Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2023 – PepsiCo Foundation, tổ chức từ thiện của công ty thực phẩm và đồ uống hàng đầu thế giới, công bố mở rộng chương trình She Feeds the World (SFtW), hợp tác với CARE Quốc tế tại Việt Nam. Với khoản đầu tư 1,1 triệu USD, chương trình sẽ hợp tác với Trung tâm Khuyến nông và Nông thôn Quốc gia (NAEC), Đối tác Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam (PSAV) và Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) để hỗ trợ hơn 22.000 nông dân ở Đắk Lắk và Gia Lai, 60% trong số đó là phụ nữ, cải thiện sinh kế. Cam kết thúc đẩy sự thay đổi thực sự và bền vững, chương trình được thực hiện nhằm mục đích cải thiện an ninh lương thực và giải quyết bất bình đẳng giới trong lĩnh vực nông nghiệp bằng cách cung cấp cho những người phụ nữ làm sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ các kiến thức, nguồn lực sản xuất và hỗ trợ kinh tế để giúp họ tăng năng suất cây trồng và thu nhập.

Kể từ năm 2019, PepsiCo Foundation đã hợp tác với CARE, một tổ chức chống đói nghèo toàn cầu, trong chương trình She Feeds the World trên toàn cầu. She Feeds the World là một sáng kiến trị giá 18,2 triệu USD kéo dài nhiều năm nhằm cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng của các hộ gia đình nông thôn nghèo, tập trung vào phụ nữ sản xuất quy mô nhỏ. Chương trình hướng tới tiếp cận 5 triệu nông dân nữ và làm việc trực tiếp với họ để xây dựng kỹ năng và sự tự tin của họ trong thực hành nông nghiệp bền vững, tham gia thị trường, bình đẳng giới cũng như an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Với kiến thức chuyên môn về hệ thống thực phẩm và cam kết giải quyết tình trạng bất bình đẳng toàn cầu, PepsiCo Foundation và CARE có vị thế đặc biệt để thúc đẩy sự thay đổi về an ninh lương thực và nông nghiệp trên quy mô lớn. Chương trình đã và đang hoạt động ở Uganda, Peru, Ai Cập, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Colombia. Tại mỗi quốc gia, chương trình được thiết kế để đáp ứng nhu cầu riêng của cộng đồng địa phương thông qua làm việc với nông dân nữ, các tổ chức phi lợi nhuận địa phương, các bên liên quan trong ngành và nhà cung cấp.

Ông C.D. Glin, Chủ tịch Quỹ PepsiCo và Giám đốc hoạt động từ thiện toàn cầu của PepsiCo cho biết “Quỹ mong muốn mở rộng She Feeds the World, hợp tác với CARE, để nâng cao vị thế của nông dân nữ hơn, phát triển các phương pháp canh tác bền vững và xác định lại các chuẩn mực giới trong nông nghiệp.”

Nữ nông dân chiếm hơn một nửa tổng số lao động nông nghiệp ở các nước đang phát triển và ở Việt Nam, hiện vẫn có 52% lực lượng lao động trong nông nghiệp là phụ nữ. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến. Bất chấp vai trò trung tâm của họ, phụ nữ vẫn không có cơ hội tiếp cận một cách bình đẳng, có hệ thống đối với các nguồn lực phù hợp và thường bị loại khỏi các khóa đào tạo được thiết kế để hỗ trợ nông dân, khiến năng suất của phụ nữ nông dân giảm 30%.

Nghiên cứu cho thấy rằng nếu nữ nông dân có khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên như nam giới, họ có thể tăng năng suất của mình lên 20–30%. Ước tính trên cho thấy việc thu hẹp khoảng cách về giới trong nông nghiệp và tăng năng suất cho phụ nữ làm nông có thể làm giảm số người đói trên thế giới lên tới 150 triệu người.

Tính đến tháng 9 năm 2023, SFtW đã hỗ trợ 3.136 người cải thiện các phương pháp thực hành nông nghiệp bền vững, tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực sản xuất cũng như tiếp cận thị trường. Dự án đã thay đổi các phương pháp thực hành bền vững của hơn 700 nông dân sản xuất quy mô nhỏ, bao gồm việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, kế hoạch bón phân tốt hơn bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ, v.v., dẫn đến tăng năng suất lên 10% và giảm 20% lượng nước trong sản xuất. Dự án cũng kết nối 13,5ha đất canh tác theo hợp đồng với khu vực tư nhân để trồng khoai tây. Bên cạnh đó, SFtW cũng kết nối với công ty dệt may để thí điểm mô hình chế biến lá dứa thành nguyên liệu dệt may, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Hoạt động này giúp giải quyết ít nhất 750 tấn lá dứa/năm, tạo ra thu nhập tương đương 1,3 tỷ đồng/năm, tăng 20% thu nhập cho người trồng dứa và tận dụng bã dứa còn sót lại để bón phân và làm thức ăn chăn nuôi.

Thông qua tất cả các biện pháp can thiệp nhằm thúc đẩy thực hành sản xuất nông nghiệp của các nữ nông dân, 65 phụ nữ đã cải thiện khả năng lãnh đạo của mình với tư cách là trưởng nhóm trong các cuộc họp và hoạt động nhóm thường xuyên.

Quỹ Pepsico và CARE

Với vai trò đặc biệt là đối tác chính phủ trong sáng kiến này, NAEC và PSAV có thể thu hút các bên liên quan khác nhau để thảo luận, chia sẻ và nhân rộng các mô hình thành công nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, sự lãnh đạo của phụ nữ và liên kết thị trường. “Khuyến nông Việt Nam đang trong giai đoạn đổi mới, tập trung nâng cao năng lực cho người dân để ứng dụng các công nghệ thích hợp trong cơ sở sản xuất trên các tổ chức nông thôn như hợp tác xã và các loại hình tổ chức khác, đặc biệt chú ý đến việc xây dựng giới trong các hoạt động khuyến nông” – Ông Lê Quốc Thanh – giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết.

Bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia của CARE Quốc tế tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta cùng hướng tới phát triển một nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ và tăng cường tiềm lực của tài nguyên thiên nhiên, đồng thời được thúc đẩy bởi các thể chế và chính sách toàn diện và có trách nhiệm. CARE mong muốn thúc đẩy các chính sách kinh tế và xã hội bền vững ưu tiên bình đẳng giới thông qua chương trình hợp tác với PepsiCo tại Việt Nam vì chúng tôi tin rằng không thể phát triển bền vững nếu không giải quyết vấn đề phân biệt đối xử dựa trên giới tính.”

Quỹ PepsiCo là nhà tài trợ khu vực tư nhân lớn nhất của CARE cho sáng kiến này cho đến nay. Hợp tác này phù hợp với nỗ lực rộng lớn hơn của PepsiCo nhằm trao quyền cho phụ nữ trong chuỗi cung ứng nông nghiệp thông qua đầu tư vào Chương trình Nông nghiệp Bền vững, hiện đang hoạt động ở 38 quốc gia và các chương trình nông nghiệp đa ngành khác, có tiềm năng đạt được sự thay đổi mang tính hệ thống trên quy mô lớn.

Mỗi sáng kiến này đều song hành với PepsiCo Positive (PEP+), quá trình chuyển đổi hoạt động kinh doanh toàn diện, mang tính chiến lược của công ty, đặt tính bền vững và con người làm trung tâm trong cách Pepsi tạo ra tăng trưởng và giá trị. Mục tiêu PEP+ và việc thực hiện các chương trình bền vững của PepsiCo tại Việt Nam sẽ hỗ trợ Chính phủ đạt được các mục tiêu đầy tham vọng trong Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Cụ thể, She Feeds the World đóng góp cho Nông nghiệp Tích cực, một trụ cột của chương trình nghị sự pep+ nhằm mục đích cung cấp nguồn cây trồng và nguyên liệu theo cách thúc đẩy nông nghiệp tái tạo và củng cố các cộng đồng nông nghiệp. Điều này bao gồm các mục tiêu đến năm 2030, phổ biến việc áp dụng các phương pháp canh tác tái tạo trên 2,8 triệu ha (tương đương 7 triệu mẫu Anh), cải thiện sinh kế của hơn 250.000 người trong chuỗi cung ứng nông nghiệp và cung cấp 100% nguyên liệu sản xuất chính một cách bền vững.

Để biết thêm thông tin về She Feeds the World, hãy truy cập www.pepsicofoundation.com và www.care.org.vn. Để biết thêm thông tin về pep+ hãy truy cập tại đây.

Ảnh của sự kiện.

Giới thiệu về PepsiCo

Các sản phẩm của PepsiCo được người tiêu dùng yêu thích hơn một tỷ lần mỗi ngày tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. PepsiCo đã tạo ra doanh thu ròng hơn 63 tỷ USD trong năm 2017, nhờ danh mục thực phẩm và đồ uống bổ sung bao gồm Frito-Lay, Gatorade, Pepsi-Cola, Quaker và Tropicana. Danh mục sản phẩm của PepsiCo bao gồm nhiều loại thực phẩm và đồ uống thú vị, trong đó có 22 thương hiệu tạo ra doanh thu bán lẻ ước tính hàng năm hơn 1 tỷ USD cho mỗi thương hiệu.

Triết lý kinh doanh trên toàn cầu của Pepsico là Hành động có Chủ đích – niềm tin cơ bản của chúng tôi rằng sự thành công của công ty gắn bó chặt chẽ với sự bền vững của thế giới xung quanh chúng ta. Chúng tôi tin rằng việc liên tục cải tiến các sản phẩm chúng tôi bán, hoạt động có trách nhiệm để bảo vệ hành tinh của chúng ta và trao quyền cho mọi người trên khắp thế giới sẽ giúp PepsiCo điều hành một công ty toàn cầu thành công, tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội và các cổ đông của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.pepsico.com.

Giới thiệu về Quỹ PepsiCo

Quỹ PepsiCo, tổ chức từ thiện của PepsiCo, đầu tư vào các yếu tố thiết yếu của hệ thống thực phẩm bền vững với sứ mệnh hỗ trợ các cộng đồng thịnh vượng. Làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận và các chuyên gia trên toàn cầu, chúng tôi tập trung vào việc giúp cộng đồng tiếp cận với an ninh lương thực, nước sạch và cơ hội kinh tế. Chúng tôi cố gắng tạo ra tác động hữu hình ở những nơi chúng tôi sống và làm việc—cộng tác với các đồng nghiệp trong ngành, các tổ chức địa phương và quốc tế cũng như nhân viên của chúng tôi để tác động đến sự thay đổi quy mô lớn về các vấn đề quan trọng đối với chúng tôi và có tầm quan trọng toàn cầu. Tìm hiểu thêm tại www.pepsicofoundation.com.

Giới thiệu về tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam

Được thành lập vào năm 1945 với việc thực hiện chương trình CARE Package®, CARE là tổ chức nhân đạo hàng đầu chống lại nạn đói nghèo toàn cầu. CARE đặc biệt chú trọng làm việc cùng với phụ nữ và trẻ em gái vì nếu được trang bị các nguồn lực phù hợp, họ có khả năng đưa cả gia đình và toàn bộ cộng đồng thoát khỏi đói nghèo. Đó là lý do tại sao phụ nữ và trẻ em gái là trọng tâm trong các nỗ lực dựa vào cộng đồng của CARE nhằm đối phó với nạn đói, đảm bảo dinh dưỡng và an ninh lương thực cho tất cả mọi người, cải thiện giáo dục và sức khỏe, tạo cơ hội kinh tế và ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Vào năm 2022, CARE đã hoạt động tại 111 quốc gia và tiếp cận hơn 174 triệu người trên khắp thế giới.

CARE Quốc tế tại Việt Nam (CVN) đã tích cực hợp tác với nhiều tổ chức và đối tác Việt Nam trong 30 năm qua với hơn 300 dự án. CVN nhận thấy rằng chìa khóa để đạt được thành tựu phát triển bình đẳng là các biện pháp can thiệp nhằm giải quyết các nguyên nhân cơ bản, sâu xa của nghèo đói, bất công xã hội và bất bình đẳng giới đã kéo một bộ phận dân cư ra khỏi quá trình phát triển và khiến họ dễ bị tổn thương.

Mục tiêu dài hạn của CVN là người dân tộc thiểu số và người dân thành thị thuộc mọi giới tính, đặc biệt là phụ nữ, được hưởng lợi một cách công bằng từ sự phát triển.

Để biết thêm thông tin về tổ chức, vui lòng truy cập www.care.org.vn

Giới thiệu về Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (NAEC) là cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) chịu trách nhiệm quản lý nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các hoạt động nông nghiệp, phát triển nông thôn khác. NAEC hợp tác chặt chẽ với mạng lưới các trung tâm khuyến nông cấp tỉnh trên toàn quốc.

Về Quan hệ đối tác vì nông nghiệp bền vững ở Việt Nam

PSAV được thành lập vào năm 2010 theo cách tiếp cận “Tầm nhìn mới cho Nông nghiệp 2020” hướng tới mục tiêu 20-20-20, tức là tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo và giảm 20% lượng khí thải. PSAV tập trung kết nối các chủ thể trong lĩnh vực nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực ở Việt Nam theo hình thức Đối tác công tư (PPP). Đến nay, PSAV có 8 Tổ công tác PPP (TF), gồm Cà phê, Chè, Rau quả, Thủy sản, Gạo, Gia vị và Tiêu, Chăn nuôi, Hóa chất nông nghiệp, được hình thành và hoạt động với sự tham gia của 120 tổ chức, trong đó có các cơ quan chính phủ, công ty, hiệp hội ngành nghề, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế và phi chính phủ.