhật Bản cách đây gần chục năm khi ông và các bạn chuẩn bị cho quãng thời gian học tập vài năm nơi đây. Ông nhớ nhất ba điều mà người Nhật dạy ngay trong tuần đầu tiên. Một trong số đó là nội dung liên quan đến việc ngăn ngừa và xử lý quấy rối tình dục.

Câu chuyện này được ông Nguyễn Văn Bình, hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ tại hội thảo về cơ chế phòng ngừa và giải quyết vấn đề quấy rối tình dục trong các nhà máy may do CARE cùng các đối tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ)Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức tại Hà Nội ngày 27-3-2018. Là một người tâm huyết với vấn đề phân biệt đối xử lao động nói chung và phòng chống, giải quyết quấy rối tình dục nói riêng, ông buộc phải thừa nhận một thực tế: quấy rối tình dục là vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng cuộc đấu tranh phòng chống và giải quyết quấy rối tình dục ở nhiều nước chưa được chú trọng, trong đó có Việt Nam

Ông Bình chia sẻ tại hội thảo về cơ chế phòng ngừa và xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc do CARE tổ chức cuối tháng 3-2018 tại Hà Nội – @2018 CARE Quốc tế tại Việt Nam

Một số nghiên cứu do CARE hoặc các tổ chức, hãng luật khác nhau thực hiện ở Việt Nam đều mang lại một bức tranh chung: Quấy rối tình dục ở nơi làm việc là một vấn đề có thật, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và nguồn kiếm sống ổn định của người lao động; đồng thời gây thiệt hại về năng suất, lợi nhuận cho người sử dụng lao động vì nhân viên của họ phải nghỉ phép nhiều hơn hoặc phải bỏ việc; và kể cả những nhân viên bị quấy rối dù gắng lòng đi làm để duy trì thu nhập, họ cũng không thể dành đầy đủ tâm trí cho công việc. Nghiên cứu gần đây của CARE thực hiện tại Cam-pu-chia cho thấy quấy rối tình dục khiến ngành dệt may nước này thiệt hại khoảng 89 triệu USD, tương đương 0,52 phần trăm GDP cả nước năm 2015. Tại Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết các nhà máy may có ít bạo lực và quấy rối hơn thường có xu hướng sinh lời tốt hơn những nhà máy khác
Chúng ta vẫn chưa được chứng kiến những tín hiệu thật sự tích cực từ thực tiễn áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng năm 2015. Theo nghiên cứu của CARE năm 2017 do hãng luật Duane Morris thực hiện, tình hình tuân thủ và áp dụng Bộ Quy tắc này có thể chia thành ba nhóm: Nhóm một chủ yếu gồm các doanh nghiệp dệt may thường được các nhãn hàng yêu cầu dẫn chiếu đến nội quy về quấy rối tình dục của công ty đặt hàng; Nhóm thứ hai “bê nguyên” toàn bộ nội dung liên quan trong Luật Lao động vào nội quy; và Nhóm cuối cùng là nhóm “không làm gì”.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc chưa được các doanh nghiệp, cơ quan quan tâm đúng mức. Nói như ông Bình, những con số về thiệt hại dù là 89 triệu USD như ở Cam-pu-chia hay nhiều hơn nữa vẫn chưa đủ để đánh vào đúng tâm lý chú trọng lợi nhuận của chủ sử dụng lao động, bởi ai cũng nghĩ con số đó chắc không phải của doanh nghiệp mình. Một lý do nữa mà nhiều chuyên gia và nhiều người thống nhất là vấn đề về nhận thức xã hội, về văn hóa. Do yếu tố này mà một số hành vi có thể bị coi là quấy rối tình dục chỉ được coi là trêu đùa .

Một nguyên do căn bản khác là hệ thống pháp luật liên quan chưa thật sự hoàn thiện. Bộ Luật Lao động 2012 của Việt Nam có 4 điều quy định liên quan đến vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đưa ra được khái niệm, hành vi và cơ chế nhận diện về quấy rối tình dục cũng như chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ chế xử phạt kẻ quấy rối,… Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mới chỉ được hiểu là xảy ra ở trong trụ sở, văn phòng, nhà máy mà chưa tính đến các trường hợp quấy rối tình dục khác hoàn toàn có thể xảy ra ở ngoài phạm vi những nơi nói trên nhưng vẫn liên quan đến công việc. VD: liên hoan công ty ở nhà hàng, ký túc xá dành cho công nhân, quấy rối qua mạng internet với đồng nghiệp. Có thể nói, năng lực và nhận thức của tất cả các bên trong việc nhận diện và giải quyết vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một trong những yếu tố căn bản quyết định hiệu quả của các biện pháp, chính sách về quấy rối tình dục, v.v..

Cần có sự tham gia tích cực từ nhiều phía để đảm bảo môi trường làm việc không có quấy rối tình dục – @CARE Cambodia

Để thay đổi hiện trạng, rõ ràng nhiều biện pháp đồng bộ cần được triển khai thông qua nỗ lực chung của các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà làm luật, giới chủ, công đoàn, người lao động, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, giới truyền thông, v.v.. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang gia tăng áp lực cạnh tranh về cắt giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu suất lao động thì bắt tay vào xử lý vấn đề càng sớm, người lao động và người sử dụng lao động sẽ càng sớm được hưởng lợi và Việt Nam càng tiến gần đến việc hoàn thành cam kết quốc tế và trong nước về bảo đảm các quyền cơ bản của con người.

Có thể xem thêm thông tin về dự án Tăng cường tiếng nói của phụ nữ nhằm chấm dứt quấy rối tình dục ở đây.